Thứ 2, 29/07/2024, 01:31[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 15, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII Thảo luận ba dự án luật

Thứ 6, 07/06/2013 | 16:32:36
804 lượt xem
Ngày 6-6, kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 15. Buổi sáng, QH nghe Ủy ban Thường vụ QH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ, góp ý kiến vào dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và dự án Luật Ðấu thầu (sửa đổi).

Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) phát biểu ý kiến.

Quy định rõ trách nhiệm trong việc dự báo sai

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, phần nhiều ý kiến phát biểu đề nghị lấy tên luật là Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT), vì như vậy sẽ ngắn gọn, đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động PCTT, thể hiện thái độ chủ động trong PCTT. Ðồng thời, tên gọi này phản ánh và khái quát được những nét chung nhất về bản chất, nội hàm và mục đích của việc ban hành luật. Hơn nữa, khái niệm "phòng, chống thiên tai" là khái niệm đã quen dùng trong đời sống (phòng, chống lụt, bão; phòng, chống hạn hán; phòng, chống rét...) và cũng đã được sử dụng trong nhiều văn kiện của Ðảng, văn bản pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu Triệu Là Phan (Hà Giang) cho rằng, nên lấy tên là Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai như dự thảo, bởi khi thiên tai đã xảy ra thì không phòng được mà chủ yếu là tránh và khắc phục hậu quả.

Về tài chính cho hoạt động PCTT, phần lớn ý kiến nhất trí cho rằng, đầu tư cho PCTT là đầu tư cho phát triển và cần khẳng định ngân sách nhà nước là chủ đạo trong cơ cấu nguồn lực tài chính cho PCTT. Các đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình), Lê Ðắc Long (Bình Thuận) đề nghị, cần quy định rõ về nguồn ngân sách nhà nước chi hằng năm cho PCTT và việc phân bổ nguồn ngân sách cho hoạt động này từ Trung ương đến địa phương. Về Quỹ Phòng, chống thiên tai (Ðiều 10), các đại biểu Lê Văn Hoàng (Ðà Nẵng), Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình), Ðoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác cho rằng, nguồn thu cho quỹ nên là nguồn thu tự nguyện từ nhân dân và không mang tính bắt buộc, nhằm giảm sự đóng góp của nhân dân.

Ðề cập nguồn nhân lực và vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) trong  PCTT (Ðiều 6), nhiều ý kiến tán thành như dự thảo quy định LLVTND có vai trò nòng cốt trong PCTT. Ðồng thời, có ý kiến đề nghị bổ sung vai trò của các tổ chức xã hội như Hội Chữ thập đỏ, Ðoàn Thanh niên, lực lượng giáo viên, sinh viên, học sinh, thanh niên, lực lượng dự bị động viên trên địa bàn xảy ra thiên tai trong PCTT.

Về ứng phó thiên tai, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan dự báo, cảnh báo, khi cảnh báo sai gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân; bổ sung trách nhiệm trong công tác truyền tin dự báo, cảnh báo thiên tai cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Ðại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Ðịnh) đề nghị, QH cần xem xét cân nhắc không nên đưa nội dung PCTT vào các cấp học, dễ gây quá tải, chỉ nên lồng ghép vào các nội dung học khác. Ðại biểu Lê Văn Hoàng (Ðà Nẵng) cho rằng, các quy định về bảo hiểm PCTT còn chung chung, cần quy định cụ thể hơn, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia loại hình bảo hiểm mới này.

Xây dựng chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng lãng phí

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), phần lớn ý kiến tán thành sự cần thiết sửa đổi luật này, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và khắc phục những hạn chế của luật hiện hành. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện nhiều năm qua với những chương trình hành động cụ thể, nhưng hiệu quả mang lại rất hạn chế. Nguyên nhân một phần do thiếu sự kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Ðại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng, dự án luật đưa ra nhiều tuyên ngôn về chống lãng phí, nhưng không có chế tài cụ thể. Bên cạnh đó, dự án luật mới chỉ đề cập công tác chống lãng phí đối với nguồn ngân sách nhà nước, tài chính công mà chưa đề cập cụ thể công tác chống lãng phí ở các doanh nghiệp và người dân. Trong khi đây cũng là nguồn lực lớn và quan trọng trong quá trình phát triển. Cùng chung quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) cho rằng, dự án luật cần đưa ra các hình thức khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia tích cực hơn nữa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí và có chế tài xử lý thích hợp đối với tình trạng lãng phí hiện nay trong doanh nghiệp và người dân.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Ðà Nẵng), hiện nay vai trò kiểm tra, giám sát đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn mang tính hình thức, thậm chí nhiều hiện tượng lãng phí bị hợp thức hóa. Trước đây, chúng ta đã đưa ra quy định cấm các cơ quan nhà nước tiếp khách bằng rượu ngoại, nhưng thực tế điều này vẫn xảy ra ở nhiều nơi và đều được hợp thức hóa khi thanh toán bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện nay bị khai thác quá mức và gây lãng phí, nhưng chưa có biện pháp xử lý  hiệu quả. Nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân lãng phí do chúng ta chưa có cơ chế xử lý những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra. Thực tế thời gian qua, nhiều chương trình phát triển kinh tế như xây dựng các nhà máy đường, sân bay, cảng biển, các dự án xi-măng thiếu hiệu quả và gây lãng phí nhưng chưa có ai chịu trách nhiệm về vấn đề này. Khi sự việc xảy ra, lỗi thường được cho là do cơ chế, do chính sách thiếu đồng bộ, v.v. Vì vậy, cần đưa ra chế tài cụ thể để xử lý mới có thể giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí hiện nay.

Kiểm soát chất lượng công trình ngay từ khâu lập dự toán

Thảo luận về dự án Luật Ðấu thầu (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay tình trạng tham nhũng thông qua đấu thầu các dự án có xu hướng tăng, nhưng việc phát hiện, xử lý đạt hiệu quả thấp. Nguyên nhân do chúng ta thiếu cơ chế giám sát, phát hiện cũng như thiếu chế tài xử lý đối với các hành vi nói trên. Một số ý kiến cho rằng, tình trạng "lại quả", chi phần trăm tại các dự án thông qua đấu thầu dường như diễn ra một cách công khai, nhưng mọi người đều coi đó là chuyện bình thường. Ðiều này làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng của các dự án và gây thất thoát lượng tiền khá lớn của Nhà nước, của xã hội. Do vậy, cần có cơ chế để kiểm soát và xử lý tình trạng này hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công trình và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Theo đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ), hiện nay tiêu chí chọn nhà thầu chủ yếu là chọn nhà thầu có giá thấp nhất. Ðây là điều kiện cần nhưng chưa đủ, vì thực tế có nhiều công trình không đạt chất lượng, thậm chí không sử dụng được do chất lượng không bảo đảm mà nguyên nhân do chúng ta đã chọn những nhà thầu có giá bỏ thầu thấp. Do vậy, bên cạnh tiêu chí về giá, cần có quy định chặt chẽ về kỹ thuật nhằm bảo đảm chất lượng công trình.

Ðề cập những bất cập hiện nay trong đấu thầu, nhiều đại biểu cho rằng, cần xem lại tính chính xác của các con số đưa ra trong quá trình lập dự toán ngay từ thời điểm ban đầu. Theo đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An), thời gian qua, nhiều công trình khi đấu thầu, nhà thầu cố tình bỏ thầu với giá rất thấp, sau đó lập dự toán chi phí phát sinh, khiến tổng mức đầu tư tăng lên nhiều lần, thậm chí có dự án sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư đã tăng lên 8,3 lần so với dự toán ban đầu. Ðây là điều rất vô lý và không thể chấp nhận được.

Theo nhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày