Thứ 4, 25/12/2024, 13:06[GMT+7]

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần có trọng tâm, trọng điểm

Thứ 3, 13/12/2022 | 18:26:19
2,189 lượt xem
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải xác định rõ những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm cũng như những vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật để bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp chiều 13/12. (Ảnh: DUY LINH).

Chiều 13/12, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Làm rõ nội hàm “nhân dân” trong lấy ý kiến nhân dân

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, trên tinh thần “mọi quyết sách lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm” thì nội hàm “nhân dân” trong lấy ý kiến nhân dân được hiểu như thế nào? bao gồm những ai?

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải có cách thức lấy ý kiến phù hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, theo đó cần xác định vấn đề trọng tâm, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng bị tác động trực tiếp.

“Nếu như chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thì liệu người dân có thể thấy hết được vấn đề hay không? Hay cần có báo cáo viên nêu những vấn đề vướng mắc, những tác động có thể có, cần có gợi ý cụ thể cho người dân nắm được” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị xác định vai trò của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo, cũng như vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong quá trình lấy ý kiến nhân dân.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan của Quốc hội không thể thụ động đợi báo cáo từ phía Chính phủ hay cơ quan chủ trì soạn thảo gửi về mà cần chủ động tham gia cùng, phát huy vai trò giám sát.

Do thời gian không có nhiều, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần nghiên cứu kế thừa kinh nghiệm hoạt động lập pháp trước đây, trong đó có việc lấy ý kiến nhân dân để tổ chức hợp lý để tránh hình thức, phát huy vai trò các cơ quan, xác định rõ đầu mối tổng hợp, tiếp thu.

Xác định rõ đối tượng lấy ý kiến để có phương thức thực hiện cụ thể, hiệu quả

Góp ý kiến vào nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng cần xem xét trong quá trình xây dựng Luật đã lấy ý kiến của những đối tượng nào, để tạo điều kiện, ưu tiên những đối tượng chưa được lấy ý kiến, bảo đảm thu thập được ý kiến một cách đầy đủ, toàn diện, rộng khắp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho ý kiến về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH).

Ngoài ra, cần xác định rõ những đối tượng lấy ý kiến để có phương thức thực hiện cụ thể, hiệu quả, tránh chung chung, trong đó lưu ý đến việc lấy ý kiến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, các chuyên gia, nhà nghiên cứu…

Về hình thức lấy ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị trước khi lấy ý kiến cần tổ chức thật tốt công tác thông tin, tuyên truyền để đối tượng lấy ý kiến có nhận thức rõ ràng, hiểu biết sâu sắc về vấn đề mình cần đóng góp ý kiến.

Trong công tác tổng hợp ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục lưu ý cần phối hợp các kênh tổng hợp ý kiến của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; của Chính phủ và chính quyền các cấp; của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; sử dụng song song các kênh này và đối chiếu lẫn nhau để bảo đảm minh bạch về thông tin.

Về nội dung trọng tâm xin ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng cần lấy ý kiến đông đảo người dân đối với những vấn đề liên quan tới lợi ích của số đông; đối với những vấn đề khó, sâu về chuyên môn, cần tập trung lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, bảo đảm nội dung lấy ý kiến phù hợp với đối tượng lấy ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan, với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý, hoàn thiện đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nội dung lấy ý kiến nhân dân phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn của dự án Luật, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có thêm yêu cầu việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Về đối tượng lấy ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, đối với dự án Luật phức tạp và có phạm vi rộng như Luật Đất đai, cần xác định rõ ràng, cụ thể hơn nữa các nhóm đối tượng trọng tâm gắn với vấn đề trọng tâm của nhóm đối tượng đó, tránh lấy ý kiến dàn trải, khó tổng hợp. Trong đó, chú trọng lấy ý kiến của các nhóm đối tượng: hộ gia đình và cá nhân; doanh nghiệp và tổ chức kinh tế; các cơ quan nhà nước; chuyên gia và nhà khoa học.

Phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trình bày Tờ trình của Chính phủ. (Ảnh: DUY LINH).

Tờ trình nêu rõ, mục đích tổ chức lấy ý kiến nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Luật Đất đai; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành Luật.

Các hình thức lấy ý kiến gồm: góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các các cơ quan thông tấn báo chí; điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo Luật; và các hình thức khác phù hợp.

Về thời gian lấy ý kiến nhân dân, Chính phủ đề xuất bắt đầu từ ngày 3/1 đến hết ngày 28/2/2023. Tuy nhiên, do thời gian này trùng với dịp Tết Nguyên đán 2023, đa số ý kiến tại phiên họp đều nhất trí đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 15/3/2023 như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày