Thứ 6, 22/11/2024, 17:25[GMT+7]

Bức tranh kinh tế tiếp tục tỏa sáng

Thứ 3, 13/02/2018 | 10:33:31
934 lượt xem
Kết thúc năm 2017, GRDP trên địa bản tỉnh (giá so sánh 2010) tăng 11,12% so với năm 2016 (theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh). Đây là năm thứ hai liên tiếp tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức hai con số, cao hơn mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra và là một trong ba tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo trung ương, lãnh đạo tỉnh trao đổi tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Thái Bình.

Điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế năm 2017 đó là sự phát triển vượt bậc của ngành Công Thương. Điều đó được thể hiện qua giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mạnh với tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 67.000 tỷ đồng, tăng 19,72% so với năm 2016. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức phát động doanh nghiệp ra quân thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tổ chức các hội nghị tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển một số sản phẩm chủ lực, đồng thời phát triển thêm một số sản phẩm mới như: dây chuyền mới sản xuất dây dẫn điện ô tô của Công ty Yazaki, sản phẩm của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, sản xuất sợi và một số sản phẩm khác của các công ty SH, Thành Phát, Nam Đông…, từ đó góp phần tích cực vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp với tổng số dự án đầu tư được chấp thuận trong năm 2017 tăng 44% về số dự án và tăng 34,7% về vốn đầu tư so với năm 2016, toàn tỉnh có trên 700 doanh nghiệp và 123 văn phòng đại diện, chi nhánh công ty được thành lập mới, tăng gần 30% so với năm 2016 - đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Công tác triển khai xây dựng khu kinh tế Thái Bình và quy hoạch phát triển một số khu công nghiệp mới cũng được UBND tỉnh chú trọng chỉ đạo thực hiện nhằm tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Dây chuyền thiết bị hiện đại ở nhà máy dệt Damsan II.

Không chỉ tập trung phát triển công nghiệp, tỉnh còn quan tâm chỉ đạo phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đến nay, toàn tỉnh có gần 11.123ha đất nông nghiệp được tập trung, tích tụ để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, từ đó tạo thuận lợi cho phát triển cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Năm 2017, mặc dù tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, bệnh lùn sọc đen xuất hiện ở một số diện tích, rầy lưng trắng và các đối tượng sâu bệnh khác phát sinh với mật độ cao so với cùng kỳ nhiều năm, một số diện tích lúa và cây màu bị ngập úng do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kéo dài dịp đầu tháng 10 giá lợn hơi giảm mạnh… Nhưng với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, các địa phương và sự vào cuộc tích cực của cán bộ, nhân viên trong toàn ngành nên giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng 2,48% so với năm 2016. 

Trong chăn nuôi, toàn ngành tập trung phát triển theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng số gia trại, trang trại. Đến nay, toàn tỉnh có 696 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó 74 trang trại quy mô lớn, 2 hợp tác xã thành lập 10 tổ hợp tác trong sản xuất chăn nuôi, hoạt động bền vững và hiệu quả. Lĩnh vực thủy sản phát triển ổn định cả về nuôi trồng và đánh bắt. Diện tích nuôi trồng đạt 14.874ha, tăng 278ha so với năm 2016; sản lượng khai thác ước đạt 74.800 tấn, tăng 8,4% so với năm 2016. Mô hình nuôi cá lồng trên sông tiếp tục được phát triển với 528 lồng nuôi, tăng 78,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Năm 2017 kết thúc còn đánh dấu thắng lợi to lớn trong công tác điều hành ngân sách, đặc biệt là công tác thu nội địa do ngành Thuế thực hiện. Đây là năm tiếp theo sau nhiều năm liên tiếp ngành Thuế đạt và vượt dự toán thu với tổng thu nội địa ước đạt 7.055,8 tỷ đồng. Nét nổi bật nữa trong bức tranh kinh tế năm 2017 đó là toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn của 84 xã tham gia dự án RE2 cho ngành điện quản lý, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân ở các khu đô thị cơ bản được hoàn thành, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đạt mức rất cao, việc huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển đạt kết quả tốt với tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 23%, gấp 2 lần mức tăng của năm 2016 và tăng gần 3 lần so với kế hoạch đề ra.

Xuân sang, lòng người xốn xang, rộn ràng. Những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đạt được trong năm 2017 chính là tiền đề, là điều kiện tiên quyết và là niềm hy vọng về một năm mới tiếp tục gặt hái nhiều thành công trên mọi lĩnh vực.

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2018
- Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 9,5% trở lên so với năm 2017;
- Tổng giá trị sản xuất tăng từ 11,6% trở lên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 11%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 8,5% so với năm 2017;
- Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 13.858,1 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 6.391,5 tỷ đồng;
- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng 10% trở lên so với số xã được công nhận đạt chuẩn năm 2017 và 100% số xã đến kỳ công nhận lại đạt chuẩn theo tiêu chí mới.



Ông Vũ Ngọc Khiếu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương 

Để góp phần cùng tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, ngay từ đầu năm, ngành Công Thương đã tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành và các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại, khuyến công, khuyến thương, kế hoạch xúc tiến thương mại và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Bên cạnh đó, toàn ngành còn duy trì thực hiện cơ chế đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn; chủ động phối hợp, đôn đốc các doanh nghiệp, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa dự án vào hoạt động theo phương án đã phê duyệt (nhất là các dự án đầu tư lớn, trọng điểm) từ đó góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp trong tỉnh. Ngoài ra, ngành Công Thương còn triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại; tăng cường kiểm tra các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như thuốc - vật tư y tế, xăng dầu, vàng bạc…


Ông Nguyễn Quang Cơ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ

Để bảo đảm cân đối chi phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, ngay từ đầu năm, huyện Quỳnh Phụ đã chú trọng triển khai thực hiện tốt công tác thu ngân sách nhà nước, giao chỉ tiêu thu tới từng địa phương, đồng thời phát huy tốt vai trò của Ban Chỉ đạo thu ngân sách huyện, tập trung thu đúng, thu đủ và thu kịp thời vào ngân sách nhà nước. Chính vì thế, năm 2017, tổng thu ngân sách huyện Quỳnh Phụ đạt 1.060,27 tỷ đồng, đạt 128,6% dự toán. Điều hành ngân sách linh hoạt, hiệu quả, kinh tế của huyện duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tăng 11,52% so với năm 2016, vượt kế hoạch năm.


Ông Nguyễn Quyết Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Thái Bình

Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Thái Bình là đơn vị thành viên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam được thành lập ngày 26/3/1968 với tiền thân là Công ty Vật tư tổng hợp Thái Bình; chuyên kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm xăng dầu (gas, dầu nhờn, bảo hiểm, sơn, nước giặt) với tổng số 26 cửa hàng. Mục tiêu đặt ra trong năm 2017 của Công ty đó là nộp 176 tỷ đồng tiền thuế các loại. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương chung của tỉnh, Công ty đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, duy trì sản xuất và huy động tối đa nguồn lực tài chính để kịp thời nộp tiền thuế các loại vào ngân sách. Kết thúc năm 2017, Công ty đã nộp 260,748 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách nhà nước, từ đó góp phần không nhỏ cùng tỉnh hoàn thành dự toán ngân sách được giao.


Phan Lợi - Minh Hương