Thứ 6, 22/11/2024, 14:50[GMT+7]

Thái Thụy: Đưa cách mạng công nghiệp 4.0 vào trường học

Thứ 6, 11/05/2018 | 09:03:59
4,355 lượt xem
Nhắc đến cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều người nghĩ đến những sản phẩm mang tầm quốc gia, quốc tế. Thế nhưng, tại Thái Thụy, cuộc cách mạng này đang đánh thức tiềm năng sáng tạo của rất nhiều học sinh dù chỉ ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.

Thầy và trò Trường Tiểu học Diêm Điền (Thái Thụy) say mê sáng tạo khoa học.

Lợi ích từ STEM

STEM là từ viết tắt tiếng Anh của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Đây là mô hình giáo dục đã được triển khai tại các nước Âu, Mỹ, đem lại hiệu quả tích cực. 

Tại Việt Nam, giáo dục STEM đã được đưa vào nhiệm vụ năm học của các cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với một số công ty giáo dục tổ chức các câu lạc bộ STEM trong các trường tiểu học, THCS. 

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Sơn, Giám đốc Học viện Sáng tạo S3: Giáo dục STEM đem đến cho người học sự sáng tạo và chủ động. Mỗi học sinh tham gia mô hình giáo dục này sẽ mang vai trò của một nhà phát minh. Khi ấy, học sinh sẽ phải nắm rõ bản chất kiến thức nền tảng, từ đó chủ động sáng tạo ra các cách mở rộng vốn kiến thức đó. Trong mỗi bài học, học sinh sẽ được giao cho một vấn đề thực tế có liên quan đến các kiến thức khoa học. Học sinh sẽ phải chủ động tìm tòi, nghiên cứu và sử dụng những kiến thức thuộc lĩnh vực có liên quan để giải quyết vấn đề đặt ra. Việc này kích thích tính sáng tạo, phát triển khả năng tư duy logic đồng thời giúp mỗi cá nhân tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Tại Thái Bình, mặc dù nhiều trường học mới thành lập câu lạc bộ STEM nhưng tại hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2018 do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy vừa tổ chức cuối tháng 4, ban tổ chức hội thi đã mạnh dạn tổ chức nội dung thi Robotics dành cho học sinh tiểu học và THCS. 

Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Robotics là phương pháp tối ưu nhất để phát triển giáo dục STEM và là con đường ngắn nhất để học sinh có thể tiếp cận nhanh với khoa học công nghệ. Với chủ đề về ngày chiến thắng 30/4/1975, ban tổ chức yêu cầu các sản phẩm dự thi được thiết kế dưới hình dạng chiếc xe tăng mang theo lá cờ giải phóng chạy theo đường vạch sẵn để húc đổ cổng và cắm cờ tại vị trí định sẵn. Với quy định của hội thi từ vạch xuất phát, xe tăng vượt qua dãy nhà kho có vách 2 bên, đi men theo dải đường zích zắc, vượt qua cầu rồi chuyển sang chế độ lái tự động, mỗi đội thi đã mang đến hội thi một màu sắc riêng. Mặc dù là lần đầu tiên tổ chức thí điểm nhưng ban tổ chức đã nhận được 28 sản phẩm robot của các nhóm học sinh từ các trường tiểu học và THCS.

STEM - tưởng không vui mà vui không tưởng

Không chỉ dẫn đầu về phong trào học tập, Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy) còn là ngôi trường có nhiều học sinh đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật. Ngay sau khi phát động nội dung thi Robotics trong hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, rất nhiều học sinh của trường đã đăng ký dự thi. Nhà trường đã chọn ra 12 em, thành lập 2 đội dự thi. 

Thầy Vũ Văn Phương, giáo viên Tin học, người đã hướng dẫn và đồng hành cùng các em trong khoảng thời gian tham gia cuộc thi cho biết: Từ việc xác định đề tài đến quá trình triển khai nghiên cứu đề tài, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đây là lần đầu tiên tham gia thi Robotics, thời gian từ khi thực hiện ý tưởng đến ngày thi ngắn, thiết bị không đủ, robot phải được thiết kế hình dạng xe tăng sao cho giống và đẹp mắt... nhưng các em đã dần dần vượt qua mọi khó khăn hoàn thành robot trên cả sự mong đợi. 

Tạ Duy Mạnh, học sinh lớp 8A3, Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh chia sẻ: Chúng em đã được thầy Phương hướng dẫn việc áp dụng công nghệ 4.0 dựa trên bộ kít arduino 1.6.9 kết hợp sử dụng phần mềm kiscode để nạp chương trình cho bộ mạch arduino. Cấu tạo của robot gồm 3 phần: 1 khung robot, 2 phần động cơ, 3 bộ mạch điều khiển (mạch arduino, modul bluetooth và modul dò line). Dưới gầm xe có mắt cảm ứng để dò đường tự động theo dải màu. Vượt qua đoạn đường hình sin, xe tăng vượt qua cổng và thả cờ tại dinh Độc Lập. 

Với phần thi xuất sắc, sản phẩm của các em đã giành giải nhất hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn huyện lĩnh vực Robotics.

Tuy không giành được giải cao nhất trong hội thi nhưng Trường Tiểu học Diêm Điền là đơn vị duy nhất có 3 đội chơi dự thi. 

Cô giáo Giang Thị Lan Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mặc dù đây là lần đầu tiên tham gia hội thi, lại là lứa tuổi nhỏ nhất nhưng ngay từ khi phát động, được sự ủng hộ của phụ huynh, rất nhiều học sinh của Trường đã đăng ký dự thi. Trường đã thành lập câu lạc bộ STEM thu hút đông đảo thành viên, chủ yếu là học sinh lớp 4, lớp 5. 

Thầy giáo Phí Quang Hóa, giáo viên dạy Toán chia sẻ: Tôi và thầy Tạ Duy Dũng, giáo viên tiếng Anh đều là những giáo viên không chuyên về khoa học đã tự tay chọn những linh kiện điện tử để mang về hướng dẫn học sinh lắp đặt. Sau khi có linh phụ kiện, các em học sinh sử dụng máy in 3D và máy cắt laze để gia công sản phẩm. Vì các em đang ở lứa tuổi tiểu học nên chúng tôi phải dành nhiều thời gian hơn để hướng dẫn nhưng vẫn bảo đảm thời gian học trên lớp của học sinh. 

Nguyễn Mạnh Cường, học sinh lớp 5B2 cho biết: Tham gia hội thi là cơ hội để em trau dồi kiến thức, kỹ năng và để học hỏi các anh chị những sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Được tổ chức trong 2 ngày nhưng hội thi đã trở thành sân chơi trí tuệ nhằm đánh thức tiềm năng sáng tạo của mỗi học sinh sau giờ học trên lớp. Các em đã mạnh dạn vận dụng kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn đời sống, khoa học kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm khoa học phục vụ học tập và nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo. 

Với chủ đề về ngày chiến thắng 30/4/1975, hội thi cũng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho học sinh trong thời kỳ hội nhập.

Thảo Phương - Đặng Anh