Thứ 2, 20/05/2024, 15:10[GMT+7]

Chú trọng phòng bệnh cho trẻ trong những ngày giá rét

Thứ 2, 11/12/2017 | 11:12:17
715 lượt xem
Cần chú ý giữ ấm cho trẻ trong mùa lạnh, đặc biệt không để trẻ bị lạnh ngực và cổ, không để chân trẻ bị ẩm ướt hoặc lạnh bàn chân, nhất là khi đi ngủ. Song cũng chú ý không mặc ấm quá mức khiến trẻ rịn mồ hôi, dễ bị thấm ngược lại cơ thể gây nhiễm lạnh.

Bệnh viện Nhi Thái Bình đầu tư nhiều thiết bị sưởi ấm cho bệnh nhân trong mùa lạnh.

Mùa lạnh, đặc biệt là những đợt rét đậm kéo dài khiến cho sức đề kháng của trẻ giảm mạnh. Thời điểm này trẻ rất cần được giữ ấm, chăm sóc tốt để phòng các bệnh nguy hiểm thường mắc vào mùa đông, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Mặc dù mới đầu mùa lạnh và qua một đợt rét đậm kéo dài đầu tiên song số trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh do nhiễm vi rút phải nhập viện điều trị đã tăng hơn nhiều so với ngày thường. 

Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Thái Bình, bác sĩ Trần Thị Nhẫn, Trưởng khoa cho biết: Ngày bình thường, trung bình mỗi ngày Khoa đón tiếp khoảng từ 300 - 350 trẻ đến khám. Song vào những lúc cao điểm như sau đợt rét đậm 2 - 3 ngày thì số trẻ đến khám bệnh tăng cao hơn nhiều, có ngày lên đến gần 500 trẻ, có đêm có 50 trẻ vào viện khám. Các bệnh trẻ hay mắc trong mùa rét và sau đợt rét đậm chủ yếu là bệnh về đường hô hấp như viêm họng cấp, viêm phổi, viêm VA, hen suyễn, viêm mũi, cảm sốt, các bệnh do vi rút như tay chân miệng, thủy đậu... Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi trở lạnh đột ngột làm cho sức đề kháng của trẻ giảm mạnh. Đây cũng là mùa vi rút phát triển nên các bệnh do nhiễm vi rút gia tăng và rất dễ lây lan. Do đa phần trẻ mắc bệnh ở lứa tuổi sơ sinh và dưới 5 tuổi nên những trẻ bệnh nặng thường được điều trị nội trú tại Khoa Hô hấp, Khoa Sơ sinh, Khoa Truyền nhiễm. Những trẻ bệnh nhẹ hơn được các bác sĩ kê đơn điều trị ngoại trú, hướng dẫn gia đình theo dõi chăm sóc tại nhà, hẹn tái khám sau đợt điều trị.

Khoa Sơ sinh có bệnh nhân chủ yếu là trẻ dưới 28 ngày tuổi. Bình thường mỗi ngày Khoa có khoảng 25 trẻ điều trị, song sau đợt rét đậm vừa qua, cao điểm có ngày Khoa có gần 50 bệnh nhân điều trị nội trú. Để tránh tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép và tránh lây chéo, Bệnh viện đã cân đối và bố trí thêm giường từ các khoa khác. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thanh, Phó Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Thái Bình: Trẻ sơ sinh sức đề kháng kém nên thường nhạy cảm với thời tiết thay đổi, đặc biệt là với thời tiết lạnh sâu. Nếu không chú ý giữ ấm, chăm sóc tốt, trẻ rất dễ bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, hô hấp dưới. Nhiều trẻ mắc bệnh nhưng do gia đình chủ quan nên không được điều trị kịp thời, nhiều bậc cha mẹ tự mua thuốc về điều trị nên không hiệu quả. Có gia đình vì thời tiết giá rét nên chần chừ không đưa trẻ đi khám ngay, đợi 1 - 2 ngày chờ thời tiết ấm mới đưa trẻ đi viện thì trẻ đã trong tình trạng viêm phổi nặng, điều trị khó khăn và phải kéo dài thời gian điều trị.

Hiện tại mới là đầu mùa lạnh, dự báo thời tiết năm nay sẽ còn nhiều đợt rét đậm kéo dài. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ chú trọng chăm sóc trẻ chu đáo hơn để phòng tránh các bệnh trong mùa lạnh. Cần chú ý giữ ấm cho trẻ trong mùa lạnh, đặc biệt không để trẻ bị lạnh ngực và cổ, không để chân trẻ bị ẩm ướt hoặc lạnh bàn chân, nhất là khi đi ngủ. Song cũng chú ý không mặc ấm quá mức khiến trẻ rịn mồ hôi, dễ bị thấm ngược lại cơ thể gây nhiễm lạnh. 

Với bé sơ sinh, trong những ngày đầu đời chưa có khả năng tự điều hòa thân nhiệt nên thường dễ bị nóng quá hoặc lạnh quá, vì vậy nên cho bé mặc đồ áo liền quần, dễ mặc, dễ cởi, giúp bé ấm áp vì được che kín toàn thân kể cả bàn chân. Với những trẻ lớn hơn, trong những ngày lạnh hạn chế cho trẻ ra gió hoặc chơi ngoài trời. Nếu vận động nhiều ra mồ hôi, cần lau khô người trước khi tắm nước ấm. Tắm cho trẻ trong mùa lạnh cũng cần chú ý tắm trong phòng kín gió, có máy sưởi ấm hoặc mở vòi nước nóng để hơi nóng lan tỏa khắp phòng rồi hãy tắm cho bé. Khi tắm và lau rửa, cần sử dụng nước ấm, tắm nhanh và ủ ấm ngay sau khi tắm để phòng nhiễm lạnh. 

Đối với trẻ đang ốm, cũng nên áp dụng lau rửa và tắm đúng cách vì không tắm cũng góp phần làm bệnh trở nặng hơn. Về dinh dưỡng trong mùa lạnh, chú ý cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, dễ ăn, dễ tiêu giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Chú ý thức ăn mùa lạnh phải nóng, uống ấm, không nên cho trẻ uống nước lạnh hay nước đá, dễ gây viêm họng. Với trẻ sơ sinh, cần cho trẻ bú đầy đủ vì sữa mẹ cũng giúp trẻ giữ thân nhiệt và tăng sức đề kháng. 

Đặc biệt các bác sĩ cũng khuyến cáo, các bậc cha mẹ không được dùng bếp than sưởi ấm cho trẻ hoặc giữ nhiệt trong phòng vì khói than rất độc hại. Khi trẻ bị bệnh, không tự mua thuốc cho uống tránh tình trạng nhờn thuốc, bệnh có thể nặng hơn mà cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị đúng cách, hiệu quả.

Hà Dung

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày