Thứ 2, 25/11/2024, 10:23[GMT+7]

Những người thầy đặc biệt

Thứ 2, 20/11/2017 | 11:07:44
722 lượt xem
Dù cơ thể không được lành lặn như những người khác nhưng với niềm đam mê, những người thầy ấy vẫn vượt lên hoàn cảnh, đem nguồn tri thức cho các thế hệ học trò. Dù lớp học có hoặc không có phấn trắng, bảng đen song những người thầy đều quyết tâm giúp học trò của mình có thêm kiến thức, tự tin bước vào tương lai.

Thầy giáo Lâm Minh Tuyến hướng dẫn học sinh sử dụng phần mềm tin học.

Niềm vui khi đứng trên bục giảng

Hình ảnh người thầy khuyết tật trên chiếc xe đạp điện đã không còn xa lạ với những thế hệ học trò Trường THCS Tam Quang (Vũ Thư). Sức khỏe yếu do bị khuyết gen khiến cơ không phát triển, thế nhưng 10 năm qua, thầy giáo Lâm Minh Tuyến, giáo viên môn Tin học vẫn cố gắng vượt lên chính mình, bám lớp, bám trường. Niềm vui với thầy là mỗi ngày được truyền dạy cho học sinh kiến thức tin học, giúp các em không lạc hậu trước thời đại công nghệ. Được phân công giảng dạy tin học ở cả 4 khối lớp song lúc nào thầy cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, thầy còn tham gia hướng dẫn học sinh giỏi của Trường tham gia các kỳ thi giải toán, tiếng Anh qua mạng và đạt giải cấp trường, cấp huyện.

Thầy Tuyến chia sẻ: Tốt nghiệp Khoa Tin học, Trường Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tôi quyết định lựa chọn theo ngành sư phạm bởi đây là nghề phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình. Ban đầu khi giảng dạy, bản thân tôi tự ti về khiếm khuyết cơ thể song chỉ mất thời gian ngắn tôi đã cân bằng lại cuộc sống, tự tin và đam mê hơn với nghề giáo. Mỗi bài giảng được truyền dạy, mỗi lớp học sinh ra trường thành đạt đã trở thành nguồn động viên lớn đối với những người làm nghề giáo như tôi.

Không chỉ giảng dạy trên lớp, ngoài giờ, thầy Tuyến còn hỗ trợ các thầy cô trong trường áp dụng tin học vào giảng dạy mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, thầy còn mở thêm cửa hàng sửa chữa máy tính để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Thầy giáo Lâm Minh Tuyến là tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt khó cho những thế hệ học trò.

Ðam mê truyền nghề

Hiểu được tầm quan trọng của nghề tẩm quất tới cuộc sống của người khiếm thị nên sau 9 năm gắn bó với nghề, anh Bùi Hữu Dũng đã nhận lời mời về dạy tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề thuộc Hội Người mù tỉnh. Dù lớp học không phấn trắng, bảng đen và bước đường trở thành thầy giáo của chàng thanh niên khiếm thị đầy gian nan, vất vả song với suy nghĩ làm sao có nhiều người khiếm thị được học nghề, có việc làm, thu nhập, anh đã vượt qua những rào cản khó khăn.

Anh Dũng chia sẻ: Lớp học cả thầy và trò đều là người khiếm thị nên quá trình dạy và học gặp muôn vàn khó khăn. Nghề tẩm quất lại là nghề cầm tay chỉ việc trong khi đó nhiều người khiếm thị chưa từng được đi học, trình độ nhận thức khác nhau, độ tuổi cũng đa dạng, có em mới 16 tuổi và có cả những người đã ở tuổi 50. Chính vì thế, không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ mà người dạy còn phải khéo léo trong cách ứng xử, giao tiếp. Học nghề tẩm quất tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất khó, người dạy và học phải kiên trì và có quyết tâm cao.

Để có thể thực hiện 18 kỹ thuật, người học cần có sức khỏe và sự khéo léo bởi kỹ thuật bấm huyệt đòi hỏi độ chính xác cao. Không có mô hình giải phẫu, nhiều khi anh Dũng phải lấy thân mình làm mẫu để học viên thử nghiệm. Có nhiều khi anh bị cảm lạnh, người đau ê ẩm vì học viên thực hiện kỹ thuật bấm huyệt chưa chuẩn. Song anh cho rằng chỉ có trực tiếp dạy như thế anh mới biết được học viên của mình thiếu gì, sai gì để chỉnh sửa cho đúng. Ngoài dạy nghề, anh còn dành thời gian tải các chương trình về kỹ năng sống, cách ứng xử, giao tiếp để chia sẻ với mọi người. Đến nay, anh đã tham gia dạy 4 khóa tẩm quất và đào tạo được hơn 70 người khiếm thị. Nhiều người sau khi học nghề đã có việc làm ổn định và mở được cơ sở riêng ở trong và ngoài tỉnh như chị Hoàng Thị Huế (Vũ Thư), anh Nguyễn Văn May (Đông Hưng)… Đó cũng chính là niềm vui để anh gắn bó với công việc của mình. Dù đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng anh Dũng đã không để mình trở thành người vô ích.

Khát vọng được làm những việc có ích cho đời, không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội, cũng như thầy giáo Lâm Minh Tuyến hay người thầy đặc biệt Bùi Hữu Dũng, nhiều thầy cô giáo khuyết tật khác đang âm thầm gieo mầm tri thức, truyền nghề để học sinh vững bước vào đời. Hành trình của họ luôn có sự lạc quan, yêu đời và không thể thiếu nghị lực phi thường.

Hoàng Lanh