Thứ 4, 03/07/2024, 22:33[GMT+7]

Thú vui tao nhã ngày tết

Thứ 3, 13/02/2018 | 10:47:42
1,849 lượt xem
Tết đến, xuân về, người Việt Nam có rất nhiều phong tục truyền thống đặc sắc và giàu ý nghĩa. Bên cạnh những tục lệ phổ biến như gói bánh chưng, làm mâm cỗ tất niên, mừng tuổi, chúc thọ, người Việt còn có những thú vui tao nhã đón chào năm mới.

Ảnh minh họa.

Cùng với nhiều quốc gia phương Đông, người Việt Nam vẫn giữ phong tục đón tết Nguyên đán cổ truyền. Tết Nguyên đán không chỉ đánh dấu sự dời chuyển của thời gian từ năm cũ sang năm mới mà với người Việt tết còn lưu giữ những giá trị cao đẹp của nền văn hóa Việt qua nghìn đời chắt lọc và lưu truyền. Những thú vui tao nhã ngày tết phản ánh nét tinh tế trong đời sống của cộng đồng người Việt mà chỉ những quốc gia có lịch sử văn hiến lâu đời mới có thể sở hữu được. Trân trọng những nét văn hóa đặc sắc ấy của dân tộc đó cũng chính là cách chúng ta thể hiện tình yêu của bản thân với quê hương, đất nước mình.

Chơi hoa tết

Hoa từ lâu đã được xem là biểu tượng về cái đẹp trong đời sống tinh thần của con người. Tết Nguyên đán cũng là dịp khởi đầu của mùa xuân với trăm hoa đua nở khoe sắc thắm. Chưng hoa, chơi hoa trở thành một trong những thủ tục không thể thiếu của người Việt mỗi dịp đón xuân về. Bên cạnh hoa đào, hoa mai, người Việt còn chưng nhiều loại hoa mang đậm hương sắc xuân như hoa cúc, hoa dơn, hoa ly, hoa cẩm chướng... 

Việc chơi hoa ngày tết đã giúp người Việt đúc kết nên những kinh nghiệm trong việc điều tiết hoa nở đúng thời điểm mà một trong những đỉnh cao của nghệ thuật chơi hoa tết phải nhắc đến là nghệ thuật tỉa hoa thủy tiên. Thủy tiên vốn là biểu tượng của sự thanh lịch, tao nhã. Quan niệm dân gian cho rằng những bông thủy tiên nở đúng giao thừa là sự báo hiệu tài lộc của năm kế tiếp sẽ đến với gia đình. 

Anh Tô Văn Tiến, phố Lý Bôn, thành phố Thái Bình là một trong những người chơi hoa thủy tiên lâu năm chia sẻ: Thủy tiên để tỉa phải chọn củ đủ 3 năm tuổi, vỏ ngoài mỏng, có màu cánh gián sẫm, khi gọt phải gọt tỉ mỉ từng tí một để tránh chạm vào mầm. Để chăm hoa đẹp và bền người chơi phải hết sức kỳ công, phải tỉ mỉ lau từng chiếc lá để cây không bám bụi, đồng thời thủy tiên ưa nước sạch nên phải thay nước hàng ngày. Thủy tiên đặc biệt hơn các loại hoa khác vì có thể chơi được cả 5 thứ: hoa, hương thơm, lá, củ và rễ

Trước đây, thú chơi hoa thủy tiên chỉ có mặt ở những gia đình quyền quý, sau đó một thời gian nghệ thuật tỉa hoa này gần như bị thất truyền. Những năm gần đây điều kiện kinh tế ngày càng được cải thiện, nhiều người quan tâm trở lại nên thú chơi hoa thủy tiên có cơ hội hồi sinh.

Khai bút đầu xuân

Khai bút đầu xuân không phải là phong tục bắt buộc nhưng là phong tục hàm chứa nét tinh tế trong truyền thống quý chữ của người Việt mỗi dịp tết đến, xuân về. Tục khai bút xưa chủ yếu được thực hiện trong giới học sĩ, văn nhân. Sau khi thời khắc giao thừa diễn ra, người ta thường chọn ngày lành giờ tốt trong những ngày đầu năm mới, phù hợp với bản mệnh để thực hiện nghi thức khai bút. Trước khi khai bút, người chủ bút làm lễ dâng hương, cáo trời đất. Sau nghi thức tâm linh, chủ bút bắt đầu chấm mực, viết lên giấy những dòng thông điệp đầu tiên hướng về mùa xuân mới. 

Ở một số địa phương như xã Thái Nguyên (Thái Thụy) còn tổ chức hội khai bút, đây là dịp để các chí sĩ, văn nhân gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Trong ngày này, cũng có những người tìm đến các thầy đồ để xin chữ. Họ quan niệm các bậc “có chữ nghĩa” là những người thông hiểu tri thức, nắm rõ đạo lý, xin chữ của các bậc ấy là xin được may mắn, bình an và tài lộc, người nào càng viết đẹp càng được nhiều người xin chữ.


Làm thơ xuân

Song hành cùng tục khai bút đầu xuân không thể không nhắc đến thú vui thưởng trà, vịnh thơ. Người xưa quan niệm, người khai bút đầu xuân phải tự viết những điều mình nghĩ, mình sáng tác bởi nếu dùng lại câu chữ của người khác thì không còn ý nghĩa nữa. Sáng tác thơ xuân dần trở nên phong phú, đa dạng. Cũng dễ hiểu vì sao những bài thơ về mùa xuân thường có giá trị nghệ thuật rất cao bởi giữa khung cảnh thiên nhiên đẹp tựa tranh tâm hồn thi sĩ cũng trở nên bay bổng, thăng hoa rồi tức cảnh mà sinh tình. 

Năm 1468, vào dịp đầu xuân, vua Lê Thánh Tông trong đợt đi tuần ở vùng biển Đông Bắc có dựng thuyền ở chân núi Truyền Đăng để uống rượu, ngâm thơ. Xúc động trước sự tuyệt đẹp của thiên nhiên, nhà vua đã ứng khẩu thành thơ rồi khắc thơ trên vách đá. 

Đầu năm 1948, khi Bác Hồ xuôi thuyền về chiến khu Việt Bắc, cảnh đêm khuya trăng sáng đã tạo cho Người cảm hứng trào dâng để sáng tác nên bài thơ Nguyên tiêu. Bác cũng là người có nhiều bài thơ xuân, hàng năm vào dịp đầu năm mới Bác luôn có những bài thơ chúc tết gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước. 

Sáng tác thơ xuân trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong tâm hồn người Việt. Đặc biệt, từ khi Ngày thơ Việt Nam ra đời vào rằm tháng Giêng năm 2003, từ đó đến nay cứ mỗi độ tết đến, xuân về, người yêu thơ trên khắp mọi miền đất nước lại cùng nhau tụ hội, tổ chức nhiều hoạt động phong phú như kéo cờ thơ, ngâm thơ, đọc thơ, bình thơ, sáng tác thơ, giao lưu thơ giữa nhà thơ với nhà thơ, giữa nhà thơ với công chúng, xem thư pháp thơ... 

Thú vui sáng tác thơ xuân nhờ sự trân trọng của các thế hệ người Việt mà tiếp tục được kế truyền.

Thảo Tiên