Nỗ lực bảo đảm cung ứng điện dịp nắng nóng
Về vấn đề cung ứng điện dịp nắng nóng, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chúng ta nói về nguy cơ nhưng thực tế tại một số nơi đã thiếu điện. Thay mặt Bộ Công thương, Thứ trưởng bày tỏ chia sẻ về những khó khăn, vất vả, nỗi khổ của người dân trong sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày.
Thứ trưởng nêu rõ, 4 tháng đầu năm tình hình cung cấp điện ổn định nhưng từ đầu tháng 5 đến nay nắng nóng kỷ lục diễn ra toàn quốc, diễn biến khó lường và đáng tiếc là có thể kéo dài trong thời gian tới. Tình trạng này có thể làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt nhưng nước về hồ thủy điện rất thấp, đặc biệt là vào mùa khô. Nhiên liệu cho sản xuất điện, đặc biệt là than nhập khẩu về chậm hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện.
Trước tình hình khó khăn trên, nắng nóng cao điểm và diễn biến khó lường, ông Hải cho biết Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều giải pháp để bảo đảm cung ứng điện mức cao nhất, đặc biệt là trong giai đoạn ngắn hạn. Bộ Công thương thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, với các giải pháp quyết liệt khẩn trương, bảo đảm cung ứng điện trong mùa nắng nóng, bao gồm, đảm bảo và tăng cường công tác vận hành hệ thống điện để huy động các nguồn điện sẵn có; đảm bảo nhiên liệu sẵn sàng cho cung ứng điện; rà soát công tác vận hành, chỉ đạo sẵn sàng nhiên liệu, trực ca, ứng trực trong vận hành thường xuyên; khắc phục sự cố để vận hành cung ứng điện.
Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chúng ta nói về nguy cơ nhưng thực tế tại một số nơi đã thiếu điện. Từ đầu tháng 5 đến nay nắng nóng kỷ lục diễn ra toàn quốc, diễn biến khó lường và đáng tiếc là có thể kéo dài trong thời gian tới. Tình trạng này có thể làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt nhưng nước về hồ thủy điện rất thấp, đặc biệt là vào mùa khô. |
Bộ cũng yêu cầu tăng cung ứng than cho sản xuất điện, điều tiết cung cấp than cho phát điện là 300.000 tấn cho tháng 5 và 100.000 tấn cho các tháng 6 và 7, tăng 18% lượng cấp khí cấp Đông Nam Bộ và 8% khí cấp cho Tây Nam Bộ cho sản xuất điện. Cùng với đó, khẩn trương đưa nhà máy điện tái tạo vào cho phát điện.
Về các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp: Tính đến 17 giờ 30 phút ngày 31/5/2023, có 7 dự án với tổng công suất 430,22 MW đã chính thức được phát điện thương mại lên lưới. Ngoài ra, có 40 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm.
Có 59/85 dự án với tổng công suất 3.389,811 MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 50 dự án (tổng công suất 2.751,611 MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 46/50 dự án. Tuy nhiên, vẫn có 26 nhà máy điện chuyển tiếp (công suất khoảng 1.346 MW) chưa gửi hồ sơ đến EVN để đàm phán giá điện.
Về tiết kiệm điện, vừa qua chúng ta nói rất nhiều về vấn đề tiết kiệm điện, Thứ trưởng tái khẳng định lại, không phải khi thiếu điện thì chúng ta mới phải tiết kiệm điện, đây là chính sách xuyên suốt, lâu dài từ trước đến nay. Ví dụ như, Bộ Công thương có Vụ Tiết kiệm năng lượng, trong đó có tiết kiệm điện. Chúng ta cũng đã làm rất nhiều, như có Chiến dịch Giờ Trái đất nhưng việc này đặc biệt có ý nghĩa khi tại thời điểm này, chúng ta đang thiếu điện, việc tiết kiệm điện này càng phải được quan tâm và phải làm rất quyết liệt.
Bộ cũng đã tổ chức phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 kêu gọi và đề nghị UBND các tỉnh thành phố, các bộ, ngành Trung ương liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, liên tục, bằng nhiều hình thức phù hợp về sử dụng điện tiết kiệm.
Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của các nhà báo.
Hiện nay đã có 55/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo bảo đảm cung ứng điện, tiết kiệm điện trên địa bàn. Kết quả sản lượng điện tiết kiệm hằng ngày đạt mức khoảng 20 triệu kW giờ/ngày (tương đương khoảng 2,5% điện năng tiêu thụ hằng ngày).
Trong thời gian tới, hệ thống điện quốc gia với quy mô tổng công suất đặt đạt 81.504 MW, trong khi nhu cầu phụ tải cao nhất là hơn 44.000 MW, nếu bảo đảm các tổ máy không gặp sự cố, vận hành tin cậy, nhiên liệu đủ, điều tiết nước các hồ hợp lý, thì chúng ta có thể khắc phục vấn đề thiếu điện và đảm bảo điện cho đời sống người dân và sản xuất của doanh nghiệp.
Đối với việc giải quyết đối với các dự án điện gió, điện mặt trời không nằm trong quy hoạch, tới đây, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 500/QĐ-TTg Quy hoạch điện VIII, trong đó chỉ nêu tổng công suất các nguồn điện gió, điện mặt trời dự kiến phát triển đến năm 2030, không có tên dự án cụ thể. Trong đó, điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời… cũng đã nêu rất rõ, cụ thể từng chỉ số.
Hiện nay, Bộ Công thương đang triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, khi đó sẽ cụ thể hóa quy mô công suất, tiến độ các dự án theo từng địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, làm cơ sở triển khai theo quy định.
Tuy nhiên, đối với các dự án không nằm trong quy hoạch, chúng tôi khẳng định, hiện nay Bộ Công Thương đã có những văn bản, những hướng dẫn để giải quyết vấn đề này. Căn cứ quy định tại Luật Điện lực và Luật Giá, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT và Quyết định số 21/QĐ-BCT làm cơ sở cho EVN và các dự án chuyển tiếp thỏa thuận giá điện bảo đảm không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã ban hành 10 công văn chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc EVN và các Chủ đầu tư khẩn trương đàm phán thống nhất giá điện đảm bảo nguyên tắc giá điện với lợi nhuận hợp lý, các dự án tuân thủ quy định pháp luật và không vượt quá khung giá phát điện.
Bộ cũng thấy rằng, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án là cần thiết, tuy nhiên ngoài vấn đề cơ chế giá điện, các dự án phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy… Bộ đã thường xuyên làm việc trực tiếp với EVN và các nhà máy điện chuyển tiếp để trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo xử lý. Đồng thời Bộ cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể cho EVN cũng như gửi các địa phương để kịp thời hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định…
Không để thiếu thuốc, vật tư y tế, vaccine
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời câu hỏi của các nhà báo.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã chủ động, tích cực phối hợp các bộ ngành triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực trang thiết bị y tế, thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm.
Đối với vấn đề về trang thiết bị: để bảo đảm nguồn cung về trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 3/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó có một số giải pháp để bảo đảm nguồn cung liên quan hoạt động nhập khẩu trang thiết bị y tế và đến nay cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu trang thiết bị y tế liên quan đến thủ tục nhập khẩu. Cụ thể, về giấy phép nhập khẩu, đã gia hạn hiệu lực cho hơn 12.500 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đến hết ngày 31/12/2024. Về cấp số lưu hành các trang thiết bị y tế, đến nay gồm: trang thiết bị y tế loại A đã cấp cho 27.847 hồ sơ; trang thiết bị y tế loại B đã cấp cho 14.508 hồ sơ; trang thiết bị y tế loại C, D đã cấp cho 1.673 hồ sơ.
Đối với vấn đề về thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, việc thiếu nguồn cung về thuốc chỉ xảy ra đối với một số thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm do khó khăn về nguồn cung ứng, không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng. Ví dụ: các thuốc chống độc, giải độc tố (BAT), huyết thanh kháng nọc rắn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chiến tranh tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với một số thuốc như Albumin, Globulin (các thuốc này hầu như nước nào cũng thiếu).
Để bảo đảm nguồn cung về thuốc, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15, trong đó cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết 2024.
Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay Bộ Y tế đã công bố 4 đợt với tổng số 10.572 thuốc (8.204 thuốc trong nước, 2.143 thuốc nước ngoài, 225 vaccine, sinh phẩm) được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết 31/12/2024. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã cấp phép cho gần 3.000 thuốc chưa có số đăng ký theo quy định của Luật Dược, hiệu lực 3-5 năm, với số mới được cấp thêm này, hiện có khoảng 22.000 số đăng ký thuốc có visa lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại. Do vậy hiện nay cơ bản bảo đảm được nguồn cung thuốc trên thị trường.
Về các giải pháp trong thời gian tới để bảo đảm nguồn cung đối với trang thiết bị y tế, thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, đề xuất sửa đổi một số nội dung đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lần này để tháo gỡ các khó khăn trong việc mua sắm.
Ngoài ra, với các thuốc đặc biệt hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất Chính phủ và đã được Chính phủ đồng ý xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai dự kiến hình thành 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Đây cũng sẽ là một giải pháp căn cơ để đảm bảo các thuốc đặc biệt hiếm, dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai dự kiến hình thành 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Đây cũng sẽ là một giải pháp căn cơ để đảm bảo các thuốc đặc biệt hiếm, dùng trong trường hợp khẩn cấp. |
Về bảo đảm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trên cả nước. Mặc dù trong đầu năm 2022 dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc triển khai các Chương trình y tế ở nhiều địa phương trong đó có chương trình tiêm chủng mở rộng, song Bộ Y tế và các tỉnh đã tăng cường triển khai tiêm chủng, tổ chức tiêm bù mũi vaccine, triển khai tiêm thêm mũi vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi, triển khai một số chiến dịch tiêm chủng bổ sung trên diện rộng tại 32 tỉnh có nguy cơ cao. Với số lượng lớn trẻ em tại các vùng nguy cơ cao đã được tiêm chủng thường xuyên, tiêm vét, bổ sung các vaccine đã góp phần khống chế, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm có vaccine dự phòng trong thời gian vừa qua.
Bộ Y tế cũng đã rà soát nguồn vaccine gối đầu từ năm 2022 chuyển sang đến nay. Đối với các vaccine sản xuất trong nước, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vaccine của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7 năm 2023. Vaccine Viêm gan B, vaccine phòng Lao còn đủ sử dụng đến tháng 8/2023, vaccine Viêm não Nhật Bản có thể sử dụng đến hết tháng 9/2023. Vaccine sởi, vaccine sởi-rubella, bại liệt (OPV) đủ dùng hết tháng 7/2023; vaccine uốn ván và bại liệt tiêm hiện còn đủ đáp ứng đến hết năm 2023. Đối với vaccine nhập khẩu 5 trong 1 đã đủ dùng đến đầu năm 2023. Do đây là vaccine nhập khẩu, năm 2022 đã tiến hành các thủ tục đấu thầu, mua sắm theo quy định, tuy nhiên không có nhà thầu tham gia.
Với sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, ngành y tế với quyết tâm cao nhất đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Giai đoạn 2016-2020 thực hiện Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế được bố trí kinh phí ngân sách trung ương để thực hiện đặt hàng đối với 9 vaccine sản xuất trong nước. Các vaccine này chỉ có một nhà sản xuất trong nước và đây là các đơn vị thuộc Bộ Y tế nên Bộ đã thực hiện cơ chế đặt hàng. Đối với các vaccine nhập khẩu, Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế mua sắm thông qua tổ chức UNICEF theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 của Luật Đấu thầu hoặc thực hiện đấu thầu tập trung khi đủ điều kiện có 3 đăng ký trở lên.
Giai đoạn năm 2021-2022, theo Luật Đầu tư công (sửa đổi) năm 2019 không còn Chương trình mục tiêu y tế, dân số mà chỉ còn một số hoạt động được lồng ghép vào nội dung chi của 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và không có nội dung mua vaccine, các nội dung còn lại chuyển thành các nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, các cơ quan trung ương và các địa phương. Vì vậy, để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách trung ương chuyển giao cho các địa phương triển khai thực hiện, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129 năm 2020 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021. Theo đó, Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách trung ương thực hiện mua sắm để cung ứng vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo cho 2 năm 2021, 2022 và gối đầu các tháng đầu năm 2023.
Thực hiện nội dung của năm 2023, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cần tiếp tục thực hiện việc mua vaccine Chương trình tiêm chủng mở rộng như các năm trước.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 và pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng đã đồng thuận trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và bổ sung nội dung, bố trí nguồn ngân sách Trung ương để tiếp tục mua vaccine tiêm chủng mở rộng tại Trung ương.
Bộ Y tế đã xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, đề nghị bố trí kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua vaccine Chương trình tiêm chủng mở rộng và trình Chính phủ tờ trình và dự thảo nghị quyết về nội dung này. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính bố trí kinh phí, ngân sách trung ương năm 2023 để triển khai mua vaccine theo quy định như những năm trước đây. Bộ Y tế đã có công văn gửi 63 tỉnh, thành phố, đến nay đã tổng hợp đủ nhu cầu vaccine của 63 tỉnh và đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng vaccine sẵn sàng các công việc theo quy định.
Kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm
Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an, trả lời câu hỏi của các nhà báo.
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Bộ Công an luôn xác định tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm. Tội phạm ma túy dẫn đến tình trạng trộm cắp, cướp giật, giết người, cướp của, cho nên tổ chức công tác đấu tranh tôi phạm ma túy được chỉ đạo rất quyết liệt, sát sao và đạt được rất nhiều thành tích. Trong gần 6 tháng qua, lực lượng công an đã phát hiện, khởi tố trên 13.000 vụ án có liên quan đến ma túy, với hơn 20.000 đối tượng, thu giữ hơn 14.225kg heroin, 4.023 kg ma túy tổng hợp, 982.039 viên ma túy tổng hợp và 210kg cần sa.
Về tiến trình điều tra và xử lý các vụ việc liên quan đến bán khống giấy nghỉ bệnh, trục lợi bảo hiểm xã hội, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, sự việc này đã xảy ra từ rất lâu và xảy ra ở nhiều địa phương. Lực lượng công an và các đơn vị chức năng khác cũng đã tiến hành nhưng chưa ngăn chặn được triệt để. Cũng bởi vì nhu cầu của người dân về Giấy khám sức khỏe, Giấy chứng nhận sức khỏe nói chung rất cao như: đi học lái xe, đi lao động, xin việc, hay liên quan đến bảo hiểm. Từ đó xảy ra các tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật. Thí dụ có những bệnh nhân nam mà lại được chứng nhận các bệnh liên quan đến nữ, tức là cung cấp giấy khống. Hay có những người cụt cả hai tay nhưng vẫn được cấp Bằng lái xe vì có Giấy chứng nhận bảo đảm sức khỏe. Trong quá trình tiến hành điều tra, chúng tôi thấy có hiện tượng như thế. Hoặc trong hiện tượng chạy tội có việc lấy Giấy chứng nhận có vấn đề về tâm thần. Những hiện tượng trên xảy ra rất nhiều ở các lĩnh vực.
Lực lượng công an đang tiến hành điều tra. Vụ mới đây nhất là ở Đồng Nai. Theo thông tin ban đầu, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 18 đối tượng và sẽ tiến hành khởi tố trong thời gian ngắn tới. Đặc biệt đối với trường hợp cho người lao động nghỉ việc hưởng BHXH có Giấy khám sức khỏe trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Bước đầu qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ trên 135.000 Giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH và 400 tờ Giấy khám sức khỏe đã ghi khống kết quả và chưa có thông tin người khám bệnh. Kết quả bước đầu xác định là có hai đối tượng chủ mưu, cầm đầu cùng đồng bọn cấu kết, móc nối với các đối tượng tại các phòng khám bệnh trên địa bàn thành phố Biên Hòa để thực hiện các hành vi viết tên, giả chữ ký người khám bệnh để lập các hồ sơ hưởng BHXH. Mặc dù, người lao động không có bệnh và không đi khám bệnh. Hành vi này đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng, thất thu ngân sách nhà nước.
Hiện nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục mở rộng điều tra và làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của các đối tượng vi phạm để xử lý theo đúng pháp luật. Trong thời gian tới, lực lượng công an sẽ đẩy mạnh kiểm tra việc cấp bằng lái xe và cấp Giấy chứng nhận sức khỏe.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
Xem tin theo ngày
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo sản xuất vụ đông tại Kiến Xương, Vũ Thư
- Quốc hội thảo luận về dự án luật và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị
- Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- UBND tỉnh: Nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật, nghị quyết
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án luật
- Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm
- Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh