Chiếu vật ngày xuân
Chùa Hội thờ danh nhân văn hóa Đỗ Đô, tức Đỗ Sinh Công, một nhà thiền học có nhiều ảnh hưởng đến giáo phái Hoàng Giang ở Việt Nam thời Lý. Ông là bạn đồng đạo của Không Lộ và Đạo Hạnh. Vừa có tài lại có đức nên Đỗ Đô được vua Lý Thánh Tông tin yêu, trọng dụng.
Tưởng nhớ công lao của ông, hàng năm, hội được tổ chức từ ngày 6 - 11 tháng Giêng. Trong lễ hội có rước kiệu thánh, lễ Phật, cúng khoa, khai bát trí thực và thông hành tịnh trùy. Ngoài ra còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như vật cổ truyền, thi sắp cỗ chay độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa lúa nước. Tương truyền, đây là hoạt động võ nghệ thiền sư truyền dạy cho trai đinh trong làng Ngoại Lãng để rèn luyện sức khỏe, giao lưu với các làng khác. Đồng thời, đây cũng là môn thi đấu để tuyển binh, tuyển tướng vào các đội quân chống giặc xâm lược phương Bắc. Người dân nơi đây đời nối đời duy trì hoạt động vật võ hàng năm. Nhưng tiêu biểu nhất là con cháu dòng họ Trần ở thôn Hội.
Ông Trần Văn Ngọ, con cháu đời thứ năm của dòng họ hiện đang là chủ nhiệm câu lạc bộ vật Song Lãng. Ở tuổi 65, giọng nói của ông vẫn đầy hào sảng, đúng tinh thần thượng võ. Ông tự hào kể về nét độc đáo của hội vật quê mình: Vật ở Song Lãng bảo đảm cả phần khỏe và phần mưu lược với các miếng cổ truyền. Vật cổ rất chú trọng tinh thần thượng võ, làm cho đối thủ lấm lưng trắng bụng nhanh, gọn, đôi khi chỉ trong chớp mắt, đối thủ chưa kịp nhận ra miếng võ gì đã thua rồi. Màn xe đài ngay từ đầu luôn được đánh giá cao ở các trận đấu. Kết thúc hội vật, 3 đô vật phải chồng lên nhau để xếp thành 1 con hạc. Cần có 2 con hạc tiến vào cửa đền để vái thánh.
Thông thường, đô vật khi dự vật mình trần trùng trục và chỉ đóng một chiếc khố. Trước khi vật, hai đối thủ cùng nhau lên đài, múa tay co chân, đi lại rình miếng lẫn nhau. Sau đó họ xông vào nhau, ôm lấy nhau mà vật. Có hai người làm nhiệm vụ phất cờ và đánh trống trong lúc các đối thủ vật nhau. Người đánh trống cầm một chiếc trống khẩu ghé vào tai các lực sĩ đánh ba tiếng một như để khuyến khích, thúc giục. Người phất cầm cờ cán dài để ngăn cản người xem khỏi lấn vào sân vật và phất cờ theo nhịp trống khi có người thắng cuộc để cổ động người thắng. Lúc vật, khi biết mình bị “bắt bài” (gọi là lỡ miếng), đô vật liền nằm bò sát đất mặc cho đối phương vằn bốc nhằm tránh bị nhấc khỏi mặt đất và chỉ nhổm dậy khi đối phương hở cơ. Hai loại tấn công chủ đạo của vật Việt Nam nói chung, vật Song Lãng nói riêng là những miếng ngáng, miếng đệm làm cho đối phương ngã xuống và những miếng bốc để nhấc bổng đối thủ lên. Dù là vật tự do hay vật cổ truyền thì đây cũng là bộ môn thể thao đậm chất thượng võ, thể hiện sự khỏe mạnh, dẻo dai và mưu lược của đô vật.
Chẳng biết tự bao giờ niềm đam mê vật võ như đã ngấm vào máu thịt nhiều thế hệ người dân Song Lãng. Thường thì trẻ nhỏ từ 10 - 12 tuổi đã có thể tham gia học vật. Nhưng ban đầu phải trải qua việc kiểm tra thể lực, học các bài cơ bản như chống đẩy, nhảy xa, uốn dẻo... Nếu thấy độ bền thể lực có thể theo học thì thầy mới cho học. Từ thời xưa nghèo khó bọn trẻ trong làng đã theo ông cha tập tành các thế vật ở ruộng sau khi gặt hái. Lưng trần lấm lem bùn đất và gốc rạ vẫn vui. Vào ngày hội, sới vật trong chùa được quây tròn bằng dây thừng, đổ cát bên trong. Ngày nay cuộc sống khá giả hơn, người dân có điều kiện xây hẳn sới vật trên khu đất cao, rải trấu ở dưới, bạt phủ trên để thuận tiện cho các đô vật giao đấu. Mỗi dịp hội xuân, khi trống hội vang lên, dân làng trên xóm dưới, du khách thập phương lại rạo rực trong lòng, hướng về sới vật để xem các thế đấu đẹp mắt. Hội vật làng vẫn áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc. Các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước 3 đối thủ, với đòn đánh làm cho đối phương lấm lưng trắng bụng, mỗi keo vật thường duy trì 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút.
Hiện nay, tại Song Lãng còn duy trì 1 câu lạc bộ vật với 40 - 50 thành viên, độ tuổi từ 12 - 65. Đây là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài cho các giải đấu vật của tỉnh và quốc gia. Vào mỗi lễ hội, đặc biệt là hội chính 2 năm 1 lần, các thành viên tề tựu khá đông đủ để giao đấu cùng nhau và giao lưu cùng các câu lạc bộ vật của xã bạn, huyện bạn. Công tác chuẩn bị cho giải đấu được ban tổ chức lễ hội chủ động từ sớm. Bởi đây chính là điểm nhấn vào mỗi dịp hội xuân chùa Phúc Thắng, thu hút đông đảo du khách theo dõi.
Ông Đào Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Song Lãng cho biết: Trước mỗi lễ hội xã đều tổ chức họp ban tổ chức, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. Trong đó, các câu lạc bộ như cờ tướng, vật võ... đều được khuyến khích tham gia. Kinh phí hỗ trợ còn khó khăn nên phần lớn các thành viên câu lạc bộ tự bảo ban nhau là chính.
Vật võ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, trí thông minh, tinh thần thượng võ, là hoạt động giao lưu tăng cường đoàn kết giữa nhân dân trong và ngoài làng. Tuy nhiên, tại Song Lãng, để duy trì và phát huy bộ môn thể thao truyền thống này, hiện tại phần lớn nhờ tinh thần đam mê của mỗi người dân. Khó khăn họ gặp phải không chỉ vấn đề kinh phí mà còn là việc sắp xếp thời gian để tham gia thi đấu tại hội chùa mỗi dịp tết đến, xuân về. Trước kia, ông Trần Văn Mão, một người con của dòng họ Trần đã tự mở lớp võ để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, theo thời gian cũng bị mai một dần.
Anh Trần Văn Thứ, thành viên câu lạc bộ trăn trở: Tôi tham gia vật võ từ năm học lớp 6, nay đã hơn 10 năm. Tình yêu ấy ngấm vào máu thịt đến nỗi dù đi làm xa quê nhưng cứ ở đâu nghe trống vật là phải ghé vào. Thậm chí còn xin ban tổ chức cho tham gia mấy keo cho vui.
Năm nay hội phụ nên các đô vật về tham gia không được đông như hội chính. Tuy nhiên, từ ngày 9 - 11 tháng Giêng, khi trống hội vang lên, hàng nghìn người dân lại quây quần quanh sới vật để chiêm ngưỡng những màn võ đẹp mắt, độc đáo. Sau phần nghi lễ tôn nghiêm trong nội điện của chùa, hội vật chính thức bắt đầu với các cuộc tranh tài hấp dẫn của các đô vật. Với tinh thần cầu may mắn đầu năm mới, các đô vật khi lên sới đều thi đấu hết mình, thể hiện tinh thần thượng võ.
Giữa tiếng reo hò vang trời của người dân, trong sới vật, các miếng đánh được tung ra đầy dũng mãnh, thể hiện sức mạnh và trí thông minh, mang đậm hương sắc và khí thế xuân mới.
Hà Thanh
(Đài TTTH Vũ Thư)
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh