Thứ 2, 20/05/2024, 16:58[GMT+7]

“Cụ là ngọn đuốc soi sáng cuộc đời tôi”

Thứ 6, 18/05/2018 | 08:50:48
2,353 lượt xem
Đó là câu nói của cựu chiến sĩ Điện Biên Vũ Văn Nghĩa, 92 tuổi, thôn Thanh Nội, xã Minh Lãng (Vũ Thư) mỗi khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong câu chuyện kể về vinh dự 3 lần được gặp Bác, ông Nghĩa luôn gọi Bác là “Cụ” một cách trân trọng nhưng gần gũi, thân thiết như gọi chính người thân sinh ra mình.

Ông Vũ Văn Nghĩa tự hào giới thiệu những tấm huân chương, huy chương được tặng thưởng.

Hiếm có người ở tuổi 92 mà vẫn khỏe mạnh, trí nhớ minh mẫn, tinh anh như ông Nghĩa. Từng sự kiện, dẫu đã đi qua 60 - 70 năm như ngày ông được khoác áo Bộ đội Cụ Hồ, ngày vào Đảng hay mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch... ông đều nhớ từng chi tiết. Đặc biệt, kỷ niệm 3 lần được gặp Bác Hồ thì ông Nghĩa mang theo suốt cuộc đời mình.

Năm 1949, ông Nghĩa lên đường tòng quân. Nhờ rèn luyện tốt, chỉ sau vài tháng ông được cử sang Trung Quốc học tập kỹ thuật quân sự. Năm 1950 ông được lệnh trở về nước, bổ sung lực lượng cùng quân ta thực hiện chiến dịch biên giới. Chiến dịch thắng lợi, cuối năm 1950 ông Nghĩa vinh dự được cùng đoàn 5 cán bộ chỉ huy của chiến dịch, trong đó có Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ báo công với Bác tại Cao Bằng. 

Nhớ lại lần đầu gặp Bác, ông Nghĩa kể: Là anh “lính quèn” duy nhất trong đoàn, lại trẻ tuổi đời, được gặp Cụ khi ấy tôi hồi hộp, lo lắng lắm. Sau khi nghe báo cáo tình hình, Cụ thấy tôi trẻ, vẻ rụt rè nên quay ra hỏi: Chú bao nhiêu tuổi rồi? Vì run quá nên tôi trả lời nhầm: Thưa Bác, cháu 20 tuổi ạ. Thực ra khi đó tôi 21, 22 tuổi rồi. Cụ lại hỏi: Quê chú ở đâu? Tôi trả lời: Cháu ở Thái Bình ạ. Nghe vậy, Cụ bảo tôi: Thế chú phải cố gắng lên nhé chứ Thái Bình bị giặc chiếm hết rồi đấy. Rồi Cụ nói về trận chợ Bo giặc sát hại bà con như thế nào nhằm khích lệ tinh thần tôi... Sau đó đoàn chúng tôi đi thăm các đồng chí Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Trước khi đi, Cụ dặn chúng tôi: 5 rưỡi các chú quay lại đây ăn cơm. Các chú chỉ có 30 phút để đi thăm 4 người thôi. Khi đoàn chúng tôi quay về đã thấy Cụ đứng ở cửa nhà ăn đợi sẵn. Sau khi nhắc nhở đoàn chúng tôi vì về muộn 7 phút, Cụ quay sang bảo đồng chí Vương Thừa Vũ và cả đoàn: Thế các chú nhân 7 phút với 31 người ngồi đợi xem là mất bao nhiêu thời gian? Lần sau các chú nhớ rút kinh nghiệm, ở đây đã vậy nhưng ra chiến trường chậm 1 phút thì trận chiến đấu của ta sẽ ra sao? Bác nhắc nhở xong, mọi người quay vào ăn cơm thì 4 mâm trong nhà ăn mỗi mâm đã có 6 người ngồi đủ, mâm của tôi có cả Cụ nữa là 7 người. Cụ chỉ tay về phía tôi bảo: Cho cái chú bé nhất này ngồi cạnh Bác. Suốt bữa ăn, Cụ ăn rất ít, chốc chốc lại nhường thức ăn của mình gắp vào bát của tôi rồi động viên tôi: Chú bé thế này mà có tinh thần chiến đấu tốt đấy, chú cố gắng phát huy nhé. Ăn cơm xong mọi người đứng dậy, Cụ cũng đứng dậy nhưng cầm theo bát đũa của mình và nói: Bác đằng nào cũng đi rửa tay thì rửa luôn hộ cấp dưỡng. Thấy Cụ cầm bát đũa đi, đồng chí trung đoàn trưởng vội nói với tôi: Chú Nghĩa rửa bát cho Bác. Cụ cười nói: Chú Nghĩa rửa được thì Bác cũng rửa được chứ. Lần đầu tiên được gặp, lại được ăn bữa cơm với Bác, tôi cảm thấy ấm áp, hạnh phúc khôn tả. Đặc biệt, những lời răn dạy và cử chỉ, hành động của Bác để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc, luôn nhắc nhở tôi học theo Người từ những việc làm nhỏ nhất.

Lần thứ hai ông Nghĩa được gặp Bác trong một dịp khá tình cờ. Ông Nghĩa chia sẻ, khoảng cuối năm 1950, đầu năm 1951, ông cùng đồng đội có nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên đường số 4. Để bảo đảm bí mật, thông thường bộ đội ta tiến hành các công việc mở đường, sửa đường vào ban đêm. Hôm ấy, đêm đã khá khuya, sau khi mệt nhoài với công việc chặt gỗ, vác gỗ để sửa cầu, ông Nghĩa và các chiến sĩ trong trung đội nằm ngay ven đường rừng để ngủ. Đang ngủ thì ông và đồng đội được đồng chí chỉ huy gọi dậy, báo có Bác đến thăm. Dưới ánh trăng, ông thấy Bác gầy gò, mặc bộ quần áo của đồng bào dân tộc, cùng đi với Bác có khoảng 7 - 8 cán bộ của ta. Bác bắt tay từng chiến sĩ và hỏi thăm sức khỏe mọi người. Lúc đó ai cũng mệt nhưng không ai dám nói thật, chỉ bảo “chúng cháu vẫn khỏe ạ”. Bác lại hỏi lại đồng chí trung đội phó: Thế chú có mệt không? Đồng chí này vẫn không dám nói thật. Bác phê bình luôn: Như vậy là các chú nói dối Bác, chứ vác cây gỗ to như thế này từ rừng ra đây mà lại bảo không mệt. Thôi, để đỡ mệt, Bác cháu ta cùng hò một câu nhé. Khi mọi người xúm quanh, Bác hò to: “Làm cầu ta bắc qua sông/Nối tình quốc tế với tình quốc gia”. Một số chiến sĩ trong đó có tôi không kìm được xúc động đã bật khóc. Bác vẫn hò to như vậy 3 - 4 lần nữa để “xốc” lại tinh thần cho mọi người. Sau đó Bác chia quà cho các chiến sĩ, mỗi người được 1 quả chuối rừng và 1 bắp ngô luộc. Ai cũng đói và mệt nhưng mọi người đều tiếc, không nỡ ăn ngay mà để vài hôm sau mới ăn.

Năm 1951, ông Nghĩa tham gia trận chiến Tu Vũ (tại Phú Thọ). Trong trận đánh cuối năm, nhờ sự gan dạ, mưu trí của mình, ông đã cứu sống được 5 thương binh đang trú ẩn dưới hầm khỏi bom đạn của giặc Pháp. Với thành tích này, ông vinh dự được Bác Hồ tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” và là 1 trong 154 chiến sĩ thi đua công, nông, binh được tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (1 - 6/5/1952) tại Đại Từ, Thái Nguyên. Chính tại đây ông Nghĩa vinh dự được gặp Bác Hồ lần thứ ba. 

“Hôm ấy là ngày 2/5, sau bữa cơm trưa Cụ gọi tất cả bộ đội ra tập trung ở gốc cây đa. Cụ đứng lên và bảo: Các chú này, ở bộ đội ta bây giờ có hai vấn đề, các chú nhớ nhé. Thứ nhất là các chú phải nghiêm chỉnh chấp hành thời gian và kỷ luật quân đội, quân đội ta muốn đánh thắng được địch thì phải có kỷ luật cao. Thứ hai là các chú ở bộ đội cũng phải chịu khó lao động, sản xuất và tiết kiệm, có 100 đồng thì các chú nhớ chỉ tiêu 70 đồng thôi, chớ tiêu cả, còn phải để dành lại phòng lúc ốm đau, thương tật...” - ông Nghĩa kể. Mỗi lời dạy của Bác, ông và đồng đội khắc ghi tâm can để làm theo.

3 lần được gặp Bác đã tạo thêm động lực, sức mạnh để ông Nghĩa tiếp tục chiến đấu, công tác. Ông được cử sang Trung Quốc học kỹ thuật quân sự lần 2; tham gia nhiều chiến dịch lớn, vượt qua nhiều gian khổ, hiểm nguy của những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, góp phần cùng quân và dân ta làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và tiếp tục cống hiến cho quân đội đến khi nghỉ hưu.

Ngắm bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngả màu theo thời gian, ông Nghĩa rưng rưng xúc động: Ngoài Đảng tôi luyện, quân đội rèn giũa thì Cụ chính là ngọn đuốc soi sáng cuộc đời tôi. Từ một nông dân lầm than, không nhà cửa, ruộng vườn, nhờ học theo lời Cụ, tôi cần cù lao động, tiết kiệm, đến nay có nhà cửa đàng hoàng, cuộc sống ấm no, con cháu thảo hiền. Cả đời tôi ơn Cụ không sao kể xiết!

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày