Thứ 7, 17/05/2025, 09:56[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 19, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Thứ 4, 12/06/2013 | 14:14:48
896 lượt xem
Ngày 11-6, ngày làm việc thứ 19, kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIII, buổi sáng, QH nghe công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 người do QH bầu hoặc phê chuẩn, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm nói trên và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tiếp công dân. Buổi chiều, QH nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2014.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 

Mở đầu phiên họp buổi sáng, thay mặt Ban kiểm phiếu, đại biểu Ðỗ Văn Chiến, Trưởng ban kiểm phiếu công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Với hình thức là tỷ lệ phiếu cụ thể ở ba mức tín nhiệm đối của từng chức danh, gồm: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Tiếp đó, QH đã nghe Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng đoàn thư ký kỳ họp trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. QH đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này với 471 đại biểu tán thành, chiếm 94,58% tổng số đại biểu QH.

Phát biểu ý kiến sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 người do QH bầu hoặc phê chuẩn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh được tình hình chung của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tư pháp. Với việc thông qua ba mức phiếu: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp cho thấy, đánh giá của các đại biểu là khách quan. Chủ tịch QH cho rằng, những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp lần này đều đảm nhận những vị trí trọng trách trong quá trình điều hành đất nước, trong đó, những lĩnh vực "nóng", như: ngân hàng, giáo dục, y tế, xây dựng... được QH đòi hỏi trách nhiệm cao hơn. Vì vậy, việc các đại biểu đạt phiếu tín nhiệm cao của QH sẽ là sự động viên khích lệ, đồng thời là sự đánh giá thành tựu của đất nước đạt được trong thời gian qua. Tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp cũng thể hiện sự đòi hỏi nghiêm túc của QH đối với những người được lấy phiếu để tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch QH cũng khẳng định, QH đã hoàn thành tốt đợt lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp lần này, hoàn thành trọng trách mà nhân dân cả nước giao phó về đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm lần đầu. Ðợt lấy phiếu này sẽ là bài học kinh nghiệm để HÐND các cấp rút kinh nghiệm khi tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm một cách nghiêm túc, khách quan và chính xác trong thời gian tới.

Cần sớm ban hành Luật Tiếp công dân

Thảo luận về dự án Luật Tiếp công dân, đa số các đại biểu QH tán thành với sự cần thiết phải sớm ban hành Luật Tiếp công dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo lần này, về cơ bản đã cụ thể hóa nhiều nội dung liên quan đến hoạt động tiếp công dân, bổ sung các quy định về tiếp công dân của QH, HÐND các cấp và các cơ quan từng cấp. Việc ban hành Luật sẽ tạo điều kiện pháp lý để tổ chức hoạt động tiếp công dân được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Tiếp công dân cũng còn có một số điều, khoản quy định chưa chặt chẽ, chưa giải quyết được vướng mắc đang đặt ra trong thực tiễn hiện nay.

Ðại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Hồ Vĩnh Thủy (Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng: Mục đích của việc tiếp công dân cần được quy định cụ thể hơn. Dự án luật mới chủ yếu tập trung vào giải quyết vấn đề đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, chưa chú ý đúng mức đến việc gắn hoạt động tiếp công dân với giải quyết, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, trong khi đây là một trong những mục đích chính của việc tiếp công dân và cũng là mục đích của công dân khi đến trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân. Việc tiếp công dân cần gắn với quy trình xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Ðồng thời quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân khi đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân của cơ quan nhà nước và các điều kiện bảo đảm  cho công tác tiếp công dân có hiệu quả.

Vấn đề trụ sở tiếp công dân và địa điểm tiếp công dân cũng được các đại biểu quan tâm. Nhiều đại biểu cho rằng, về trụ sở tiếp công dân và địa điểm tiếp công dân là cần thiết nhưng nên nghiên cứu mô hình phù hợp trên tổng thể không làm tăng biên chế, không phải là một cơ quan quản lý nhà nước độc lập, có con dấu, có tài khoản riêng, tăng cơ sở vật chất gây tốn kém không cần thiết.

Ðại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Cạn) cho rằng, dự thảo cần nghiên cứu bổ sung các chế tài xử lý đối với trường hợp cơ quan tiếp công dân hoặc người đứng đầu cơ quan khi không thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình. Bên cạnh trách nhiệm của người đứng đầu cần bổ sung quy định về những trường hợp được ủy quyền tiếp công dân và trách nhiệm của người được ủy quyền...  

Cần coi trọng chất lượng công tác giám sát

 Buổi chiều, sau khi nghe Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2014. QH đã thảo luận về chương trình nói trên. Các đại biểu: Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận), Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội), Nguyễn Thanh Hùng (Ðồng Tháp) và một số đại biểu khác đều cơ bản nhất trí với những nội dung về dự kiến chương trình của Ủy ban Thường vụ QH, cho rằng các nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

 Việc lựa chọn nội dung giám sát tối cao tại hai kỳ họp thứ 7 và thứ 8 trong năm 2014 được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều đại biểu đề nghị chọn  chuyên đề 2 và chuyên đề 3 trong ba chuyên đề được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH. Theo đó, trong chuyên đề 2 liên quan đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong đầu tư công, trong doanh nghiệp Nhà nước và trong hệ thống ngân hàng hiện nay là vấn đề lớn, gây bức xúc trong xã hội và được nhiều đại biểu, cử tri cả nước quan tâm. Ðại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, đất nước có thể cất cánh được hay không trong thời gian tới cũng nhờ ở phương án này có thành công hay không. Việc giám sát sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện đề án mà hiện nay đang được dư luận đánh giá là chậm chạp và hiệu quả thấp.

 Ðối với chuyên đề 3 được nêu trong Tờ trình, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo là một trong những trọng tâm của chính sách an sinh xã hội. Trong quá trình thực hiện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, đang đặt ra nhiều vấn đề mà QH cần phải xem xét, cụ thể về vấn đề chuẩn nghèo, mức sống tối thiểu, các giải pháp về vốn, đất đai, việc làm cho người nghèo, đồng thời đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ lâu dài cần được kiểm tra đánh giá đúng mức. Vì vậy, QH cần giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012. Ðây là chủ trương lớn xuyên suốt qua các nhiệm kỳ của Ðảng, Nhà nước. Ðại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị giám sát không vì số lượng mà phải tăng chất lượng công tác giám sát và có giám sát lại để việc khắc phục yếu kém nêu trong kết luận trong giám sát của QH, của các cơ quan của QH thật sự đi vào cuộc sống.

 Về giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, một số đại biểu đề nghị giám sát hai chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật trong quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng và vận hành các công trình thủy điện và giám sát việc đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.  Một số đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ QH bổ sung vào chương trình giám sát những tháng cuối năm 2013 về thí điểm không tổ chức HÐND huyện, quận, phường. Theo đó, năm 2008, QH đã có nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HÐND huyện, quận, phường, tại 10 tỉnh, thành phố. Việc thí điểm đến nay đã hơn bốn năm, rất cần được tổng kết, khẳng định tiếp tục mô hình thí điểm nữa hay không.

Theo nhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày