Thứ 7, 23/11/2024, 15:49[GMT+7]

Lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên

Thứ 3, 24/04/2018 | 06:29:51
1,432 lượt xem
Ngày 23/4 (tức ngày mùng 8/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã diễn ra lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên của các xã, phường vùng ven Khu di tích và Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ VI năm 2018.

Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng trong ngày Giỗ Tổ là hoạt động truyền thống nhằm bảo tồn và duy trì những nét đẹp văn hóa từ lâu đời của dân tộc, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức tổ tiên, hướng về nguồn cội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Tham dự lễ rước kiệu và dâng lễ vật lên các Vua Hùng năm nay có 7 xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng, gồm: Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, Vân Phú, Hy Cương (thành phố Việt Trì), Tiên Kiên, Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) và đông đảo bà con nhân dân, du khách. 

Đội hình rước kiệu gồm có người dẫn đoàn, đội múa sư tử, các đội chiêng, trống, rước cờ hội, rước biển dấu và bát bửu (hoặc chấp kích), đội bát âm và múa sinh tiền, người rước tàn, lọng, chủ tế và quan viên, các cụ cao tuổi và đông đảo nhân dân địa phương. Lễ vật gồm có hương hoa, bánh chưng bánh giầy, các sản vật địa phương do người dân lao động và cả cộng đồng sáng tạo nên… Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng trong ngày giỗ Tổ là hoạt động truyền thống nhằm bảo tồn và duy trì những nét đẹp văn hóa từ lâu đời của dân tộc, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức tổ tiên, hướng về nguồn cội.

Ngay sau lễ rước kiệu, tại sân Trung tâm Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã diễn ra Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ VI năm 2018. Tham dự Hội thi năm nay có sự góp mặt của 14 đội thi; trong đó 13 đội đến từ các huyện, thị, thành trong tỉnh và đội của các nghệ nhân dân gian tỉnh Thái Nguyên.

Các đội sẽ tham dự hai phần thi là gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy. Các đội thi thực hiện gói 10 chiếc bánh chưng trong thời gian tối đa 10 phút; thổi 5 kg gạo nếp thành xôi trong thời gian tối đa 30 phút, giã và làm thành 10 chiếc bánh giầy trong thời gian tối đa 15 phút. Sản phẩm sau khi hoàn thành phải đạt tiêu chí về thẩm mỹ, bánh chưng phải chín rền, đảm bảo thơm ngon, mùi vị hấp dẫn; bánh giầy phải dẻo, mịn, trắng, bánh tròn, thành cao, bày trên mâm có dán chữ “Phúc” màu đỏ.

Hội thi là một trong những hoạt động văn hóa có ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động phục vụ nhân dân về dự Lễ hội Đền Hùng nhằm tri ân công đức của các bậc tiền nhân, thể hiện đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đội đạt giải nhất gói bánh chưng và giã bánh giầy năm nay sẽ được chọn để làm lễ vật dâng cúng các vua Hùng vào dịp giỗ Tổ năm 2019./. 

Theo: dangcongsan.vn