Thứ 6, 03/01/2025, 04:56[GMT+7]

Lịch sử Giỗ Tổ Hùng Vương, tri ân công đức các vua Hùng

Thứ 4, 25/04/2018 | 08:58:58
4,257 lượt xem
Để tưởng nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, năm 1917, sau khi đại trùng tu di tích Đền Hùng, triều đình Huế đã quyết định chọn ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là 10/3 Âm lịch.

Thời đại Hùng Vương là thời đại xây dựng lên nền móng của nước Việt Nam ngày nay. Truyền thuyết còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện về thời đại này.

Những câu chuyện rất đỗi thân thuộc với bất cứ người con đất Việt nào như "Lạc Long Quân-Âu Cơ", truyền thuyết "Thánh Gióng" hay "Sơn Tinh - Thủy Tinh". Cùng với những truyền thuyết ấy, các di chỉ khảo cổ học được tìm thấy sau này đã chứng minh các vị vua Hùng đã có công dựng nước, dạy dân cấy lúa, khai sáng nghề nông.

Theo nhiều tài liệu, sau khi tổ chức đại trùng tu khu di tích Đền Hùng, năm 1917, triều đình Huế đã quyết định ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày 10/3 Âm lịch.

Sau đó, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh cho công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.

Đến tháng 4/2007, Quốc hội đã phê chuẩn, cho người lao động được nghỉ làm, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ. Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày Quốc lễ.

Hàng năm, cứ vào ngày này, lễ hội Đền Hùng lại được tổ chức. Phần lễ được cử hành rất trọng thể mang tính Quốc lễ vào đúng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch tại khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Phần hội thường có hội trại văn hóa, cuộc thi kiệu của các làng xung quanh, các đám rước linh đình… không khí lễ hội rất tưng bừng náo nhiệt.

Đặc biệt, ngày 6/12/2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng không chỉ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn mà còn là biểu tượng văn hóa tinh thần, niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Theo vtv.vn