Thứ 7, 23/11/2024, 07:46[GMT+7]

Hà Nam - 60 năm sau ngày Bác Hồ về thăm

Chủ nhật, 14/01/2018 | 08:18:09
1,717 lượt xem
Cách đây 60 năm, ngày 14-1-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hà Nam lần thứ 2 và dự Hội nghị sơ kết công tác chống hạn của tỉnh Hà Nam. Gần 4.000 cán bộ, nhân dân từ xã đến tỉnh rất phấn khởi được đón Bác và nghe Bác huấn thị.

Bác khen ngợi cán bộ, nhân dân Hà Nam trước kia không những vừa sản xuất vừa chiến đấu anh dũng, mấy năm gần đây có nhiều thành tích trong chống hạn, sản xuất. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lá cờ "Chống hạn khá nhất" cho huyện Bình Lục và trao huy hiệu chống hạn cho các đơn vị khơi kênh Ben, đắp đập Cát Tường và vét mương Mạc Thượng.

Khoảng 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm công trường đắp đập Cát Tường thuộc xã An Hòa (nay là xã An Mỹ), huyện Bình Lục đang khởi công làm để lấy nước cứu hàng nghìn mẫu lúa chiêm đang bị khô hạn. Bác đến thăm từng nơi làm việc của các nhóm cán bộ, công nhân, nông dân. Trước đông đảo nhân dân, Bác khen ngợi tinh thần cố gắng hoàn thành con đập để kịp thời đưa nước về cấy hết diện tích. Bác nói: "Tỉnh giao đắp đập trong bảy ngày, các cô, các chú phải cố gắng rút ngắn thời gian để sớm có nước cày cấy". Mọi người cùng đồng thanh hứa với Bác quyết tâm đắp đập thật nhanh, cấy hết diện tích. Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân Bình Lục đã hoàn thành việc đắp đập Cát Tường trong thời gian chưa đến năm ngày. Con đập hoàn thành dài 120m, bề mặt rộng hơn 2m cao bằng mặt đê, chắn ngang sông Sắt ngăn không cho nước đổ vào sông Ninh, tạo điều kiện giữ nước cứu hàng nghìn mẫu lúa chiêm đang bị khô hạn.

Cùng với sự đi lên của quê hương, đất nước, thôn Cát Tường hôm nay đã thật sự thay da, đổi thịt, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Để ghi nhớ công ơn Người và ghi dấu sự kiện Người về thăm, năm 2011, được sự quan tâm của Trung ương và các cấp, các ngành, Khu Lưu niệm Cát Tường được khởi công xây dựng tại đúng vị trí Bác Hồ về thăm và động viên nhân dân chống hạn cứu lúa với các hạng mục trọng điểm như: nhà tưởng niệm, khu quảng trường, khu nhà trưng bày kỷ vật, hệ thống tường kè, thoát nước... tạo thành hệ thống hạ tầng du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân. Với quy mô và ý nghĩa to lớn, Khu lưu niệm Cát Tường cùng với những công trình hóa văn khác là những tư liệu, hiện vật quý, góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho người dân Hà Nam hôm nay khắc ghi lời dạy của Người.

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự Hội nghị chống hạn và thăm đắp đập Cát Tường là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với Đảng bộ, nhân dân Hà Nam. Chính sự thăm hỏi, động viên ân cần của Người đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy toàn thể nhân dân trong tỉnh đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi, chống hạn và đã đạt được những kết quả tích cực. Những lời dạy bảo của Người đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Hà Nam không chỉ có ý nghĩa trong thời điểm chống hạn khó khăn mà còn có giá trị lâu dài; luôn nhắc nhở, động viên cán bộ đảng viên và nhân dân Hà Nam phải coi trọng sản xuất nông nghiệp.

60 năm qua, những tình cảm sâu nặng của Bác đã trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt được những thành tích quan trọng, có ý nghĩa to lớn trên tất cả các lĩnh vực, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, tiếp tục thực hiện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

Xuất phát điểm từ một tỉnh thuần nông với biết bao khó khăn của một vùng đồng chiêm trũng nhưng với ý chí quyết tâm, khai thác, tận dụng tiềm năng - lợi thế, xác định đúng đắn chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp, Hà Nam đã tạo bước đột phá vươn lên, phát triển mạnh mẽ. Sau hơn 20 năm tái lập, từ một tỉnh nghèo Hà Nam đã dần trở thành một tỉnh phát triển năng động. Kinh tế tăng trưởng nhanh, năm sau cao hơn năm trước. Bình quân trong 20 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 12% năm.

Đến nay, tổng sản phẩm trong tỉnh GDP (theo giá so sánh 2010) ước đạt 32.363,5 tỷ đồng, tăng 10,84% so với năm 2016, GRDP bình quân đầu người ước đạt 48,6 triệu đồng, tăng 8,5% so với năm 2016. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, nhiều mô hình tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị được triển khai sâu rộng. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 78 xã (tăng 19 xã so với cuối năm 2016) và hai huyện (Kim Bảng và Duy Tiên) đạt chuẩn nông thôn mới. Thu hút đầu tư đạt kết quả ấn tượng, nằm trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại.

Niềm vui của bà con nông dân thu hoạch rau trên cánh đồng tích tụ.

Hiện nay, Hà Nam có tám khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận với diện tích 1.773 ha, trong đó có sáu khu đi vào hoạt động. Nhiều công trình, dự án lớn đã, đang được triển khai xây dựng như: Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, Dự án Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2; Tổ hợp dịch vụ thương mại Vincom, Khu Đại học Nam Cao... Tương lai không xa, Hà Nam sẽ trở thành Trung tâm dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục - đào tạo và du lịch.

Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt quan tâm, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội. Viêc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thực sự trở thành một phong trào sâu rộng, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thực hiện lời dạy của Bác, những năm tới, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện thắng lợi ba khâu đột phá đó là: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị sản xuất, chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách vào thực tiễn của tỉnh, tạo động lực phát triển bền vững; nâng cao chất lượng, trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, trọng tâm là cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Hà Nam luôn coi trọng việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp: nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đổi mới định hướng đầu tư và mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Coi trọng công tác phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm, phát triển công nghiệp là đột phá, phát triển thương mại, dịch vụ là mũi nhọn. Tỉnh Hà Nam xác định cần phải tiếp tục đầu tư nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới và đào tạo nghề cho nông dân, xây dựng hạ tầng, cơ sở kinh tế, xã hội, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Theo: nhandan.com.vn