Thứ 3, 21/05/2024, 04:11[GMT+7]

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lao

Thứ 2, 26/03/2018 | 08:47:15
944 lượt xem
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống lao trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo việc ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác chống lao từ tỉnh đến xã, phường; triển khai tập huấn hoạt động quản lý chương trình phòng, chống lao cho cán bộ các tuyến.

Xét nghiệm phát hiện bệnh lao tại Bệnh viện Lao Thái Bình.

Những năm qua, công tác phòng, chống lao trên địa bàn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ban Chỉ đạo chiến lược phòng, chống lao tỉnh, sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương... Đặc biệt được ngành Y tế và các bệnh viện triển khai tích cực, hiệu quả. Vì vậy, số bệnh nhân lao nói chung, lao kháng thuốc nói riêng trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm mạnh.

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải hiện đang quản lý, điều trị nội trú cho 12 bệnh nhân lao. Bác sĩ Trưởng khoa Nguyễn Thị Thủy, tổ trưởng tổ chống lao huyện cho biết: Công tác tuyên truyền, khám phát hiện và giám sát bệnh nhân lao trên địa bàn được thực hiện sát sao. Những người có biểu hiện mắc lao được khám, phát hiện và điều trị kịp thời, vì vậy hạn chế tình trạng lây lan. Cũng theo bác sĩ Thủy, bệnh nhân lao hiện được quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chữa bệnh. Thông thường, khi mới được phát hiện, bệnh nhân lao thường sợ hãi và lo lắng, sợ bị kỳ thị. Song khi được tư vấn, hướng dẫn phương pháp chữa bệnh, phòng lao kháng thuốc và tránh lây lan cho người thân, cộng đồng, đồng thời được tạo điều kiện thuận lợi chữa bệnh thì hầu hết đều yên tâm, phối hợp với bác sĩ và tuân thủ phác đồ điều trị khá tốt. Vì vậy, số bệnh nhân lao tái phát và kháng thuốc trên địa bàn huyện không nhiều. Trong số 12 bệnh nhân lao nặng hiện đang được điều trị tại Bệnh viện chỉ có 1 bệnh nhân lao kháng thuốc. Có kết quả đó bởi thông thường sau khi được chẩn đoán mắc lao, người bệnh sẽ được điều trị tấn công nội trú tại bệnh viện. Khi đáp ứng thuốc tốt thì sau khoảng 1 tháng, bệnh nhân sẽ được chuyển về quản lý và theo dõi, kiểm soát tại gia đình bởi cán bộ trạm y tế theo đúng quy trình. Hàng tháng, cán bộ trạm y tế xã sẽ đến nhận thuốc điều trị miễn phí theo đơn của các bác sĩ và phát tận tay người bệnh. Người bệnh cũng được hướng dẫn đến khám định kỳ và khám tại bệnh viện khi có các vấn đề bất thường.

Ngoài điều trị bệnh lao và bệnh phổi tại các bệnh viện đa khoa trong tỉnh, Bệnh viện Phổi Thái Bình là bệnh viện chuyên điều trị lao và các bệnh về phổi tuyến tỉnh. Bác sĩ Vũ Văn Trâm, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Riêng năm 2017, hệ thống phòng, chống lao phát hiện 1.363 bệnh nhân các thể, có 17 bệnh nhân kháng thuốc; số bệnh nhân lao mới có bằng chứng vi khuẩn học là 633/1.363, chiếm 46%; có 273 bệnh nhân lao ngoài phổi, chiếm 20%; lao phổi dương tính tái phát 80/1.363, chiếm 6%, số bệnh nhân điều trị thất bại và điều trị lại chỉ có 8 bệnh nhân, chiếm 0,6%, ít hơn so với các năm trước. Tổng số bệnh nhân lao được điều trị khỏi là 745 bệnh nhân, đạt 90%, tỷ lệ điều trị thành công chung của các bệnh nhân đạt 95%. Kết quả điều trị trên đáp ứng được yêu cầu của chương trình phòng, chống lao quốc gia.

Theo bác sĩ Đỗ Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế: Ngoài sự chỉ đạo và hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, trang thiết bị, vật tư thuốc men từ chương trình phòng, chống lao quốc gia và của Bệnh viện Phổi Trung ương, những năm qua, công tác phòng, chống bệnh lao luôn được Sở Y tế chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở và đạt nhiều kết quả. Các chỉ số về công tác phòng, chống lao luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hiện tại, hệ thống phòng, chống lao được xây dựng từ tỉnh đến cơ sở với đội ngũ cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm và chuyên môn cao. Ngoài Bệnh viện Phổi, khoa truyền nhiễm các bệnh viện đa khoa, hiện mỗi huyện đều có tổ chống lao từ 3 - 5 thành viên chuyên theo dõi, sát sao công tác phòng, chống lao trên địa bàn. Thái Bình cũng là một trong số ít tỉnh triển khai bao phủ công tác điều trị bệnh lao tấn công ngay từ cấp xã. Không những tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người bệnh khi không phải đi lại phiền hà từ nhà đến bệnh viện; tránh được tình trạng kỳ thị và từ chối điều trị do sợ bị kỳ thị, mà việc giám sát, theo dõi, nhắc nhở cũng được bảo đảm sát sao, hiệu quả khi được thực hiện bởi chính cán bộ trạm y tế địa phương. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống lao trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo việc ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác chống lao từ tỉnh đến xã, phường; triển khai tập huấn hoạt động quản lý chương trình phòng, chống lao cho cán bộ các tuyến; tăng cường công tác khám phát hiện chủ động tại các xã phát hiện bệnh nhân lao còn hạn chế; đẩy mạnh việc phát hiện bệnh nhân lao kháng đa thuốc và bệnh lao ở trẻ em; phối hợp kiểm tra giám sát bệnh nhân lao điều trị tại các tuyến để hạn chế tối đa tình trạng bệnh nhân lao tái phát. 100% bệnh nhân đăng ký điều trị phải được cập nhật vào phần mềm hệ thống Vitimes, đồng thời ngành Y tế sẽ tiếp tục tranh thủ mọi nguồn lực của trung ương, của tỉnh và các tổ chức xã hội khác cho công tác phòng, chống lao, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư để nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh lao.

Hà Dung

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày