Thứ 6, 17/05/2024, 14:09[GMT+7]

Vũ Thư tập trung phát triển ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ 5, 11/01/2018 | 09:17:08
998 lượt xem
Đến nay, cụm công nghiệp đã lấp đầy với 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực đồ gỗ mỹ nghệ, may mặc, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Năm 2017, giá trị sản xuất CN - TTCN của Nguyên Xá đạt 160 tỷ đồng, chiếm 67% tổng giá trị sản xuất của địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng cao rõ rệt nhờ phát triển CN - TTCN.

Sản xuất đồ gỗ ở xã Phúc Thành (Vũ Thư).

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển các làng nghề, doanh nghiệp, cụm sản xuất, những năm gần đây, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) của Vũ Thư phát triển mạnh và bền vững, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng CN - TTCN của huyện cao nhất trong nhiều năm qua, từng bước vươn tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Vũ Thư có thế mạnh về nông nghiệp, việc phát triển CN - TTCN gặp nhiều khó khăn vì có ít làng nghề truyền thống; cụm công nghiệp chưa nhiều, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng chưa đồng bộ; một số địa phương và một bộ phận người dân chưa quan tâm đến phát triển CN - TTCN. Tuy nhiên, lợi thế là địa bàn huyện nằm tiếp giáp với thành phố Thái Bình, quỹ đất, giao thông thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư; số lượng lao động trên địa bàn huyện dồi dào; hầu hết các làng nghề hoạt động hiệu quả mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân và có sức lan tỏa rộng rãi. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng tạo hành lang thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

Ông Lại Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhận thức rõ khó khăn và lợi thế giúp huyện triển khai sớm, đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển CN - TTCN. Trên tinh thần Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương từ huyện đến cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, thu hút nhân lực, nguồn vốn. Huyện tập trung các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại 7/7 cụm công nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Các ngành, địa phương tập trung quảng bá, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang thông thoáng nhất để thu hút, mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên lựa chọn công nghiệp sạch, hiện đại, giải quyết việc làm cho người lao động. Huyện chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, thu hút hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào các khu quy hoạch phát triển công nghiệp ở các xã nông thôn mới nhằm tạo đà cho sự hình thành, phát triển các làng nghề. Đối với các làng nghề truyền thống, huyện luôn ưu tiên các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giải quyết vấn đề quy hoạch điểm sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề, xử lý môi trường, duy trì nghề truyền thống và du nhập nghề mới.

Nguyên Xá là một trong những địa phương quan tâm phát triển CN - TTCN. Ông Hoàng Văn Khảng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có truyền thống phát triển nghề mộc và mây tre đan. Đến nay, các nghề này phát triển ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 2.200 lao động địa phương với thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, để phát triển, mở rộng các ngành nghề CN - TTCN, năm 2008, Nguyên Xá đã quy hoạch cụm công nghiệp, giai đoạn 1 có diện tích 5ha và đầu tư 17 tỷ đồng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, thu hút đầu tư. Đến nay, cụm công nghiệp đã lấp đầy với 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực đồ gỗ mỹ nghệ, may mặc, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Năm 2017, giá trị sản xuất CN - TTCN của Nguyên Xá đạt 160 tỷ đồng, chiếm 67% tổng giá trị sản xuất của địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng cao rõ rệt nhờ phát triển CN - TTCN. Xã tiếp tục tranh thủ các nguồn lực, dự kiến đầu tư 60 - 70 tỷ đồng để mở rộng cụm công nghiệp lên 15ha nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CN - TTCN, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.

Với sự quan tâm của huyện và các địa phương trong phát triển CN - TTCN, đến nay, Vũ Thư có 15 làng nghề duy trì ổn định và phát triển khá. Năm 2017, huyện thành lập thêm 41 doanh nghiệp, đưa tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đạt 306 doanh nghiệp; trong đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như Công ty Lương thực Liên Hạnh, Công ty Bánh kẹo Bảo Hưng, Công ty May Sungjin Apparel. Một số dự án lớn của huyện đã đi vào hoạt động, tạo việc làm mới cho hơn 2.000 lao động và tạo giá trị sản xuất hàng trăm tỷ đồng như Công ty May Việt Anh (xã Hồng Lý), Công ty May Hương Liên (xã Nguyên Xá), nhà máy giày da tại cụm công nghiệp Minh Lãng. Nhờ nỗ lực thu hút đầu tư và chính sách thông thoáng với các doanh nghiệp, đến nay, huyện đã lấp đầy 3/7 cụm công nghiệp, thu hút thêm 8 dự án mới. Năm 2017, giá trị sản xuất CN - TTCN của Vũ Thư ước đạt 2.284,8 tỷ đồng, chiếm 24,61% tổng giá trị sản xuất của huyện, tăng 15,97% so với năm trước, vượt 3,69% kế hoạch đề ra. Lĩnh vực CN - TTCN có tốc độ tăng trưởng mạnh, bền vững trong các ngành kinh tế những năm trở lại đây góp phần để Vũ Thư vươn gần tới mục tiêu đưa CN - TTCN trở thành ngành kinh tế mũi nhọn những năm tới.

Quỳnh Lưu