Thứ 5, 04/07/2024, 01:29[GMT+7]

Ngân hàng Thái Bình: 67 năm xây dựng và phát triển

Thứ 5, 26/04/2018 | 08:41:07
2,085 lượt xem
Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam - mở ra một trang sử mới cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam. Chặng đường 67 năm xây dựng và phát triển, cùng với hệ thống ngân hàng cả nước, Ngân hàng Thái Bình đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và xây dựng ngành Ngân hàng.

Bám sát định hướng của ngành, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mạng lưới hoạt động của hệ thống Ngân hàng Thái Bình không ngừng mở rộng và phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, ngoài Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng còn có 20 chi nhánh ngân hàng và 85 quỹ tín dụng nhân dân với trên 542 điểm giao dịch của tổ chức tín dụng (TCTD), Ngân hàng Chính sách xã hội trải rộng mạng lưới đến các xã, phường, thị trấn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và nhân dân.

Công ty TNHH Da giầy xuất khẩu Thành Phát phát triển sản xuất từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Nguồn vốn huy động của hệ thống Ngân hàng Thái Bình tăng trưởng nhanh qua các năm. Đến thời điểm 31/12/2017, tổng nguồn vốn huy động toàn ngành đạt trên 53.000 tỷ đồng, tăng 4,5 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân giai đoạn 2010 - 2017 đạt 24%/năm. Dư nợ cho vay đạt 62.700 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2017 đạt 17%/năm. Nợ xấu kiểm soát ở mức thấp (<1% tổng dư nợ cho vay). Nhiều chương trình tín dụng được toàn ngành tích cực triển khai như: cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ (dư nợ cho vay đạt gần 15.400 tỷ đồng); cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên (dư nợ cho vay đạt 8.750 tỷ đồng); cho vay xây dựng nhà ở xã hội (dư nợ cho vay đạt 144 tỷ đồng); cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ (số tiền vay đạt 111,5 tỷ đồng), cho vay nước sạch nông thôn (dư nợ đạt gần 300 tỷ đồng), cho vay tín dụng chính sách (dư nợ hơn 2.550 tỷ đồng)… Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đã giúp cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất đầu tư thực hiện các mục tiêu, chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Cùng với việc tích cực huy động vốn và cho vay nền kinh tế, các TCTD còn chú trọng đổi mới cơ sở vật chất, phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từng bước hiện đại hóa công nghệ, đưa các chương trình thanh toán hiện đại vào hoạt động. Giai đoạn 2011 - 2017, tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng đạt 2.761.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,5%/năm, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 75% tổng doanh số thanh toán. Các ngân hàng thương mại đã lắp đặt 143 máy ATM, 443 máy POS, phát hành trên 831.000 thẻ thanh toán các loại phục vụ nhu cầu thanh toán, rút tiền của cán bộ và nhân dân; thực hiện trả lương qua tài khoản cho 1.770 cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn (trong đó có 1.525 cơ quan hành chính sự nghiệp) với gần 320.000 lao động nhận lương qua tài khoản.

Gia đình chị Tạ Thị Tươi (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương) phát triển nghề chạm bạc từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động ngân hàng được tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Mỗi năm, thanh tra giám sát Chi nhánh thực hiện khoảng 45 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các TCTD trên địa bàn. Thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn; đánh giá thực trạng hoạt động để phân loại từng nhóm TCTD, chỉ đạo từng TCTD xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với nâng cao chất lượng hoạt động, kinh doanh; quản lý chặt chẽ việc mở rộng mạng lưới theo các tiêu chuẩn, điều kiện quy định; đặc biệt, thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xử lý những tồn tại, yếu kém của quỹ tín dụng nhân dân; chỉ đạo các quỹ tín dụng nhân dân từng bước nâng cao năng lực tài chính, chuẩn hóa hệ thống các quy trình nghiệp vụ, tiếp tục hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân đào tạo, đào tạo lại cán bộ về nghiệp vụ quản lý, chuyên môn...

Bên cạnh hoạt động chuyên môn, các hoạt động phong trào của ngành luôn được duy trì, phát triển mạnh; nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong công tác được vinh danh và trở thành phong trào thi đua rộng rãi trong toàn ngành; nhiều tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã vinh dự được nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, UBND tỉnh trao tặng...

Năm 2018, ngành Ngân hàng Thái Bình phấn đấu nguồn vốn huy động tăng từ 20 - 22%, dư nợ cho vay tăng khoảng 18%, nợ xấu kiểm soát mức dưới 1,5%/tổng dư nợ, doanh số thanh toán tăng 20% so với năm 2017. Để hoàn thành mục tiêu đó, thời gian tới, ngành Ngân hàng Thái Bình tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới hoạt động, quyết liệt thực hiện nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện đề án tái cơ cấu TCTD, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các hội nghị đối thoại, tọa đàm kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong đầu tư tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Các TCTD tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn, tăng cường đầu tư vốn phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao chất lượng tín dụng, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, đơn giản hóa và giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh ngân hàng; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; phát triển mạnh hoạt động thanh toán, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội ở địa phương, phát động các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Phạm Văn Đoàn, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Thái Bình

Được thành lập và đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh hơn 10 năm, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Thái Bình ngày càng khẳng định được uy tín và vị trí trên thị trường, nỗ lực cung cấp những sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại nhất cho khách hàng, phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong công tác huy động vốn, Chi nhánh thực hiện đa dạng hóa các hình thức huy động; thực hiện tốt công tác tư vấn, chăm sóc, phục vụ khách hàng, tích cực tuyên truyền để người dân tin tưởng và gửi tiền tại Chi nhánh. Đến ngày 31/3, tổng nguồn vốn huy động của Chi nhánh ước đạt 1.284 tỷ đồng. Trong hoạt động cho vay, Chi nhánh thực hiện phân khúc thị trường, phân khúc khách hàng, xây dựng mô hình hoạt động với 4 khối chính đó là khối vận hành, khối SME (cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa), khối tiểu thương (cho vay tín chấp các hộ kinh doanh) và khối cá nhân (cho vay khách hàng cá nhân). Bên cạnh đó, Chi nhánh cũng chủ động tìm kiếm khách hàng mới, ưu tiên nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu tiên theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh như cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ, cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên...; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khách hàng nhanh chóng có vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Đến ngày 31/3, tổng dư nợ cho vay toàn Chi nhánh đạt 846 tỷ đồng, trong đó cho vay doanh nghiệp chiếm 25%.
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Tín dụng nhân dân Thanh Nê (Kiến Xương)

Trong điều kiện hoạt động còn gặp nhiều khó khăn nhưng Quỹ Tín dụng nhân dân Thanh Nê (Kiến Xương) đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và quy mô hoạt động. Từ việc chỉ hoạt động trên địa bàn thị trấn Thanh Nê với hơn 360 thành viên ban đầu, đến nay, Quỹ đã mở rộng địa bàn hoạt động ra 4 xã, thị trấn: Thanh Nê, An Bồi, Quang Trung, Nam Bình với tổng số hơn 4.500 thành viên. Đến ngày 31/3, tổng nguồn vốn huy động của Quỹ đạt 194,213 tỷ đồng, tăng 3,05% so với thời điểm 31/12/2017, đạt 87,3% kế hoạch năm 2018. Tổng dư nợ cho vay đạt 167,465 tỷ đồng, đạt 81,65% kế hoạch năm 2018, trong đó cho vay nông nghiệp chiếm 46,58%, cho vay kinh doanh dịch vụ chiếm 19,1%, cho vay xây dựng chiếm 24,48% và cho vay khác chiếm 9,84%. Hoạt động của Quỹ không chỉ giúp các thành viên có vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển nghề và làng nghề, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn mà còn góp phần không nhỏ giúp các địa phương hoàn thiện và giữ vững các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Bà Hà Thị Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Hoa Phượng

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất khăn và sợi nên Công ty ý thức rất rõ vai trò của nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với sự phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì thế, từ quy mô ban đầu rất nhỏ, nhờ có nguồn vốn tín dụng ngân hàng đầu tư phát triển, đến nay Công ty đã mở rộng quy mô sản xuất với hơn 100 lao động trực tiếp và 70 lao động vệ tinh. Sản phẩm của Công ty không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với sản lượng 130 tấn khăn/tháng, đem lại doanh thu hơn 40 tỷ đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Nhuận, thôn Đào Động, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ

Được bình xét cho vay 12 triệu đồng từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi mừng lắm. Bao nhiêu năm nay gia đình tôi phải sử dụng nước giếng khoan, nhà vệ sinh cũng đã xuống cấp mà chưa biết lấy tiền ở đâu để sửa chữa. Với số tiền được vay này, tôi sẽ dùng một phần để lắp nước sạch, một phần để sửa chữa công trình vệ sinh môi trường đồng bộ, khép kín gồm nhà tắm, nhà vệ sinh, bể lọc nước, bể chứa nước, bảo đảm nước sạch cho cả gia đình.
Minh Hương


Ts. Đinh Ngọc Thạch

 (Tỉnh ủy viên, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình)