Bộ trưởng Ngoại giao: Chuyến công tác của Thủ tướng thành công tốt đẹp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
TTXVN trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.
Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra tại Hiroshima từ ngày 20-21/5/2023 dưới sự chủ trì của Nhật Bản đã thành công tốt đẹp.
Với 3 phiên họp “Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng,” "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững” và “Hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng,” các nhà lãnh đạo đã trao đổi, đánh giá và đưa ra những giải pháp giải quyết các thách thức toàn cầu, nhất là phục hồi kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế, bình đẳng giới, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.
Thứ nhất, Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng đã thông qua Tuyên bố hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu, đề ra các nhóm giải pháp ứng phó với khủng hoảng lương thực trước mắt, nâng cao tính tự cường nhằm ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai và bảo đảm dinh dưỡng cho mọi người dân.
Đây là kết quả đáng chú ý, thể hiện nỗ lực dẫn dắt của Nhật Bản cũng như quyết tâm của các nước G7 và khách mời trong việc giải quyết vấn đề cấp bách, cơ bản tác động đến nhiều mặt cuộc sống của người dân.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo nhất trí cần tạo các động lực mới nhằm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Hội nghị hoan nghênh Sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7 (PGII) và Sáng kiến Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) của Nhật Bản; nhất trí đẩy mạnh các sáng kiến huy động nguồn tài chính cho phát triển, thúc đẩy hợp tác công-tư trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận "Hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng".
Thứ ba, về các vấn đề hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới, các nhà lãnh đạo nhất trí, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân.
Các nước nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết kết quả tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này của đoàn Việt Nam?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản đã thành công tốt đẹp cả trên phương diện đa phương và song phương.
Trong chưa đầy 3 ngày, Thủ tướng đã chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động, gồm các phiên họp của hội nghị, các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản, các giới, doanh nghiệp, bạn bè Nhật Bản và các cuộc trao đổi, gặp gỡ với lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế.
Thứ nhất, về đa phương, chúng ta đã đóng góp những cách tiếp cận và giải pháp quan trọng từ góc độ một nước đang phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.
Tại các phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nhiều thông điệp quan trọng: (i) Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn, đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương là chìa khóa để giải quyết các thách thức chưa có tiền lệ như hiện nay; (ii) Phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, bảo đảm cân bằng, hợp lý theo điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước; (iii) Tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và thực hiện bằng cam kết cụ thể.
Thủ tướng cũng đưa ra nhiều đề xuất thiết thực, phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác trong giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực.
Những ý tưởng và đề xuất của Thủ tướng Chính phủ được lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, góp phần xây dựng cách tiếp cận cân bằng, tổng thể nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.
Sự tham gia thực chất, trách nhiệm của Việt Nam cũng đã đóng góp quan trọng vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với quan tâm, lợi ích của các nước đang phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên thảo luận Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7.
Thứ hai, về song phương, chuyến công tác với nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, thực chất với lãnh đạo và các giới của Nhật Bản và lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đã góp phần tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với các đối tác.
Với Nhật Bản, các cuộc hội đàm, trao đổi của Thủ tướng với Thủ tướng Nhật Bản, lãnh đạo tỉnh Hiroshima và đông đảo các giới của Nhật Bản đã góp phần nâng cao hơn nữa tin cậy chính trị, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản. Kết quả này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có các hàng chục cuộc tiếp xúc song phương trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chân thành với tất cả các nhà lãnh đạo G7, các nước khách mời, các tổ chức quốc tế để trao đổi các biện pháp cụ thể, thực chất thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường phối hợp trong các vấn đề cùng quan tâm.
Trong trao đổi, các đối tác đều đề cao vai trò, vị thế của Việt Nam và bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trọng tâm là hợp tác kinh tế-thương mại, giải quyết các vấn đề đang nổi lên như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.
Tại hội nghị và các cuộc tiếp xúc song phương, lãnh đạo các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; thực hiện đầy đủ DOC, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất.
Tựu trung lại, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản đã thành công tốt đẹp, qua đó, tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, để lại dấu ấn sâu đậm về vai trò, đóng góp và uy tín quốc tế của Việt Nam, khẳng định một hình ảnh Việt Nam có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề toàn cầu.
Phóng viên: Xin Bộ trưởng chia sẻ về những kết quả cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Thủ tướng Chính phủ đã có 13 cuộc làm việc, bao gồm hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, tiếp Thống đốc, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Hiroshima, các nghị sĩ Quốc hội có khu vực bầu cử tại Hiroshima, các hội hữu nghị với Việt Nam, lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn lớn của Nhật Bản, dự và phát biểu tại Tọa đàm Kinh doanh Việt-Nhật; gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Trong không khí trao đổi chân thành, thân tình và tin cậy, các cuộc gặp đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Một là, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nỗ lực đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á lên tầm cao mới, đặc biệt trong năm 2023 - dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.
Hai là, hai bên đạt một số kết quả thực chất trong lĩnh vực hợp tác viện trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư với việc ký kết 3 văn kiện hợp tác ODA trị giá 61 tỷ yen (khoảng 500 triệu USD) cho các dự án Chương trình ODA thế hệ mới cho phục hồi và phát triển kinh-xã hội hậu Covid-19, dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương, dự án cải thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.
Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí thúc đẩy khả năng Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam.
Về hợp tác đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản thể hiện mong muốn tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, xử lý nước thải…
Có thể nói, hợp tác ODA thế hệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại sẽ là những định hướng trọng tâm của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trong giai đoạn mới.
Ba là, hai nhà lãnh đạo đã đạt nhận thức chung về việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng...
Bốn là, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương, giáo dục-đào tạo, du lịch với hình thức phong phú, chất lượng, hiệu quả cao. Hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho cộng đồng gần 500.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc thuận lợi tại Nhật Bản, tiếp tục là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Năm là, nhất trí tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm và tại các diễn đàn như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), Mekong… và vấn đề Biển Đông.
Có thể nói, kết quả làm việc tại Nhật Bản đã tiếp tục góp phần phát triển bền vững với quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trên nền tảng tin cậy cao về chính trị, thực chất về kinh tế và phong phú về giao lưu văn hóa nhân dân và xã hội, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng