Thứ 2, 25/11/2024, 18:48[GMT+7]

Phiên chất vấn vừa có tính thời sự cấp bách, vừa cơ bản và lâu dài

Thứ 5, 17/03/2022 | 08:23:37
810 lượt xem
Phát biểu kết thúc phiên chấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Qua phiên chất vấn cho thấy việc lựa chọn và quyết định hai nội dung chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV là đúng và trúng, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính quan trọng, cơ bản và lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Duy Linh).

Sau một ngày làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần khoa học, đổi mới, dân chủ, trách nhiệm và tinh thần xây dựng rất cao, phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV đã diễn ra rất sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri cả nước và đã thành công tốt đẹp.

Mặc dù được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 62 điểm cầu trên cả nước, nhưng phiên chất vấn vẫn tạo được sự tương tác, đối thoại trực diện giữa người hỏi và người trả lời về vấn đề được chất vấn, thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Tinh thần trách nhiệm, cầu thị

Qua phiên chất vấn cho thấy, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành mặc dù đã có kinh nghiệm đăng đàn như Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, hay mới lần đầu trực tiếp trả lời chất vấn như Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên; lĩnh vực quản lý rộng, phạm vi, đối tượng điều chỉnh lớn, nhạy cảm, ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân, nhưng các vị Bộ trưởng đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cầu thị, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, có những vấn đề dân sinh bức xúc, tồn tại nhiều năm, đồng thời đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, làm rõ những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, từ đó nâng cao năng lực điều hành, quản lý, quản trị, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trước cử tri, nghiên cứu rất kỹ các tài liệu, nắm chắc vấn đề, đặc biệt là các vấn đề dư luận và cử tri quan tâm, bám sát thực tiễn, thực tế địa phương và lĩnh vực được chất vấn để đặt các câu hỏi và tranh luận có chất lượng.

Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các trưởng ngành liên quan, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ theo quy định đã tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan.

Phiên chất vấn vừa có tính thời sự cấp bách, vừa cơ bản và lâu dài -0

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ tạo sự chuyển biến thực sự trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan lưu ý quan tâm tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm.

Đối với lĩnh vực công thương, đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; cần có những giải pháp tổng thể, kịp thời, căn cơ để giải quyết những vướng mắc của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc không thực hiện đầy đủ cam kết trong các hợp đồng về đầu tư, kinh doanh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát và điều chỉnh các loại thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cước mở, các định mức hao hụt, định mức chi phí, định mức lợi nhuận… cấu thành trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cho phù hợp với thực tế, góp phần kiểm soát giá xăng dầu nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.

Sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

Trên cơ sở chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, tôi đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị thật tốt dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại đợt 2 của Phiên họp thứ 9.

Đây cũng là một trong những đổi mới căn cơ trong hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục chủ động đổi mới trong hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn nói riêng, làm cho hoạt động giám sát thực sự trở thành một trong những công cụ kiểm soát quyền lực hiệu quả, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ


Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên

Chính phủ sớm trình các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về giảm thuế môi trường đối với xăng dầu ngay tại đợt 2 của Phiên họp thứ 9 trong tháng 3 này, để tiến hành thực hiện ngay từ tháng 4.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết về chất vấn của Quốc hội trong công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả; tăng cường phối hợp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là lực lượng công an, biên phòng, hải quan và thanh tra chuyên ngành; ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngay từ tuyến biên giới đường biển và đường bộ, nhất là đối với mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19.

Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, hoạt động của lực lượng quản lý thị trường; xây dựng lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của công chức thực thi, đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu.

Trong đó, cần bám sát và bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy, địa phương đối với công tác quan trọng này. Đa dạng các hình thức truyền thông, tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong năm 2022, ban hành các đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; về nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính; về ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển. Xây dựng các hệ cơ sở dữ liệu về đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử.

Nội dung quan trọng nữa là giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nhất là mặt hàng nông sản.

Có chính sách thúc đẩy nhanh, mạnh và có cam kết, lộ trình rất cụ thể nhằm chuyển từ xuất khẩu hàng hóa theo đường tiểu ngạch sang xuất khẩu hàng hóa chính ngạch...

Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đề nghị bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, bảo đảm căn cứ chính trị và yêu cầu của thực tiễn để nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật khác có liên quan cũng như các văn bản hướng dẫn luật để khắc phục những vướng mắc, hạn chế, bất cập hiện nay, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai; hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Phiên chất vấn vừa có tính thời sự cấp bách, vừa cơ bản và lâu dài -0

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn luật và các văn bản có liên quan, trong đó, chú trọng đến các qui định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất không để xảy ra tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá để trục lợi; đặc biệt là quy định chặt chẽ về điều kiện tham gia đấu giá.

Sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan phù hợp với pháp luật về đất đai để bảo đảm tính thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng, đặt cọc khi mua bán chuyển nhượng, "hứa mua, hứa bán" về đất đai.

Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật, không hình sự hóa các quan hệ dân sự và quan hệ hành chính.

Yêu cầu nữa là cần thực hiện tốt các chính sách mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải, khí thải công nghiệp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; sớm phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm; thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt; ưu tiên sử dụng công nghệ xử lý, tái chế thân thiện môi trường; công nghệ xử lý chất thải rắn thu hồi năng lượng; chú trọng giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa, chất thải y tế, đặc biệt là chất thải lây nhiễm phát sinh do công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; quan tâm đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn…

Phiên chất vấn vừa có tính thời sự cấp bách, vừa cơ bản và lâu dài -0

 Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Có thể nói, từ các chất vấn của đại biểu Quốc hội, nhiều vấn đề tồn tại trong xã hội đã được giải quyết; nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động chất vấn còn giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại.

“Nói cách khác, hoạt động chất vấn chính là sự cảnh báo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một vấn đề hay một thực trạng cần được lưu ý giải quyết. Chất vấn cũng là cơ hội để các “tư lệnh” ngành thực hiện trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa các chính sách được ban hành để từ đó gián tiếp tạo nên sự đồng thuận trong thực hiện chính sách, không chỉ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước mà còn từ phía các tầng lớp nhân dân trong xã hội” - Chủ  tịch Quốc hội nêu rõ.

Để Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi vào cuộc sống, ngay sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ thực hiện quyết liệt những cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của Nhân dân.

Các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở Nghị quyết về chất vấn, tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn, chủ động tổ chức các phiên giải trình thuộc lĩnh vực phụ trách tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào, cử tri và Nhân dân cả nước.

Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tích cực, chủ động hơn nữa trong việc thực hiện chức năng giám sát thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, Nhân dân, lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri; tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; động viên Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ


Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày