Thứ 6, 22/11/2024, 23:50[GMT+7]

Giấu tình trạng nhiễm HIV vì sợ kỳ thị

Thứ 4, 27/12/2017 | 09:36:21
5,369 lượt xem
Nếu không giấu bệnh và tham gia điều trị sớm, họ sẽ giữ được sức khỏe ổn định và có tuổi thọ như người bình thường. Và khi được điều trị ổn định, đúng phác đồ thì khả năng lây bệnh cho người khác rất ít. Thực tế, nhiều người nhiễm HIV vẫn lao động, học tập, có gia đình hạnh phúc, sinh con khỏe mạnh bình thường.

Thành viên các tổ chức phòng, chống HIV/AIDS đến hỗ trợ kỹ thuật tại phòng khám HIV/AIDS, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Có những người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cũng đã lo lắng, ý thức tự đi xét nghiệm để biết tình trạng bệnh. Song khi đã biết mình mắc bệnh không phải ai cũng dũng cảm công khai tên tuổi và tham gia chữa trị. Nhiều người còn giấu, thậm chí giấu cả với vợ, chồng, người thân trong gia đình về tình trạng mắc bệnh bởi lo sợ bị kỳ thị.

“Nếu dương tính với HIV sẽ không dám công khai”

Tại một cơ sở xét nghiệm HIV, theo quan sát của phóng viên, có nhiều người đến xét nghiệm tự nguyện nhưng từ đầu đến cuối quá trình xét nghiệm không bỏ mũ bảo hiểm, không bỏ khẩu trang, không cung cấp tên, tuổi.

Hỏi chuyện một chị đeo kính râm và khẩu trang kín mít đang ngồi đợi kết quả xét nghiệm với vẻ lo lắng, bồn chồn, chị cho biết chị tự đi một mình đến cơ sở xét nghiệm HIV vì bản thân lo lắng có thể bị nhiễm HIV từ chồng. Bởi chồng chị là người đã nhiều năm đi lao động tự do ngoài tỉnh, đã thừa nhận có vài lần quan hệ với gái mại dâm không dùng bao cao su. Gần đây chị nhận thấy sức khỏe của chồng giảm sút, sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh thông thường. Chị lo lắng giục chồng đi xét nghiệm HIV nhưng vì nhiều lý do chồng chị không chịu đi. Đắn đo nhiều lần, cuối cùng chị quyết định tự đi xét nghiệm cho bản thân để biết mình có bị nhiễm HIV hay không. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi nếu không may kết quả xét nghiệm dương tính với HIV chị có công khai tên, tuổi, địa chỉ và tham gia điều trị bệnh không? Chị buồn rầu lắc đầu và cho biết, dù đã tìm hiểu qua sách báo và được tư vấn việc công khai tình trạng bệnh, tham gia điều trị sớm nếu chẳng may mắc bệnh là rất quan trọng nhưng vì những người trong gia đình, bạn bè và người dân địa phương nơi chị cư trú còn rất kỳ thị với người nhiễm HIV và người bị bệnh AIDS. Nếu không may nhiễm HIV chị sẽ không dám công khai bởi chị sợ không những không được cảm thông, chia sẻ mà sẽ bị mọi người châm chọc, xa lánh, con cái, người thân cũng bị ảnh hưởng.

Tại một buổi gặp mặt, tặng quà trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV do Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức, ông N.V.H ở Vũ Thư đưa cháu nội 5 tuổi đến dự. Ông buồn rầu chia sẻ, ông đau lòng thương cháu mồ côi và bị nhiễm HIV từ bố mẹ một phần nhưng đau lòng và thương cháu gấp bội vì cháu bị kỳ thị, không được đến trường hòa nhập cùng bạn bè. Ông H cho biết, chính quyền địa phương, trường mầm non và cô giáo rất thương và cảm thông hoàn cảnh, thường hỗ trợ và muốn cho cháu đến lớp học cùng các bạn cho đỡ thiệt thòi. Song do phụ huynh của các bạn khác không đồng ý cho con cháu mình học cùng lớp với trẻ nhiễm HIV, nếu không họ sẽ xin chuyển lớp hoặc cho con cháu mình nghỉ học. Vì vậy, cháu nội ông đành phải chấp nhận quanh quẩn ở nhà, không được đến trường.

Còn nhiều người biết bệnh nhưng giấu

Theo báo cáo từ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Thái Bình phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1996. Tính đến ngày 30/10/2017, các trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống được phát hiện là 3.284 người. 100% huyện, thành phố và trên 88% xã, phường, thị trấn trong tỉnh phát hiện có người nhiễm HIV. Thành phố Thái Bình có số người nhiễm HIV cao nhất với 947 ca, tiếp đến là huyện Kiến Xương 513 ca, huyện Vũ Thư 432 ca. Tỷ lệ nhiễm HIV tại Thái Bình là 169 ca/100.000 dân. Tuy nhiên, con số người nhiễm HIV thực không phải như vậy mà cao hơn nhiều.

Bác sĩ Phạm Nam Thái, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Trong số 3.284 người nhiễm HIV/AIDS còn sống được phát hiện, chỉ có 1.633 người có địa chỉ rõ ràng. Số còn lại là không có địa chỉ rõ ràng bởi họ khai sai tên và địa chỉ ngay từ khi đi xét nghiệm, khi điều tra thì tên, tuổi đó không có thật. Hàng tháng, qua hệ thống xét nghiệm HIV, trung bình có khoảng 60% số người được phát hiện nhiễm HIV giấu tên tuổi, địa chỉ (vô danh). Ví dụ gần đây nhất, tháng 11/2017, toàn tỉnh phát hiện 14 ca nhiễm HIV mới, trong đó phát hiện qua hệ thống giám sát 4 người, có ghi danh, còn 10 người phát hiện qua hệ thống xét nghiệm tự nguyện đều vô danh. Đây là điều đáng lo ngại và khó khăn cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

Không kỳ thị và phân biệt đối xử người nhiễm HIV/AIDS!

Đó là một trong những thông điệp của tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm 2017. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó đòi hỏi nỗ lực vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và ý thức của cả cộng đồng. Theo bác sĩ Phạm Nam Thái, nhiễm HIV thực sự không nguy hiểm như nhiều bệnh khác và không đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Bởi người nhiễm HIV nếu công khai sẽ giúp phòng tránh lây lan cho người thân và những người xung quanh. Nếu không giấu bệnh và tham gia điều trị sớm, họ sẽ giữ được sức khỏe ổn định và có tuổi thọ như người bình thường. Và khi được điều trị ổn định, đúng phác đồ thì khả năng lây bệnh cho người khác rất ít. Thực tế, nhiều người nhiễm HIV vẫn lao động, học tập, có gia đình hạnh phúc, sinh con khỏe mạnh bình thường.

Vì vậy, mỗi người hãy hiểu và cảm thông, không xa lánh, kỳ thị người nhiễm HIV để người nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận điều trị bệnh sớm. Các cấp, các ngành, các đoàn thể hãy chung tay thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người về công tác phòng, chống HIV/AIDS, để mọi người hiểu đúng về bệnh này. Như vậy cũng chính là giúp giảm bớt nguồn lây, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, là biện pháp tích cực bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hà Dung