Thứ 5, 26/12/2024, 17:06[GMT+7]

Khuyến khích mọi tầng lớp tham gia các phong trào thi đua yêu nước

Thứ 6, 29/10/2021 | 07:57:08
812 lượt xem
Ngày 28/10, Quốc hội thảo luận về hai dự án luật: Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Điện ảnh (sửa đổi).

Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ảnh: LINH Nguyên.

Mở rộng đối tượng trong thi đua, khen thưởng

Thảo luận dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) và nhiều ý kiến nhấn mạnh việc đổi mới tư duy trong công tác thi đua, khen thưởng nhằm hướng về cơ sở và tập thể, cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất để bảo đảm tính thực chất là yêu cầu quan trọng đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, một số nội dung thi đua, khen thưởng trong dự thảo luật vẫn mang nặng tính hành chính nhà nước, chủ yếu tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang mà chưa bao quát toàn diện các đối tượng, cho nên chưa khuyến khích được nhiều hình thức thi đua với sự tham gia đa dạng, đông đảo các thành phần, tầng lớp trong xã hội, chưa khắc phục cơ bản tình trạng chạy theo thành tích để được khen thưởng.

Tranh luận quan điểm nêu trên, có đại biểu cho rằng, mặc dù nhiều quy định của luật và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện về công tác thi đua, khen thưởng còn chung chung, chưa được cụ thể hóa, khó định lượng, song chất lượng hiệu quả và cả những bất cập, hạn chế trong công tác này phụ thuộc rất nhiều ở khâu tổ chức, triển khai thực hiện chứ không hoàn toàn do luật. Do vậy, cần xây dựng những quy định rõ hơn về nguyên tắc, trách nhiệm và việc xử lý vi phạm của cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, của cá nhân trong tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua, khen thưởng, trong đề nghị khen thưởng và quyết định khen thưởng.

Nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất với việc bổ sung hình thức khen thưởng: Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang để tôn vinh, tri ân đối với lực lượng thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ

trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vào quy định của dự thảo luật, qua đó ghi nhận, trân trọng sự đóng góp, hy sinh của thanh niên xung phong trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có ý kiến đề nghị, cần nghiên cứu quy định trong dự thảo luật hoặc quy định trong nghị định hướng dẫn thi hành việc người nào đã nhận được một trong các hình thức thi đua, khen thưởng của Nhà nước thì không xét tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, để tránh khen thưởng trùng, đồng thời không để bất cứ người thanh niên xung phong nào đã hy sinh, cống hiến cho dân, cho nước mà lại không được ghi nhận, tôn vinh.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) và nhiều ý kiến nêu: Thực tế hiện nay, phong trào thi đua chưa đồng đều ở các vùng, miền và các thành phần kinh tế. Một số nơi còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân, chưa gắn kết thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị; nội dung tiêu chí thi đua chưa cụ thể, chưa gắn với lợi ích của người lao động cũng như chưa lấy kết quả phong trào thi đua làm căn cứ để khen thưởng. Các đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm mối quan hệ chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng, mang tính bao trùm, toàn diện, hợp lý, công bằng, bình đẳng, khoa học, thực tiễn và tạo ra được động lực mới cho thi đua, khen thưởng, bảo đảm tính kế thừa và đổi mới, kế thừa những nội dung, những vấn đề mà thực tiễn đã chứng minh là hợp lý, có sức lan tỏa, đã có tính ổn định. Từ quan điểm đó, cần nghiên cứu để đổi mới những vấn đề từ thực tiễn đặt ra, hướng mạnh hơn về khu vực ngoài nhà nước và khen thưởng cho người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu, nhất là đối tượng công nhân, nông dân, doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học… Khen thưởng cần hướng về các tập thể ở cơ sở và chú trọng hơn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và hải đảo. Bảo đảm thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng khen thưởng nặng về cộng dồn thành tích, tích lũy thành tích, tạo ra sự hình thức trong khen thưởng.

Tạo cơ chế thuận lợi để phát triển ngành điện ảnh

Thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đa số đại biểu cho rằng, dự thảo lần này đã tiếp cận tư duy điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là ngành kinh tế trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thảo luận về chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) và một số đại biểu cho rằng, chính sách cần tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư vào những nội dung cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước đối với lĩnh vực điện ảnh, như: thực hiện nhiệm vụ chính trị, định hướng giá trị, kiểm định chất lượng…, nhưng bảo đảm tạo cơ chế thuận lợi để phát triển công nghiệp điện ảnh, phù hợp quy luật của thị trường. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, cần nghiên cứu chính sách tài trợ cho các hoạt động điện ảnh, trong đó quan tâm, tập trung nhiều hơn khán giả là những người hưởng thụ, tiếp thu văn hóa, các tác phẩm điện ảnh nhằm đạt được cân bằng giữa sáng tạo, truyền bá và hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật. Khán giả sẽ là động lực quan trọng cho văn hóa, nghệ thuật, thậm chí là lực lượng thúc đẩy và định hướng cho điện ảnh phát triển.

Đại biểu Trần Văn Thức (Thanh Hóa) và một số đại biểu khác tán thành với phương án hai trong dự thảo Luật về sản xuất phim bằng ngân sách nhà nước được thực hiện theo ba hình thức, đó là giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu. Việc quy định cả ba hình thức như nêu trên tạo sự linh hoạt trong quá trình áp dụng, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Mặt khác, tác phẩm điện ảnh cũng cần đấu thầu để lựa chọn được tác phẩm tốt, có giá trị; mở rộng, tạo cơ hội cho các đơn vị sản xuất phim ngoài nhà nước được tiếp cận và thực hiện các dự án phim do ngân sách nhà nước hỗ trợ, chi trả. Nếu chỉ quy định giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng sẽ làm hạn chế khả năng tham gia của các đơn vị sản xuất phim ngoài nhà nước. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu.

Thảo luận về phân loại phim, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) và một số ý kiến cho biết, dự thảo Luật quy định sáu mức phân loại phim, hiện tại chỉ nhằm phục vụ mục đích cấp giấy phép phổ biến phim hoặc cấp quyết định phát sóng, cho nên chỉ mới chú trọng đối tượng xem phim và độ tuổi người xem phim. Điều này đúng nhưng còn đơn giản, chưa rõ nội hàm và chưa đi vào bản chất của điện ảnh. Do đó, cần chú trọng việc phân loại điện ảnh có hệ thống khái niệm pháp lý, về từng loại sản phẩm điện ảnh, chính sách điện ảnh, sử dụng tác phẩm điện ảnh, hưởng thụ nghệ thuật điện ảnh… tất cả đều gắn với quy định pháp lý về việc phân loại sản phẩm điện ảnh. Đồng thời, hệ thống phân loại điện ảnh cũng cần được xác định rõ ràng, cụ thể. Điều này không chỉ giúp nhà quản lý xem xét mà còn giúp nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, diễn viên xác định rõ đối tượng, định hướng cho việc chỉnh sửa, biên tập tác phẩm phù hợp từng loại phim, trước khi đưa ra kiểm duyệt, đánh giá.

Việc có hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang không chỉ là nguồn động viên đối với các đội viên thanh niên xung phong mà còn là thực hiện chính sách thi đua, khen thưởng thời kỳ kháng chiến. Theo tôi, điều này có ý nghĩa rất lớn. Đó là ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ, vì vậy tôi kiến nghị bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang vào luật, đồng thời xem xét không nên đồng nhất một hạng mà cần căn cứ vào thời gian tham gia, mức độ cống hiến và thành tích để xếp hạng một, hạng hai, hạng ba như Huy chương chiến sĩ vẻ vang. Như vậy, việc khen thưởng vừa trân trọng, xứng đáng hơn đối với lực lượng thanh niên xung phong, vừa bảo đảm chặt chẽ, công bằng đối với sự cống hiến, hy sinh của từng đội viên và vừa tương thích với hệ thống pháp luật thi đua, khen thưởng của chúng ta.


Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày