Chủ nhật, 24/11/2024, 03:07[GMT+7]

Mốc son vàng của cách mạng Việt Nam

Thứ 6, 27/01/2023 | 07:12:12
674 lượt xem
Cách đây 50 năm, vào ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết, đánh dấu một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta và nền ngoại giao Việt Nam.

Quang cảnh lễ ký kết chính thức Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, ở Paris, Pháp. (Ảnh tư liệu: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao).

Hiệp định Paris là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện và đầy đủ nhất ghi nhận các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam, là sự công nhận chính thức của thế giới đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Chiến thắng vĩ đại này là sự kết tinh của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc ta trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao.

Hiệp định Paris mang ý nghĩa chiến lược, tạo nên cục diện mới để quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở Việt Nam.

Không chỉ là thắng lợi của dân tộc Việt Nam, Hiệp định Paris cũng là thắng lợi chung của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, giúp củng cố niềm tin của các dân tộc bị áp bức vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa, vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý. Thắng lợi của Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào và Campuchia; góp phần mở ra một giai đoạn mới ở khu vực Đông Nam Á - giai đoạn hòa bình, ổn định, khép lại quá khứ, hướng đến xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Gần 5 năm kiên cường đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao để đi đến thắng lợi là việc ký kết Hiệp định Paris đã để lại nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa to lớn trong tình hình hiện nay. Đó là bài học về sự kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; bài học về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; bài học về chủ động, tích cực xây dựng lực lượng ngoại giao, trong đó cán bộ là khâu then chốt.

Và trên hết, đó là bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng.

Những bài học từ Hội nghị Paris - chặng đường hào hùng trong lịch sử dân tộc ta, là hành trang quý giá để Việt Nam vững bước tiến vào giai đoạn hội nhập quốc tế, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, qua đó giúp củng cố, nâng tầm thế và lực của đất nước. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta về công tác đối ngoại, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào về đối ngoại, ngoại giao.

Từ thế bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Chúng ta đã tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế-xã hội. Trong những năm qua, đối ngoại luôn đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới cũng ngày càng được nâng cao, góp phần giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. Những kết quả và thành tích nêu trên góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới. Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, chính trị-xã hội ổn định, nền kinh tế phát triển năng động, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Paris được ký kết nhưng những bài học quý báu từ giai đoạn lịch sử vẻ vang đó mãi mãi còn nguyên giá trị, trở thành triết lý, quan điểm xuyên suốt trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Chúng ta luôn tin tưởng vững chắc rằng, kế thừa và phát huy tinh thần, kết quả của Hội nghị Paris, công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày nay sẽ tiếp tục giành được những thành tựu mới to lớn, toàn diện hơn, vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày