Thứ 7, 23/11/2024, 04:31[GMT+7]

Tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ - Kinh nghiệm ở Thái Bình

Thứ 6, 27/04/2018 | 15:13:22
1,169 lượt xem
Là một trong những địa phương được Quân khu 3 đánh giá cao về công tác tuyển quân, những năm gần đây, Thái Bình không chỉ bảo đảm đủ chỉ tiêu mà còn nâng cao về chất lượng tân binh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quân đội.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng quà động viên tân binh có hoàn cảnh khó khăn lên đường nhập ngũ.

Là nhiệm vụ của toàn dân

 Theo Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh: Để có được kết quả đó chính là nhờ sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn dân. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ tuyển quân; đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu cho hội đồng nghĩa vụ quân sự cùng cấp và tổ chức thực hiện “tròn khâu” trong quy trình tuyển quân. Các địa phương đã quán triệt nhiệm vụ tuyển quân đến từng chi bộ, thôn, xóm, tổ dân phố. Mặt khác, thống nhất lấy kết quả tuyển quân là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp trong tổ chức thực hiện.

Xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền; lồng ghép nội dung công tác tuyển quân trong sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể... Cùng với tuyên truyền thường xuyên, tuyên truyền cao điểm trong mùa tuyển quân, nội dung Luật Nghĩa vụ quân sự được đưa vào chương trình bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, nhất là học sinh các trường THPT. 

Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo như: in tờ rơi có các nội dung cơ bản của Luật Nghĩa vụ quân sự, các chế độ, chính sách quân nhân và gia đình được hưởng khi tại ngũ, xuất ngũ, quy định xử lý các trường hợp vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự... để phát đến 100% công dân trong diện sơ tuyển, khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

Chắc từ cơ sở

Thượng tá Trần Văn Thương, Chính trị viên Ban CHQS huyện Thái Thụy cho biết: Hiện nay, nam công dân trong độ tuổi nhập ngũ thường đi lao động xa, đi học chuyên nghiệp, học xong không trở về địa phương... nên khan hiếm nguồn có chất lượng tốt, nhất là đối với các huyện có chỉ tiêu cao như Thái Thụy. Để khắc phục, các địa phương chú trọng làm tốt công tác đăng ký, quản lý nguồn công dân nhập ngũ, nhất là đăng ký lần đầu. Nhờ quản lý tốt nguồn và có kế hoạch thông báo sớm cho công dân, doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn và lân cận về kế hoạch tuyển quân, nhập ngũ để doanh nghiệp, gia đình và công dân bố trí công việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự nên Thái Thụy luôn giao đủ chỉ tiêu 370 thanh niên hàng năm.

Để nâng cao chất lượng tuyển quân, bảo đảm tuyển người nào, chắc người đó, không để lọt vào quân đội những trường hợp không đủ tiêu chuẩn, các địa phương đặc biệt coi trọng công tác xét duyệt, tuyển chọn công dân nhập ngũ bảo đảm khách quan, dân chủ, minh bạch, đúng quy trình. Trong sơ tuyển, hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp chủ động phối hợp với cơ quan công an quản lý hộ khẩu để nắm bắt thông tin, sàng lọc, phân loại chất lượng chính trị của công dân. Quá trình khám tuyển, hội đồng nghĩa vụ quân sự, hội đồng khám sức khỏe thực hiện theo đúng Thông tư liên tịch số 36 của liên Bộ Y tế - Quốc phòng. Các huyện, thành phố hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị nhận quân, nhất là các đơn vị có chỉ tiêu “3 gặp, 4 biết” cùng trao đổi thông tin, nghiên cứu kỹ hồ sơ công dân nhập ngũ, nắm chắc tình hình và quản lý chặt chẽ số thanh niên trúng tuyển. Ngành Y tế tăng cường bác sĩ, trang bị y tế cho địa phương để thực hiện khám chuyên sâu, bảo đảm khách quan trong đánh giá, giảm thiểu sự chênh lệch kết quả sức khỏe công dân trước và sau khi nhập ngũ. Các địa phương phân công cán bộ phụ trách cùng với hội đồng nghĩa vụ quân sự xã, phường, thị trấn trực tiếp xét duyệt, tuyển chọn và chịu trách nhiệm về chất lượng của từng thanh niên đến khi giao quân. 

Kết quả, 5 năm qua (2014 - 2018), toàn tỉnh giao 13.800 nam công dân cho các đầu mối của quân đội, tỷ lệ tân binh đã qua đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp luôn đạt trên 10%, không có trường hợp tân binh không đủ tiêu chuẩn, phải bù đổi. 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành chỉ tiêu giao quân.

Ông động viên cháu trước lúc lên đường nhập ngũ.

Thực hiện tốt chính sách hậu phương

Các địa phương trong tỉnh đã chú trọng huy động các nguồn lực xã hội cho công tác tuyển quân, kịp thời động viên thanh niên lên đường nhập ngũ cả về vật chất, tinh thần. 

Theo Đại tá Hoàng Chí Long, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh: Các địa phương đã có nhiều cách làm thiết thực như: tổ chức giao lưu văn nghệ để động viên thanh niên nhập ngũ; mở lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà tân binh (mỗi suất quà cấp huyện từ 1 - 2 triệu đồng, cấp xã từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/tân binh)... UBND tỉnh trích ngân sách trên 5 tỷ đồng mỗi năm tặng quà cho 100% tân binh lên đường nhập ngũ.

Cùng với động viên tân binh, các huyện, thành phố còn chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức ký kết, tiếp nhận quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào làm việc; đồng thời, các cơ sở đào tạo nghề tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ trở về địa phương, tạo động lực, động viên, cổ vũ thanh niên yên tâm lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. 

Ngoài ra, các huyện, thành phố chuẩn bị, tổ chức tốt lễ giao nhận quân trang trọng, đúng quy định ở địa phương; đồng thời, tổ chức tốt việc đón nhận con em của địa phương hoàn thành nghĩa vụ trở về bảo đảm trang trọng, chu đáo. Những quân nhân xuất ngũ trở về địa phương đã phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh.

Thiên Ân