Thứ 6, 22/11/2024, 19:47[GMT+7]

WB tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trên chặng đường phát triển

Thứ 3, 22/03/2022 | 08:29:22
846 lượt xem
Ngày 21/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Ảnh: TRẦN HẢI

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi WB là người bạn tốt, đối tác phát triển rất quan trọng, WB đã hỗ trợ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, có nhiều tư vấn chính sách vĩ mô và gần đây đã hỗ trợ hiệu quả trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng cho biết, vượt qua năm 2021 là năm khó khăn nhất kể từ sau đổi mới, Việt Nam đã kiên trì thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và đang thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, các ngành, lĩnh vực chủ yếu đang tiếp tục xu hướng phục hồi rất tích cực, nằm trong top 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam kiên trì, kiên quyết thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả và thực chất, góp phần vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần...

WB tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trên chặng đường phát triển -0

Toàn cảnh cuộc họp.

Thủ tướng hoan nghênh WB đã có sáng kiến, hỗ trợ các quốc gia phòng chống Covid-19, đặc biệt WB đã chia sẻ với Việt Nam trong lúc khó khăn, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 6,2 triệu USD năm 2020. Trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều thay đổi với những xu hướng mới, đặc biệt là trong giai đoạn hậu Covid-19, Thủ tướng đề nghị WB quan tâm ưu tiên cho Việt Nam được tiếp tục tiếp cận các khoản viện trợ không hoàn lại, làm “mềm hóa” các khoản vay; đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ kinh nghiệm quốc tế, góp phần giúp Việt Nam điều chỉnh kịp thời chính sách phù hợp tình hình, tận dụng tốt các động lực tăng trưởng mới và bền vững; hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ nguồn lực để xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045 bảo đảm tầm chiến lược, phù hợp mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đến năm 2045 của Việt Nam.

Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều Hội nghị toàn quốc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, trong đó có các dự án sử dụng vốn WB. Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị triển khai hợp tác giữa hai bên theo hướng tôn trọng, tình cảm, tin cậy, chân thành, tập trung trọng tâm, trọng điểm cho các dự án lớn, liên vùng, mang tính động lực, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải, thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh...; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công để thu hút, dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực khác trong xã hội.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục tham vấn WB và Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển để thảo luận các giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách ODA, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc theo hướng đơn giản các thủ tục phê duyệt, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra giám sát, hài hòa hóa các thủ tục giữa các bên để triển khai các dự án bảo đảm hiệu quả, tiến độ.

Thủ tướng đánh giá cao và đề nghị WB tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, hợp tác hiệu quả với Việt Nam về vốn, công nghệ, thể chế, nhân lực, quản trị trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26 theo cách tiếp cận toàn dân, toàn cầu, bảo đảm công bằng, công lý với các nước đang phát triển. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong 30 quốc gia mà WB đã xây dựng Báo cáo Khí hậu và phát triển quốc gia, đây là công cụ hữu ích cho Chính phủ Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn đang xây dựng Chương trình hỗ trợ thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho giai đoạn từ nay đến 2030.

Thủ tướng mong muốn Văn phòng WB tại Việt Nam đóng vai trò lớn hơn, trở thành trung tâm điều phối khu vực Mekong để có thể hỗ trợ tốt hơn cho các dự án kết nối có tính chiến lược trong khu vực.

Bà Manuela.V Ferro bày tỏ ấn tượng với những thành quả phát triển của Việt Nam thời gian qua và nhất là trong phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế, chủ động, kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp tình hình. Bà cũng đánh giá cao Việt Nam có tiềm năng và lợi thế lớn, quyết tâm mạnh mẽ về phát triển kinh tế-xã hội, cùng những cam kết rất ấn tượng về ứng phó biến đổi khí hậu.

Nhất trí cao với các đề xuất của Thủ tướng, Phó Chủ tịch WB cho biết khi được bổ nhiệm vào vị trí công tác mới, bà đã quyết tâm tới Việt Nam ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Bà nhấn mạnh WB sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trên chặng đường phát triển sắp tới, sẵn sàng hỗ trợ tích cực xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045 nhằm góp phần giúp Việt Nam đạt được các chiến lược, kế hoạch, mục tiêu đề ra, đặc biệt là trong huy động các nguồn lực xã hội, phát triển hạ tầng, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, tăng cường kết nối, hội nhập quốc tế, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045; đồng thời, việc đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy các quốc gia khác trong khu vực cùng phát triển.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày