Chủ nhật, 24/11/2024, 08:31[GMT+7]

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Thứ 4, 22/02/2023 | 07:35:30
1,163 lượt xem
Tọa đàm “Thực trạng và nhận thức mới về công tác tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay” nhằm phát huy trí tuệ, sự đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá thực trạng công tác tuyên giáo, định hướng nội dung, phương thức công tác... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo thời gian tới.

Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Tọa đàm.

Ngày 21/2/2023, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Tọa đàm “Thực trạng và nhận thức mới về công tác tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay”. Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đồng chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh, 93 năm qua (1930 - 2023) là một chặng đường lịch sử hào hùng, vẻ vang của Ngành Tuyên giáo, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ngành Tuyên giáo đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Tuy nhiên, công tác tuyên giáo còn có hạn chế, bất cập. Tầm nhìn, khả năng dự báo trong một số vấn đề chưa cao, chưa sáng tạo; công tác nắm bắt dư luận xã hội trước một số sự kiện, tình huống chưa kịp thời; công tác đấu tranh, phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi chưa hiệu quả, thiếu sắc bén. Sự phối hợp giữa các cơ quan bên trong hệ thống tuyên giáo và với các cơ quan bên ngoài có lúc, có nơi chưa thực chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; cơ cấu tổ chức bộ máy còn bất cập; lực lượng làm công tác tuyên giáo còn mỏng, trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ làm công tác tuyên giáo chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; việc đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin và những thành tựu của khoa học công nghệ vào việc thực hiện các nhiệm vụ tuyên giáo còn nhiều khó khăn… Điều đó dẫn đến công tác tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao.

“Do đó, việc nghiên cứu đánh giá đúng, trúng thực trạng công tác tuyên giáo hiện nay để làm rõ được những mặt mạnh, ưu điểm để rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời tìm ra những hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân để khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo trong thời gian tới là rất cần thiết” – Đồng chí Lại Xuân Môn bày tỏ.

Đồng chí Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Theo đồng chí Lại Xuân Môn, trong quá trình lãnh đạo, nhận thức, tư duy của Đảng về công tác tuyên giáo không ngừng được phát triển, đổi mới, nhằm đáp ứng với tình hình, yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn qua từng thời kỳ cách mạng. Hiện nay, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó đoán định, đan xen những thời cơ, thuận lợi và thách thức, đặt ra nhiều vấn đề mới cho công tác tuyên giáo đòi hỏi cần phải bám sát và phân tích sâu sắc thực tiễn để tìm lời giải sáng rõ về lý luận cho những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra như: Yêu cầu bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng với việc tiếp thu tri thức, tinh hoa văn hóa của nhân loại; giữa bảo đảm tính kiên định, tính nguyên tắc, tính chiến đấu với xu thế dân chủ hóa, cá thể hóa; giữa đảm bảo tính hiệu quả, tính thuyết phục của công tác tuyên giáo với yêu cầu giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tiếp thu góp ý, phản biện có tính xây dựng; giữa ứng dụng các thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với phương thức hoạt động truyền thống của các lực lượng, loại hình, các binh chủng làm công tác tuyên giáo; yêu cầu kết hợp hài hòa các trang thiết bị hiện đại với trang thiết bị hiện có để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo.

Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã có nhiều kiến giải quan trọng trong việc khẳng định vai trò, vị trí của Ban Tuyên giáo trong thời kỳ mới. 

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nắm chắc, dự báo đúng, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội. Chú trọng định hướng, nắm bắt dư luận xã hội…”. Do vậy, cần phải chủ động nghiên cứu, định hình công tác tuyên giáo về nội dung, về phương thức để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Mục đích của việc tổ chức Tọa đàm lần này nhằm phát huy trí tuệ, sự đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá thực trạng công tác tuyên giáo, định hướng nội dung, phương thức công tác trong giai đoạn hiện nay, tạo cơ sở quan trọng để xây dựng định hướng chiến lược công tác tuyên giáo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo thời gian tới.

Tọa đàm đã nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học với các bài tham luận có chất lượng, tâm huyết. Trong số các tác giả đã gửi bài tham luận, có các đồng chí là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương qua các thời kỳ, lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương, lãnh đạo Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các Vụ, đơn vị trực thuộc Ban; lãnh đạo Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương.

Tọa đàm “Thực trạng và nhận thức mới về công tác tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay”.


Tại Tọa đàm, các nhà khoa học, các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung chủ yếu sau: Một là, tập trung vào phân tích thực trạng, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của công tác tuyên giáo trên các lĩnh vực: Tuyên truyền, lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thông tin đối ngoại, dư luận xã hội, khoa giáo; trong đó, tập trung vào những kết quả đạt được, những kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm sáng tạo của công tác tuyên giáo trên các mặt, các lĩnh vực; cũng như lắng nghe kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương.

Hai là, làm rõ những yêu cầu đặt ra, những yêu cầu mới đòi hỏi phải đổi mới về nội dung, phương thức của công tác tuyên giáo trong tình hình hiện nay.

Ba là, đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả để ngành Tuyên giáo tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu sẽ được Ban Tổ chức tập hợp, là cơ sở xây dựng và đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới./.

Theo: dangcongsan.vn

 

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày