Thứ 6, 22/11/2024, 10:12[GMT+7]

Bước đổi mới mạnh mẽ, thích ứng với thực tiễn

Thứ 2, 29/08/2022 | 09:11:09
1,025 lượt xem
Trong gần một năm qua, Quốc hội khóa XV không ngừng nỗ lực đổi mới, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, chủ động từ sớm, từ xa, thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan, gần dân và sát thực tiễn hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh DUY LINH).

Dấu ấn nổi bật trong thực hiện công tác thời gian vừa qua được Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu nhấn mạnh, đó là: Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đã quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương, các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước, vừa kiểm soát phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế linh hoạt, hiệu quả.

Đạt nhiều thành tựu ấn tượng

Trên các diễn đàn nghị trường và tại các cuộc họp quan trọng vừa qua, Chủ tịch Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh: Quốc hội đã và đang nỗ lực hết sức mình, dốc tâm sức triển khai và hoàn thành kế hoạch Trung ương, Đảng đoàn đề ra, làm tốt những công việc mới phát sinh từ dòng chảy thực tiễn cuộc sống. Sự quyết đáp, năng động, sáng tạo trong tập thể lãnh đạo Quốc hội, trong các cơ quan của Quốc hội, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hơn nữa phát huy cao nhất năng lực, sở trường, trách nhiệm từng đại biểu Quốc hội chủ động đóng góp nhiều quyết sách, nội dung rất quan trọng được Quốc hội chủ động chuẩn bị “từ sớm, từ xa”.

Từng đại biểu Quốc hội đã bám sát chương trình hành động, giữ đúng lời hứa của mình trước cử tri và nhân dân. Đại biểu thường xuyên gần gũi, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, bám sát thực tiễn để chuyển tải vào chương trình nghị sự của Quốc hội; không ngừng nâng cao trình độ và năng lực mọi mặt trong hoạt động.

Thành tựu nổi bật, bước đổi mới quyết liệt mang tính sáng tạo ấy của Quốc hội nhiệm kỳ này không những được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương ghi nhận, mà đông đảo cử tri, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá rất cao.

“Điểm nhấn ấn tượng” được ghi nhận nữa là, qua mỗi kỳ họp, Quốc hội với tinh thần tiếp tục đổi mới và luôn tự hoàn thiện, lắng nghe và thấu hiểu tối đa thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Điều đó thấy rõ qua các hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ, hàng loạt vấn đề thời sự cấp bách và tầm nhìn dài hơi chiến lược được Quốc hội lựa chọn làm nội dung chất vấn.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, diễn đàn nghị trường diễn ra công khai, không khí làm việc sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm cao mà không kém phần hấp dẫn, được cử tri khắp mọi miền quan tâm theo dõi sát. Mối quan hệ gắn bó, phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với cơ quan dân cử ở địa phương lần đầu được tăng cường, đại diện thường trực hội đồng nhân dân của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự phiên giám sát tối cao và một số phiên họp quan trọng của Quốc hội.

Quốc hội đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết cụ thể, cả về những việc phải làm và thời hạn phải hoàn thành.

Yêu cầu và đòi hỏi của đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân với các thành viên Chính phủ thời gian tới có nhiều chuyển biến mạnh mẽ với từng lĩnh vực được chất vấn, đây chính là cơ sở để Quốc hội giám sát lại và xem xét lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp cuối năm giữa nhiệm kỳ.

Bám sát thực tiễn cơ sở

Nhiều dịp tham gia Đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội tại nhiều địa phương khác nhau, chúng tôi chứng kiến và cảm nhận rõ niềm tin yêu, niềm mong muốn gửi gắm tâm tư, tình cảm chuyển tải đến các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, đến Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cử tri quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. (Ảnh Duy Linh).

Có mặt từ sớm tham dự buổi tiếp xúc cử tri tại địa bàn dân cư, cử tri Vũ Đình Thắng, ở phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân (TP Hải Phòng) và nhiều cử tri chia sẻ, đề đạt với Chủ tịch Quốc hội xoay quanh công tác xây dựng pháp luật. Theo ông Vũ Đình Thắng, Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng tạo cơ sở pháp lý vững chắc, góp phần to lớn trong công cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm” tham nhũng. Ông kiến nghị Quốc hội rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật thật chặt chẽ, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu quả, đủ sức cảnh tỉnh, răn đe, ngăn ngừa vi phạm để các tập thể, cá nhân “không thể, không muốn, không dám” tham nhũng.

Vấn đề cử tri nhiều địa phương quan tâm nữa là Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, thể chế kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong bộ máy nhà nước, góp phần ngăn chặn từ sớm, từ xa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...

Nhìn lại nhiều tháng qua Quốc hội khóa XV đã hoàn thành khá toàn diện các lĩnh vực công tác, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, cho thấy từ chất lượng hoạt động, tính chuyên nghiệp, hiệu quả được nâng cao; công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, công tác điều hòa phối hợp bên trong, bên ngoài.

Dù nhiệm vụ sắp tới vẫn còn rất lớn, nhưng từ những kết quả hết sức quan trọng vừa qua cho thấy, vấn đề quan trọng nhất là cách làm, là sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và cả hệ thống chính trị, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định, “nhiệm vụ dù khó mấy chúng ta cũng làm được và đạt được sự đồng thuận cao”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cán bộ, kỹ sư Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Viết Chung).

Nội dung đổi mới quan trọng vừa qua của Quốc hội được ghi nhận, đó là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, mở rộng việc lấy ý kiến nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự luật, tiếp nhận kỹ lưỡng, nghiêm túc ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và nước ngoài ở tất cả các khâu của quy trình lập pháp, từ đó gia tăng hàm lượng “cuộc sống” và hàm lượng khoa học trong các dự thảo luật, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng các dự luật.

Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho rằng, cần tăng cường các hoạt động phản biện xã hội ngay từ khâu đề xuất xây dựng luật vì phản biện xã hội càng sớm thì các chính sách, các quy định dự kiến ban hành luật càng được xem xét kỹ lưỡng, tăng tính thuyết phục và đồng thuận.

Nhiệm vụ hết sức quan trọng tới đây hiện nay nhận được sự quan tâm của Quốc hội và toàn xã hội liên quan Luật Đất đai. Theo lịch trình, dự án luật sửa đổi, bổ sung dự kiến sẽ được trình, xem xét qua 3 kỳ họp để đến đầu năm 2024 có thể ban hành. Ủy ban Thường vụ sẽ trình với Quốc hội trong kỳ họp này quyết định đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 10 năm nay; và Nghị quyết Trung ương đặt mục tiêu hết năm 2023 phải thực hiện xong.

Các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, pháp luật và đông đảo nhân dân mong đợi sửa luật lần này giúp tạo ra những bước đột phá căn cơ, mạnh mẽ, giúp tháo gỡ nhiều điểm nghẽn lớn, nhiều nội dung còn vướng mắc, sự giao thoa giữa các chính sách pháp luật để nguồn lực đất đai được khơi thông, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Vấn đề đáng quan tâm nữa, trong xây dựng, bổ sung các nội dung mới sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày