Thứ 6, 27/12/2024, 07:25[GMT+7]

Thảo luận về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ 5, 22/12/2022 | 08:17:09
1,827 lượt xem
Ngày 21/12, tiếp tục chương trình Phiên họp 18, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thảo luận nhiều nội dung quan trọng về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh Duy Linh).

Sau khi nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận về nội dung này.

Tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để hoàn thiện trình Quốc hội

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết một trong những thuận lợi của việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia là có cơ sở chính trị khi được Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra kết luận định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia; về mặt pháp lý có Luật Quy hoạch và nghị quyết về giám sát của Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ mà đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Kinh tế. Các cơ quan chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, lấy ý kiến các chuyên gia, tổ chức hội nghị, hội thảo và các ý kiến góp ý đều có giải trình, tiếp thu, báo cáo rõ.

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh Duy Linh). 

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần này, các cơ quan tiếp tục rà soát để hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị về bố cục và kết cấu, đề nghị rà soát tuân theo quy định của Luật Quy hoạch; về phạm vi ranh giới lập Quy hoạch cần bảo đảm thống nhất đồng bộ với các luật hiện hành; quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển cần thể hiện ngay và rõ.

Góp ý vào các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nêu rõ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về phát triển hệ thống nông thôn, lưu ý nghiên cứu bổ sung nội dung chủ trương phát triển mỗi xã 1 sản phẩm OCOP trong phát triển nông nghiệp; tập trung xử lý môi trường nhất là rác thải, nước thải, mục tiêu đạt 90% đạt chuẩn nông thôn mới… khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình tại phiên họp. (Ảnh Duy Linh).

Phát triển đồng bộ nhiều lĩnh vực

Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu cho ý kiến về phát triển kết cấu hạ tầng, đề nghị nhấn mạnh phát triển đồng bộ hiện đại hạ tầng kỹ thuật, thông tin, năng lượng và hạ tầng số quốc gia; xác định cụ thể khung kết cấu hạ tầng quốc gia bên cạnh đường bộ chú trọng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và đa phương thức vận tải khác; phát triển hạ tầng cho kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường; bổ sung chỉ tiêu về xanh hóa, phát triển đô thị xanh và bền vững… bên cạnh đó các mục tiêu phát triển giáo dục cần có ưu tiên cao.

Đánh giá cao khi Quy hoạch lần này chú trọng hành lang kinh tế Đông – Tây, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị lưu ý chú trọng hơn kết nối khu vực và quốc tế, có sự chọn lọc những tuyến quan trọng để ưu tiên đầu tư phát triển trước.

Về du lịch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nhấn mạnh hơn đến tạo lập trung tâm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng, chú trọng hạ tầng, môi trường, tài nguyên, sản phẩm và doanh nghiệp du lịch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp. (Ảnh Duy Linh).

Về định hướng phát triển công nghiệp, nghiên cứu bổ sung để nhấn mạnh công nghiệp hỗ trợ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; nên đặt vấn đề bố trí không gian có phương án xử lý giảm dần khu công nghiệp nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao, cần có lộ trình để thực hiện; bổ sung định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh, phát triển vùng sản xuất lớn, chuyên canh hữu cơ, bố trí không gian nông nghệp gắn với hạ tầng giao thông, gắn với phát triển tiêu thụ, xuất khẩu...

Đề cập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một nội dung hết sức quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, đối với nội dung này, Chính phủ đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của Trung ương.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau khi có ý kiến thẩm tra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu, hoàn thiện nội dung; đề nghị Chính phủ chắt lọc, cập nhật vào Tờ trình, cần làm rõ thêm nội dung về vị trí, vai trò của quy hoạch tổng thể quốc gia đối với hệ thống các quy hoạch ngành.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh Duy Linh).

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thống nhất cao với Tờ trình và hồ sơ của Chính phủ, đồng thời cho biết, đây là vấn đề mới, nội dung khó, phạm vi rộng chưa có tiền lệ, nhưng Chính phủ đã chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã nêu ra nhiều vấn đề quan trọng cần điều chỉnh, Chính phủ cần tiếp thu để hoàn thiện thêm hồ sơ gửi tới các đại biểu Quốc hội.

Về nội dung cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng trong quy hoạch biển, những vấn đề liên quan dịch vụ hàng hải, vận tải đường biển còn chưa được đậm nét, đề nghị cần đầu tư nghiên cứu để làm sâu sắc nội dung này, tận dụng tốt những lợi thế của Việt Nam để xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đội tàu, đưa giao thông đường biển phát triển xứng tầm; ngoài ra, cần chú trọng đúng mức cho giao thông đường sắt.

Chú trọng lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh Duy Linh).

Cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm thống nhất với đánh giá trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Về định hướng phát triển không gian kinh tế xã hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm đề nghị xem xét bổ sung với địa bàn phụ cận các địa phương dọc tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 18… các tỉnh như Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; bổ sung vùng động lực phát triển Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An.

Về định hướng sử dụng đất quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị ưu tiên sử dụng quỹ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; bên cạnh đó cần bổ sung bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước.

Đại biểu đề bổ sung nội dung về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thay đổi nguồn nước sông Mê Kông, xây dựng công trình phòng chống sạt lở, xâm ngập mặn, bảo vệ hệ sinh thái ngập mặn…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp. (Ảnh Duy Linh).

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cần thể hiện rõ, đầy đủ nội hàm về bản sắc văn hóa các dân tộc trong nội dung về định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; bổ sung thêm trường đào tạo y khoa là nội dung ưu tiên với các trường sư phạm - đây là 2 ngành đào tạo cần được chú trọng và có lợi thế phát triển; bổ sung các giải pháp phát triển, củng cố các trường dân tộc nội trú, nhất là ở các vùng miền núi phía Bắc.

Về điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, phần thuận lợi nên bổ sung thêm về việc vị thế quốc gia của Việt Nam trong khu vực và quốc tế ngày càng nâng cao; và đề nghị bổ sung hạn chế, yếu kém liên quan hạ tầng, cơ sở, vật chất của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

Đại biểu cũng đề nghị cần phân tích, đánh giá thêm về sức ép tới các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế… nhất là đối với những địa bàn có khu công nghiệp, đô thị với mức tăng dân số cơ học rất cao, do đó cần nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia được nghiên cứu, xây dựng rất công phu, nghiêm túc với nhiều thông tin chi tiết, cụ thể và cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục tài liệu theo quy định tại Điều 35 của Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên, cần phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện để bảo đảm sự thống nhất về nội dung và số liệu đưa ra giữa Tờ trình, dự thảo Nghị quyết, Báo cáo tóm tắt, Báo cáo tổng hợp, hệ thống bản đồ, sơ đồ và các tài liệu kèm theo.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.


Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày