Thứ 6, 17/05/2024, 11:43[GMT+7]

Chất độc da cam - nỗi đau còn đó

Thứ 2, 09/04/2018 | 09:40:25
1,809 lượt xem
Anh Lê Văn Bính, một cựu quân nhân ở thôn Hưng Nhượng, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh chống Mỹ.

Anh Lê Văn Bính ngày ngày mưu sinh bằng nghề đạp xích lô, nuôi 3 con bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin.

Trở lại tổ ấm gia đình anh Bính lần này tôi không còn thấy cháu Lê Đức Thọ con trai của anh nữa, anh Bính bảo cháu Thọ mất cách đây vài năm rồi, cháu mất cho hồn cháu thanh thản và vợ chồng tôi bớt một phần khổ đau day dứt. Bây giờ còn ba cháu gái mà ít năm nữa thôi không biết chúng sẽ sống và trông cậy vào đâu? Ba đứa có lớn mà chẳng có khôn, cháu Huê 33 tuổi, cháu Hiệu 31 tuổi, cháu Lụa 29 tuổi. Ở vào tuổi ấy các cháu gái ở thôn Hưng Nhượng đều đã yên bề gia thất, làm ăn thành đạt. Còn ba đứa con của anh Bính, mỗi ngày chị Liên mẹ cháu phải lo toan chăm chút tất cả, ba đứa như ba cái xác không hồn. 

Dù biết là gợi chuyện về vợ chồng anh Bính là gợi thêm nỗi đau nhưng tôi vẫn muốn kể lại về cảnh đời vợ chồng anh, bởi đây là nỗi đau nhiễm chất độc da cam/Điôxin. Ngồi ở bậc thềm ngoài cửa, chị Liên vò gối trong nước mắt lưng tròng. Với chị thì khó có ai so được những thiệt thòi mất mát và khi nhắc đến nỗi đau ai nghe cũng chẳng cầm lòng. 

Năm 1975, kết thúc chiến tranh anh Bính từ chiến trường về làng như bao người lính trở về, ba năm sau anh Bính và chị Liên hợp duyên hạnh phúc. Hai bên gia đình cả dòng họ Lê ở thôn Hưng Nhượng, xã Vũ Hội và bà con lối xóm, những người đồng đội đến chia vui và mừng hạnh phúc cho anh chị. Nào ngờ những năm sau đó, tai họa liên tục ập đến với vợ chồng anh Bính. Chị Liên qua mười lần sinh nở thì sáu lần đầu chỉ là những bọc nước hoặc là những thai nhi kỳ dị vừa ra đời đã vội vã ra đi. Bốn lần sinh sau đó là bốn cái tên rất đẹp Lê Thị Huệ, Lê Thị Hiệu, Lê Thị Lụa và con trai út Lê Đức Thọ. Nhưng rồi cả bốn người con lại là gánh nặng cuộc đời của anh Bính, chị Liên, tất cả đều thiểu năng trí tuệ, không có khả năng lao động tự kiếm sống cho bản thân mà trông dựa vào đôi vai gầy tần tảo của chị Liên cũng như lam làm chất phác của anh Bính. 

Nhìn ba đứa con gái nằm trên giường một cách vô thức Chị Liên nghẹn lòng: Tôi đã ba lần đứng trên cầu Cọi nhìn xuống dòng sông muốn kết thúc phần đời. Sau câu nói ấy chị Liên khóc thành tiếng và ngậm ngùi nhưng các con tôi không có tội, chồng tôi không có tội. Tôi phải có trách nhiệm với chúng và với chồng nữa. Chị trở về cùng anh nuôi những đứa con “có xác không hồn”. 

Mỗi ngày với chị là chiếc xe đạp cà tàng làm nghề buôn đồng nát đi khắp các làng xã trong tỉnh và ra cả tỉnh ngoài để kiếm tiền cùng chồng nuôi con. Anh Bính thì bám xe xích lô lúc ở thành phố Thái Bình khi về chợ Vũ Hội ai thuê khoán việc gì anh cũng tận tâm để kiếm việc, cuộc sống với gia đình anh Bính, chị Liên cứ thế trôi đi mấy chục năm qua, nỗi đau da cam/ Điôxin cứ thế mà đeo bám cuộc đời vợ chồng người cựu chiến binh Lê Văn Bính. 

Mỗi lần ghé thăm gia đình anh Lê Văn Bính, cứ rưng rưng trong tôi một niềm đau khi anh Bính, chị Liên thảng thốt “Rồi đây các con anh chị sẽ trông cậy vào đâu” khi bàn chân anh Bính không còn đạp xích lô được nữa, khi chị Liên suốt ba năm qua bệnh tật đau yếu và đôi chân đã không cho chị đạp xe buôn đồng nát để kiếm tiền nuôi con, khi mà bốn sào ruộng không còn người cấy thì cuộc sống của gia đình anh Bính sẽ khốn khó biết chừng nào. Nỗi đau và di họa của chất độc da cam/Điôxin khủng khiếp và tàn độc đến thế.

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày