Thứ 7, 23/11/2024, 03:17[GMT+7]

Doanh nghiệp, doanh nhân Thái Bình: Vươn tầm cao mới

Thứ 4, 17/01/2018 | 09:33:01
1,173 lượt xem
5 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình ngày càng phát triển lớn mạnh, khẳng định là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả đó không chỉ đến từ cố gắng của từng doanh nghiệp mà còn có sự giúp đỡ, đồng hành của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Sản phẩm bia lon Đại Việt của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen.

Trong nhiệm kỳ qua, cùng với những thắng lợi trên nhiều mặt của công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có trên 5.600 doanh nghiệp và trên 700 chi nhánh văn phòng đại diện đăng ký hoạt động. Cùng với sự phát triển về số lượng và quy mô, năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được nâng lên. 

Một số dự án quy mô lớn được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hàng vạn lao động như Trung tâm Điện lực Thái Bình, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat, Hệ thống phân phối khí mỏ, Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao... Đặc biệt, các doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách tỉnh ngày càng tăng, từ 1.350 tỷ đồng năm 2012 lên 4.495 tỷ đồng năm 2017, chiếm 65,5% tổng thu ngân sách của tỉnh và bằng 330,3% so với số nộp của năm 2012.

Công nghệ dệt hiện đại của nhà máy Damsan II, Công ty Cổ phần Damsan.

Để có được kết quả trên, nhiệm kỳ qua, Hiệp hội đã phát huy vai trò trong việc đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách có liên quan đến doanh nghiệp và nhiều văn bản pháp luật quan trọng để các cấp điều chỉnh, bổ sung vào hệ thống pháp luật và chính sách phát triển kinh tế phù hợp với thực tiễn, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển. Để giúp các doanh nghiệp kịp thời cập nhật, nắm bắt thông tin, tìm ra các giải pháp, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp và hội nhập quốc tế, Hiệp hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều cuộc tọa đàm tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường, đất đai, nâng cao năng lực quản trị, điều hành doanh nghiệp, khởi nghiệp... Qua đó, các doanh nghiệp được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó có cách nhìn nhận đúng đắn trong việc xác định bước đi phù hợp, khắc phục khó khăn để phát triển. Cùng với đó, Hiệp hội còn tổ chức thành công nhiều buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những khó khăn về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường đầu tư, nguồn vốn tín dụng. Hiệp hội luôn yêu cầu hội viên bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phải quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, coi đây là nền tảng ý thức và điều kiện quan trọng quyết định thành công bền vững của doanh nghiệp. Hiệp hội đã định hướng cho các hội trực thuộc không ngừng tuyên truyền đến hội viên từng bước xây dựng các chuẩn mực đạo đức và văn hóa kinh doanh, trong đó đặc biệt quan tâm định hướng kinh doanh phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam và quốc tế, đồng thời phải quan tâm đến đời sống người lao động và có trách nhiệm với cộng đồng. 

Thông qua các hoạt động trên, các doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ hơn và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, làm cơ sở để tiến tới xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ mới. Các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh còn phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách”, tham gia tốt các hoạt động xã hội, từ thiện. Đặc biệt, mỗi dịp tết đến, xuân về, Hiệp hội đều tổ chức phát động các doanh nghiệp, doanh nhân ủng hộ người nghèo và đối tượng chính sách những phần quà ý nghĩa. Điển hình như tết Giáp Ngọ năm 2014 phát động được 2.141 suất, trị giá 643 triệu đồng; tết Ất Mùi năm 2015 phát động được 12.512 suất, trị giá 3,8  tỷ đồng; tết Bính Thân năm 2016 phát động được 20.625 suất, trị giá 6,2 tỷ đồng; tết Đinh Dậu 2017 phát động được gần 30.000 suất, trị giá trên 9 tỷ đồng.

Với những kết quả trên, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã được nhận nhiều giải thưởng Sao Vàng đất Việt, doanh nhân khởi nghiệp xuất sắc, doanh nhân tâm và tài, doanh nhân tiêu biểu (cúp Thánh Gióng), cúp Bông hồng vàng, giải thưởng Sao Đỏ - doanh nghiệp trẻ Việt Nam tiêu biểu. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân được tôn vinh vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, trong các phong trào thi đua yêu nước và hoạt động xã hội, trong đó có nhiều huân chương lao động các loại, 14 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 153 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, 149 bằng khen của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 126 bằng khen của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 99 bằng khen của Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, 250 giấy khen của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. 

Nhiệm kỳ 2012 - 2017, Hiệp hội đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc, được UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen. Đặc biệt, năm 2014, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Sản xuất tại Công ty TNHH Hoa Việt (cụm công nghiệp Nguyên Xá, Đông Hưng).

Trong nhiệm kỳ 2017  - 2022, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, phấn đấu xây dựng Hiệp hội trở thành mái nhà chung, chung sức đồng lòng cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng bền vững, góp phần xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh.

Đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh


Tôi đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong 5 năm qua. Từ tỉnh thuần nông, Thái Bình đã bước sang phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ, trong đó có đóng góp mang tính quyết định của cộng đồng doanh nghiệp. Nếu như 5 năm trước đây lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng trên 40% thì đến năm 2017 chỉ còn 28%, bù lại là công nghiệp và dịch vụ. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có sự phát triển mạnh với 5.600 doanh nghiệp hoạt động ở tất cả các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Nhiều dự án quy mô lớn đã đi vào hoạt động góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư vào địa bàn. Doanh nghiệp chính là sự quyết định tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh, đưa các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra trở thành hiện thực. Tôi mong rằng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với nhà nước để phát triển doanh nghiệp, ban hành các chính sách, tháo gỡ khó khăn thực chất, hiệu quả hơn cho doanh nghiệp. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.  
Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Nhiệm kỳ III, Ban Chấp hành Hiệp hội sẽ chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp, cùng tỉnh thực hiện định hướng quan trọng đó là tăng trưởng kinh tế bền vững, góp phần xây dựng quê hương Thái Bình giàu đẹp; giúp hội viên nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, trình độ chuyên môn, đưa năng suất lao động lên cao hơn để có sản phẩm tốt, đủ khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng như hội nhập quốc tế. Hiệp hội sẽ là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp với chính quyền để tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, làm tốt công tác tư vấn, giúp đỡ cũng như tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp hiểu biết về pháp luật, sản xuất, kinh doanh tăng trưởng nhưng phải có trách nhiệm với xã hội. Tích cực tham gia với các hội viên xúc tiến thương mại để có cơ hội tiếp cận các đối tác, nhà đầu tư nhằm đưa các sản phẩm của tỉnh vươn xa hơn, uy tín cao hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 5 năm tới, Hiệp hội quyết tâm đưa thương hiệu của doanh nghiệp Thái Bình, sản phẩm của Thái Bình và danh hiệu của Hiệp hội nổi tiếng hơn, uy tín hơn, không những ở trong nước mà còn vươn ra quốc tế.
Anh Đào Đức Hưng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu bánh kẹo Bảo Hưng

Đúc rút kinh nghiệm giữa kiến thức và thực tế, sau khi nghiên cứu, học tập ở trong và ngoài nước, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi đã mạnh dạn đổi mới công tác tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi nhận ra điều then chốt đầu tiên là phải nâng cao năng suất lao động và tự động hóa dây chuyền thiết bị. Qua 3 năm trải nghiệm ứng dụng công tác quản lý khoa học, hiện đại, Bảo Hưng đã đổi thay: doanh số tăng gấp hơn 3 lần, sản phẩm có mặt trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang nước ngoài. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh song tôi luôn cố gắng nâng cao năng lực quản lý, điều hành, áp dụng các biện pháp quản lý ứng phó kịp thời với biến động của thị trường. Chính vì vậy, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm của Bảo Hưng đều đạt và vượt chỉ tiêu.
Ông Nguyễn Huy Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hoa Việt

Trải qua 12 năm hoạt động, đến nay, Công ty TNHH Hoa Việt đã có bước phát triển vượt bậc. Từ chỗ nhập 100% linh kiện của Trung Quốc về lắp ráp thì nay đã có 90% linh kiện nội địa hóa và tự sản xuất, doanh thu đạt hàng trăm tỷ đồng/năm, gấp hàng trăm lần so với trước đó. Trong quá trình sản xuất, Hoa Việt gặp không ít khó khăn, nhất là việc xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, để đạt được thành công, bản thân tôi xác định phải kiên trì, chấp nhận đối mặt với khó khăn đồng thời cố gắng, suy nghĩ thật kỹ, có sự quyết đoán cao. Vì thế, đến nay Hoa Việt đã sản xuất thành công trên 10 dòng sản phẩm bật lửa, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư mở rộng sản xuất trong nhiều lĩnh vực khác như đồ dùng học sinh (bút bi, thước kẻ), sản xuất gạch xây dựng và xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp.
Ông Vương Quốc Dương, Giám đốc điều hành nhà máy Damsan II, Công ty Cổ phần Damsan

Là doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề song dệt sợi được xác định là lĩnh vực chủ lực, do đó Công ty đã đầu tư hệ thống máy móc thiết bị và công nghệ kéo sợi hiện đại nhất thế giới hiện nay. Đơn cử như nhà máy Damsan II với dây chuyền sản xuất quy mô 40 vạn cọc sợi mỗi năm đã cung ứng ra thị trường 6.000 tấn sợi cotton và áp dụng công nghệ tự động hóa tới 90%. Ngoài ra, Damsan luôn xác định vấn đề quan trọng để duy trì phát triển sản xuất là con người, do đó Công ty luôn chú trọng việc đào tạo ở mọi cấp, từ người lao động tới nhà quản lý, từ kiến thức chuyên sâu về ngành nghề sản xuất tới kiến thức quản lý. Vì thế, với 5 phân xưởng ở nhà máy Damsan II, 100% nguyên liệu nhập khẩu thì có tới 90% sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường, khách hàng khó tính trên thế giới.                  
Quốc Cường

Trần Quốc Khoa
(Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh)