Thứ 7, 23/11/2024, 05:39[GMT+7]

Phúc Vĩnh: Từ hộ sản xuất phát triển thành doanh nghiệp

Thứ 6, 01/12/2017 | 08:58:32
825 lượt xem
Thái Phương (Hưng Hà) là miền quê nổi tiếng bởi nơi đây có hàng chục doanh nghiệp phát triển đi lên từ mô hình kinh tế hộ gia đình. Nổi lên trong số đó là Công ty TNHH Dệt may xuất khẩu Phúc Vĩnh thành công với nghề dệt truyền thống.

Công ty tạo việc làm cho nhiều lao động lúc nông nhàn.

Ông Đào Duy Cổn, Giám đốc Công ty cho biết: Sống ở làng nghề dệt truyền thống của địa phương nên tôi cũng như nhiều người dân trong làng từ bé đã biết dệt khăn và bán hàng ở trong nước. Tới khi có cơ chế thị trường cả làng mới tính làm xuất khẩu đưa khăn ra thị trường nước ngoài. Mặc dù không trải qua bất cứ trường lớp đào tạo nào nhưng ông đã không dừng lại ở mô hình kinh tế hộ mà sớm thành lập doanh nghiệp cùng anh em trong gia đình. Sau nhiều năm hoạt động, năm 2011 ông tách ra thành lập doanh nghiệp riêng với mục đích hoạt động cho hiệu quả hơn. Mô hình hoạt động của Công ty là hình thành các tổ lao động may khăn trong dân với khoảng 100 lao động, phát nguyên liệu thu sản phẩm, nhà xưởng chỉ là nơi hoàn thiện sản phẩm với 70 lao động. Cùng với may, Công ty còn có trên 70 máy dệt khăn ở địa phương và ở Hà Tây. Với mô hình này, mỗi tháng Phúc Vĩnh xuất khẩu khoảng 60 tấn sản phẩm khăn các loại sang thị trường chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, đem lại doanh thu mỗi năm 3 triệu USD.

Để chinh phục được thị trường khó tính, Phúc Vĩnh tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, coi đó là sự sống còn của doanh nghiệp. Công ty cũng xác định rõ quy luật cạnh tranh trên thị trường, nhất là vấn đề giá thành sản phẩm phải bảo đảm đôi bên cùng có lợi để có sự hợp tác lâu dài. Từ đó, Công ty đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt từ khâu nguyên liệu đầu vào đến đầu ra để đáp ứng nhu cầu khắt khe của khách hàng. Ngoài ra cũng phải tìm hiểu kỹ thị trường, điển hình như đối với Nhật Bản, Công ty đầu tư máy rà kim loại để kiểm soát chặt chẽ sản phẩm trước khi đóng gói, đồng thời liên tục nghiên cứu mở rộng thị trường mới thông qua đi thực tế, qua mạng internet và quảng bá sản phẩm qua mạng để tìm kiếm bạn hàng.

Lợi thế lớn nhất của Công ty là hầu hết công nhân ở địa phương đã có tay nghề nên không tốn nhiều công cho việc đào tạo, tuy nhiên đây cũng là cái khó của doanh nghiệp ở vùng nông thôn bởi đa số lao động chủ yếu là người trung tuổi, thực hiện không nghiêm về giờ giấc nên rất khó đạt được đúng kế hoạch đề ra. Đặc biệt, ngôn ngữ giao dịch với khách hàng nước ngoài cũng là một rào cản lớn của doanh nghiệp trong thời kỳ đầu hoạt động. Tuy nhiên, ngay sau đó Công ty đã khắc phục bằng cách đào tạo cán bộ ở các vị trí chủ chốt về ngoại ngữ để thuận lợi hơn trong giao dịch, tạo dựng thương hiệu và uy tín đối với khách hàng. Từ đó các đối tác nước ngoài đã tin tưởng Công ty hơn và ký kết các đơn hàng có thời gian dài hơn.

Ông Cổn chia sẻ thêm: Cũng do đi lên từ làng nghề truyền thống nên tôi luôn tự hào với khách hàng nước ngoài là người biết nghề dệt từ trong lòng mẹ và đó cũng chính là lợi thế lớn nhất của người dân trong làng nghề này. Điều quan trọng hơn nữa là Công ty đã tạo được việc làm cho nhiều người dân trong lúc nông nhàn. Điển hình như cô Nguyễn Thị Phương, thôn Hà Nguyên (Thái Phương) hay cô Nguyễn Thị Lơ, xã Hồng An đều đã ở độ tuổi tứ tuần nhưng hàng ngày vẫn có mặt 8 tiếng ở xưởng để làm với thu nhập 120.000 đồng/ngày, đồng thời vẫn tranh thủ cấy thêm 4 - 5 sào lúa, chăm lo con cháu ở nhà. Đó là việc làm ý nghĩa nhất của doanh nghiệp trong làng nghề đem lại cho người dân.

Thời gian tới, Công ty tiếp tục tuyển thêm công nhân, nâng cao năng suất lao động, đồng thời tiếp tục mở thêm nhiều ngành nghề khác xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Công ty mong muốn nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất lớn hơn nữa để đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề nói chung, các doanh nghiệp trong làng nghề nói riêng.

Thu Thủy