Thứ 2, 25/11/2024, 03:27[GMT+7]

Tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững

Thứ 2, 17/04/2023 | 09:27:31
1,381 lượt xem
Ngày 16/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội Thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến khai mạc cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: THANH GIANG).

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của cả nước; nhấn mạnh sự cần thiết việc đánh giá tình hình kinh tế-xã hội chung của quý I để tìm giải pháp nhiệm vụ sát với nhiệm vụ của Thành phố, trên cơ sở đó chúng ta thực hiện để khắc phục được hậu quả đại dịch Covid-19 sau hơn 2 năm. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tiến vào hội trường. 

Thủ tướng nêu rõ, kinh tế thế giới trên đà suy giảm, nhiều nước đang thực hiện chính sách chống lạm phát, thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ; đồng USD đang tăng giá, những điều này làm ảnh hưởng Việt Nam, dẫn đến suy giảm thị trường xuất khẩu, đòi hỏi chúng ta phải xử lý các vấn đề liên quan giữa tỷ giá với lãi suất.

Theo Thủ tướng, các vấn đề nội tại của nền kinh tế đã bộc lộ những điểm yếu, khó khăn, vướng mắc, và sau đại dịch Covid-19, những điểm này càng bộc lộ rõ hơn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, làm giá nguyên liệu đầu vào như xăng dầu đang tăng lên, tác động giá đầu vào phục vụ sản xuất. Trung Quốc sau thời gian dài thực hiện chính sách Zero Covid thì bắt đầu mở cửa, tạo áp lực cạnh tranh với Việt Nam rất lớn về thị trường, chuỗi cung ứng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay các đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh tham dự cuộc làm việc. 

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phải phân tích kỹ, thấy rõ tác động để xử lý các vấn đề khách quan, chủ quan đối với đất nước nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Từ đó, đòi hỏi chúng ta phải đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, kịp thời, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả.

Vừa qua, sau 3 tháng, Chính phủ đã ban hành một số chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất, kinh doanh. Do đó, cần đánh giá những chủ trương, chính sách này đi vào thực tế cuộc sống ở Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào trong việc tháo gỡ những nút thắt, vướng mắc pháp lý trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Đặc biệt, cần đánh giá mức độ tác động của Nghị quyết 30, Nghị định 07 trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, vì qua làm việc thực tế ở Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2) hôm qua, Thủ tướng cho rằng vẫn còn những điểm vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng các đại biểu tham dự cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: THANH GIANG).

Thủ tướng cũng đặt vấn đề cần đánh giá và rút kinh nghiệm việc phối hợp giữa Thành phố với Chính phủ, với các bộ, ngành; đề xuất các giải pháp điều chỉnh gì để làm tốt hơn trong thời gian tới; nhấn mạnh phải cùng nhau suy ngẫm tìm giải pháp tốt nhất, cùng Thành phố Hồ Chí Minh làm tốt hơn nữa vì Thành phố là đầu tàu, động lực tăng trưởng của nền kinh tế đất nước, đóng góp thu ngân sách, kể cả những tác động hữu hình và vô hình có sức lan tỏa lớn; nếu Thành phố Hồ Chí Minh phát triển tốt thì cả nước phát triển tốt, nếu Thành phố khó khăn thì cả nước khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc. (Ảnh: THANH GIANG).

Phải cùng nhau suy ngẫm tìm giải pháp tốt nhất, cùng Thành phố Hồ Chí Minh làm tốt hơn nữa vì Thành phố là đầu tàu, động lực tăng trưởng của nền kinh tế đất nước, đóng góp thu ngân sách, kể cả những tác động hữu hình và vô hình có sức lan tỏa lớn; nếu Thành phố Hồ Chí Minh phát triển tốt thì cả nước phát triển tốt, nếu Thành phố khó khăn thì cả nước khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

 

Thủ tướng nêu rõ, yêu cầu công việc thì cao, do đó các đại biểu cần phải suy nghĩ phát biểu thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề; quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đến đâu thì giải quyết đến đó với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thủ tướng yêu cầu việc phối hợp phải hết sức chặt chẽ, nhịp nhàng, cộng đồng trách nhiệm, bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

* Theo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trong quý I/2023, GRDP của Thành phố ước tăng 0,7% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,7% (cùng kỳ giảm 4,8%); doanh thu du lịch tăng 77,2% so cùng kỳ.

Thành phố thu hút được gần 498 triệu USD vốn FDI, tăng 22,4% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,08%; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 124.796 nghìn tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm; tổ chức thành công đấu thầu tập trung thuốc với giá trị 1.481 tỷ đồng; các bệnh viện trực thuộc đã tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc bổ sung, bảo đảm hầu hết nhu cầu cho công tác điều trị.

Quang cảnh buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: THANH GIANG).

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sụt giảm; tốc độ tăng trưởng chậm dần, dẫn đến vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước có phần giảm sút; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập; quy hoạch, quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện…

Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan; trong đó, những động lực tăng trưởng, phát triển của Thành phố vốn đã suy giảm từ nhiều năm qua, lại bị thử thách, bào mòn rất lớn sau đại dịch Covid-19 và đợt suy giảm kinh tế vừa qua; trong khi đó, những vướng mắc cũ, những phát sinh trong đại dịch Covid-19 và gần đây chưa được giải quyết cơ bản và những động lực, không gian phát triển mới chưa được phát huy.

Qua đánh giá tình hình, trước mắt, Thành phố chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, mà tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt từ 7,5%. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tăng cường sự lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và theo tình hình, yêu cầu thực tế hiện nay, tạo sự đoàn kết, thống nhất hành động quyết liệt hơn nữa trong hệ thống chính trị…

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến, phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan, kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để Thành phố Hồ Chí Minh lấy lại đà tăng trưởng, vươn lên phát triển đột phá, nhanh và bền vững, xứng tầm là đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng của cả nước.

Tại cuộc làm việc, về tháo gỡ khó khăn thủ tục liên quan quy định về phòng cháy, chữa cháy, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong tuần tới phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan họp xử lý vấn đề này.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm có trọng tâm, trọng điểm vì những hậu quả cháy quán karaoke vừa qua là bài học đắt giá, do đó phải làm cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các quy định phòng cháy, chữa cháy. Thủ tướng cũng lưu ý, khi thực hiện phải có giai đoạn chuyển tiếp, chuyển đổi trạng thái có lộ trình, không đột ngột, không “giật cục”.

Liên quan vấn đề đăng kiểm, Thủ tướng yêu cầu Thường trực Chính phủ phải chủ trì, giải quyết dứt điểm, nếu ai không làm thì khoanh lại, giải quyết vấn đề cán bộ sau theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công việc phải xử lý ngay, không chờ đợi.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm, giải quyết vấn đề cốt lõi, tập trung giải pháp xúc tiến thương mại theo các chương trình của Bộ Công thương. Thành phố cần phân tích, đánh giá khai thác các thị trường tiềm năng, nhất là thị trường Trung Quốc; thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ chiếm 64% cơ cấu GDP của Thành phố; tập trung rà soát tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc của thị trường bất động sản bởi ngành xây dựng của Thành phố đang suy giảm. Theo đánh giá, khó khăn của thị trường bất động sản thì vướng mắc pháp lý chiếm tới 70%. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công. Những giải pháp này nếu thực hiện tốt sẽ nâng tổng cầu, thúc đẩy đầu tư.

Thống đốc cho biết, cung ứng tín dụng. Hết tháng 3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,6%, tuy nhiên, ở Thành phố, tín dụng có 1,25%, tín dụng bất động sản tăng chỉ có 0,71%, do đó tăng trưởng tín dụng ở Thành phố là đi ngược so bức tranh của nền kinh tế.

Thống đốc đặt vấn đề, chính sách thì như nhau, nhưng tại sao tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của Thành phố lại thấp. Hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá dồi dào, các kênh của Ngân hàng Nhà nước cũng đang cung tiền ra, vấn đề là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp và người dân. Vấn đề là do nhu cầu thị trường giảm nên doanh nghiệp không phát triển sản xuất, để giải quyết được điều này cần phải thúc đẩy xúc tiến thương mại, tất nhiên còn phụ thuộc vào chính sách của các nước. Có những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng không được vay có thể do họ không đáp ứng tiêu chí cho vay. Về phía Ngân hàng Nhà nước cố gắng điều tiết thanh khoản hỗ trợ tăng trưởng tín dụng…

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Thành phố tập trung một số nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế: làm tốt công tác truyền thông; tập trung triển khai các chương trình dự án phục hồi phát triển kinh tế nhờ hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh; thực hiện các chương trình: phục hồi và phát triển, kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, thúc đẩy thương mại điện tử và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký.

Thủ tướng yêu cầu Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ lập và trình các quy hoạch; tập trung nguồn lực giải quyết các ách tắc về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và logistics; tận dụng các cơ chế đặc thù theo chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thành phố cần đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất ban hành hoặc ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ, khả thi; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp và điều chỉnh phân công không gian công nghệ theo hướng gắn đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thật sự trở thành động lực phát triển chính; phát huy vai trò là trung tâm đầu mối tạo dựng các chuỗi liên kết cho phát triển công nghiệp; tập trung củng cố phát huy phát triển vai trò là trung tâm tiêu dùng của cả nước; phát triển 2 động lực tăng trưởng mới là thương mại điện tử và kinh tế đêm.

Thủ tướng yêu cầu Thành phố cần tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; tiếp tục đẩy mạnh đi đầu trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh để huy động được nhiều hơn vốn đầu tư…

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, trong khó khăn chung của ngành xây dựng cả nước, ảnh hưởng sự tăng trưởng chung của Thành phố. Trên địa bàn Thành phố, các doanh nghiệp của ngành xây dựng quý I vừa qua chỉ đạt 10% kế hoạch sản xuất, kinh doanh, trong khi cùng kỳ đạt trên 17%. Khó khăn nhất là các doanh nghiệp bất động sản, kéo theo các doanh nghiệp tư vấn, xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng khó khăn.

Bộ trưởng đề nghị Thành phố cần quan tâm: về công tác quy hoạch, hiện quy hoạch chung của thành phố Thủ Đức, hồ sơ chuẩn chuẩn bị cơ bản đáp ứng, cần sớm trình Bộ Xây dựng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thành phố cần quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, nhất là dành diện tích cho giao thông tĩnh; tăng cường xử lý nước thải; Thành phố đã triển khai tích cực phát triển nhà ở, triển khai 29 dự án cải tạo chung cư cũ, việc triển khai nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp còn chậm, nhiều khó khăn, vướng mắc. Thời gian tới, Tổ công tác do Bộ chủ trì cùng với Thành phố phối hợp chặt chẽ tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc. Về dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên đạt 95% khối lượng, còn nhiều việc phải làm, nhất là nghiệm thu…

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cuộc làm này hết sức kịp thời, ý nghĩa với vai trò Thành phố là đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng của đất nước.

Bộ trưởng cho rằng, đà tăng trưởng của Thành phố giảm liên tục trong 3 năm liên tục vừa qua; tổng GRDP quý I của Thành phố so các địa phương cũng giảm liên tục. Theo Bộ trưởng, đang có vấn đề lớn là tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ đợi hướng dẫn, chưa chủ động. Có tới 584 văn bản của Thành phố hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ phải trả lời tới 604 văn bản, mà hầu hết vấn đề hỏi đều thuộc thẩm quyền của Thành phố. Sự phối hợp giữa các sở ban ngành chưa chặt chẽ; sự phối hợp giữa các bộ, ngành cũng chưa chặt chẽ.

Ngoài vấn đề khách quan thì vấn đề lớn nhất là niềm tin của thị trường, tâm lý xã hội; tâm lý e dè, ngại trách nhiệm… Góp ý cho Thành phố, Bộ trưởng nêu rõ, mục tiêu tăng trưởng của cả năm là 7,58%, nếu muốn giữ được kịch bản này thì Thành phố phải xây dựng kịch bản chi tiết, để theo dõi, chỉ đạo, điều hành; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường bất động sản, dịch vụ, vui chơi giải trí; khẩn trương lập quy hoạch…

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả đối với Thành phố; cảm ơn Thành phố luôn cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tìm ra giải pháp tốt có thể, từ Thành phố Hồ Chí Minh vận dụng cho cả nước.

Thủ tướng khẳng định vai trò, vị trí, đầu tàu, cực tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực; nhấn mạnh về tiềm năng, lợi thế của Thành phố, Thủ tướng nêu rõ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp lớn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

Đề cập nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, do đó phải vượt qua thách thức, tháo gỡ khó khăn bằng các cơ chế, chính sách, công cụ, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, nhân dân, doanh nghiệp, tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp tham gia giải quyết khó khăn. Thủ tướng đặc biệt yêu cầu phải kiên trì, kiên định, cương quyết thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, các cân đối lớn, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Về các giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình trong nước, ngoài nước, của Thành phố, bình tĩnh, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, không bi quan; triển khai quyết liệt, đồng bộ các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ gần đây.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo nhiều sản phẩm, đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, bất động sản, từng dự án; tháo gỡ vướng mắc về quy định phòng cháy, chữa cháy đúng tình hình, sát thực tế, khả thi; tập trung làm tốt giao đất, định giá đất; đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; kích cầu đầu tư, thực hiện tốt Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tập trung chỉ đạo cho 3 động lực tăng trưởng: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Về xuất khẩu, Bộ Công thương cùng Thành phố cơ cấu lại thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, chuỗi cung ứng. Về đầu tư, phải đẩy mạnh đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, thu hút mọi nguồn vốn ngoài nhà nước; phải giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài; trước mắt là tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cải cách thủ tục hành chính; tích cực chuyển đổi số.

Các bộ, ngành cùng Thành phố rút kinh nghiệm những việc đã làm, xây dựng cơ chế, chính sách; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc; động viên, khuyến khích người dám nói, dám nghĩ, dám làm; xử lý dứt điểm những tồn đọng liên quan công tác cán bộ, sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp; coi trọng công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, khẩn trương hoàn thành quy hoạch Thành phố trong năm nay; xây dựng các giải pháp để thúc đẩy hấp thụ vốn, tiếp cận vốn, giãn nợ, khoanh nợ, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí. Chính phủ đã và đang ban hành các cơ chế, chính sách, Thành phố phải tổ chức thực hiện tốt, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần tăng trưởng ở 2 khía cạnh tiêu dùng, sản xuất.

Giải quyết cụ thể các dự án về bất động sản, tập trung vào một số dự án cụ thể của các doanh nghiệp, linh hoạt, tháo gỡ nhanh; tập trung xây dựng nhà ở xã hội, làm tốt công tác giao đất; ngân hàng có trách nhiệm thẩm định, Bộ Xây dựng đưa ra tiêu chí, chính quyền địa phương phải vào cuộc; quy hoạch đất cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra thì phải giải quyết nhanh theo thẩm quyền với tinh thần không phải là hợp thức hoá cái sai mà phải có cơ chế, chính sách, nếu vượt ra ngoài luật thì phải xin ý kiến Bộ Chính trị. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính cùng Thành phố tập trung giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án giao thông trọng điểm; tổ chức tốt khâu đền bù, tái định cư; tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chỉ số PCI, PAPI.

Thành phố cũng cần tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện niềm tin, tâm lý xã hội bằng các giải pháp cụ thể, văn bản pháp lý cụ thể, công tác tuyên truyền, hành động cụ thể, hiệu quả; đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp để tạo đồng thuận xã hội.

Thành phố cần rà soát lại công tác cán bộ, điều chuyển, xử lý, tránh 2 khuynh hướng sợ không dám làm hoặc tham nhũng, tiêu cực; thành lập ngay tổ công tác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố giải quyết các khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho Thành phố Hồ Chí Minh; kết hợp trực tuyến và trực tiếp với tinh thần “Cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước”, tất cả vì nhiệm vụ chung.

Về xử lý các kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng cho biết, Thành phố đã có 29 kiến nghị, trong đó 24 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền các bộ, ngành.

Trên tinh thần này, Thủ tướng cho ý kiến cụ thể về các kiến nghị, đề xuất như: thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của Thành phố; Đề án ban hành Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14; về đầu tư 3 bệnh viện cửa ngõ từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 (tổng nhu cầu là 4.500 tỷ đồng); về kiến nghị giao Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan tổ chức điều phối thực hiện các dự án trên toàn tuyến và rà soát, điều chỉnh hướng tuyến Đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương có Quỹ nhà, đất trên địa bàn Thành phố chủ động phối hợp với Thành phố rà soát, sắp xếp, sử dụng hiệu quả theo đúng quy hoạch và cho phép Thành phố xây dựng Đề án xây nhà ở xã hội.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày