Thứ 2, 25/11/2024, 21:25[GMT+7]

Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với Thụy Sĩ

Thứ 5, 29/06/2023 | 09:45:28
1,445 lượt xem
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định cam kết Quốc hội, Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Thụy Sĩ, đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas.

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia (Hạ viện) Martin Candinas và Đoàn đại biểu cấp cao Thụy Sĩ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-30/6.

Ngày 28/6, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Lễ đón trọng thể Chủ tịch Hạ viện Martin Candinas và đoàn, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Sau lễ đón, hai bên đã tiến hành hội đàm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nồng nhiệt chào mừng Chủ tịch Hạ viện Martin Candinas và Đoàn thăm chính thức Việt Nam.

Tham gia đoàn có Phó Chủ tịch thứ nhất Hạ viện Eric Nussbaumer, Phó Chủ tịch thứ hai Hạ viện Maja Riniker, thể hiện sự coi trọng của Thụy Sĩ với Việt Nam nói chung, cũng như quan hệ hợp tác giữa 2 cơ quan lập pháp nói riêng.

Chủ tịch Hạ viện Martin Candinas trân trọng cảm ơn về sự đón tiếp thịnh tình của Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; đồng thời nhấn mạnh, Thụy Sĩ là một trong những nước Tây Âu đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1971.

Trải qua 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, hợp tác chặt chẽ, không chỉ trong quan hệ song phương mà còn trên diễn đàn đa phương.

Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ thông báo về tình hình hình kinh tế-xã hội; về cơ cấu, chức năng của Cơ quan lập pháp mỗi nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam trong hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ cũng như cập nhật Chương trình phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc vào chương trình phát triển quốc gia, mở đầu bằng Tuyên bố Hà Nội tại IPU-132.

Việt Nam đang tập trung cho 2 mục tiêu, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Đó là cơ sở kinh tế để Việt Nam đưa ra cam kết Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Thụy Sĩ; cảm ơn Thụy Sĩ đã dành cho Việt Nam hơn 600 triệu USD (ODA) trong giai đoạn 1991-2021 cũng như hỗ trợ Việt Nam trong việc phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ


Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Thụy Sĩ; cảm ơn Thụy Sĩ đã dành cho Việt Nam hơn 600 triệu USD (ODA) trong giai đoạn 1991-2021 cũng như hỗ trợ Việt Nam trong việc phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi đoàn trên tất cả các kênh; tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Martin Candinas nhất trí cho rằng kim ngạch thương mại hai nước năm 2022 đạt khoảng 810 triệu USD (năm 2021 đạt khoảng 2,4 tỷ USD), đầu tư từ Thụy Sĩ tại Việt Nam đạt gần 2 tỷ USD, là chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi nước.

Hai bên nhất trí thúc đẩy nhanh chóng tiến độ đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein. 


Bày tỏ mong muốn việc đàm phán, ký kết Hiệp định này sẽ sớm được các bên hoàn tất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn câu nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau" và trong trường hợp này là "muốn đi nhanh và về đích thì phải đi cùng nhau".

Chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội, ngài Martin Candinas cho biết, Thụy Sĩ rất quan tâm thúc đẩy đầu tư, thương mại, công nghệ và tri thức nên cũng mong Hiệp định EFTA sớm được ký kết trong năm 2024; nhấn mạnh thương mại và đầu tư giống như "dòng nước chảy", nước sẽ chảy nhanh khi không có vật cản. Khi kinh tế phát triển thì sức mua lớn hơn, sẽ có những sản phẩm chất lượng cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm, hai nước còn nhiều cơ hội hợp tác về khoa học, công nghệ, giáo dục, ứng phó với biến đối khí hậu; đồng thời đề nghị Thụy Sĩ tăng học bổng và hợp tác giữa các cơ sở giáo dục hai bên, thực hiện các chương trình liên kết đào tạo về dược phẩm, công nghệ cơ khí chính xác, du lịch, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm.

Chủ tịch Quốc hội cảm ơn và đề nghị Quốc hội, Chính phủ Thụy Sĩ tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ ổn định cuộc sống, hội nhập sở tại, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang Thụy Sĩ Martin Candinas thăm Phòng truyền thống của Quốc hội. 

Về hợp tác Nghị viện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, kể cả cấp ủy ban và các nghị sĩ.

Hai bên tiếp tục hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực lập pháp để kiến tạo thể chế phát triển, đáp ứng yêu cầu toàn cầu hiện nay, như các vấn đề chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hai bên có thể tăng cường tham vấn, trao đổi, phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF); đồng thời, các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị của hai nước cần tăng cường hợp tác nhiều hơn.

Hai Cơ quan lập pháp hai nước có thể phối hợp giám sát, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận của 2 Chính phủ; thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với các bang của Thụy Sĩ, kể cả các cơ quan dân cử ở địa phương.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định cam kết, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Thụy Sĩ quan tâm, luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược hợp tác kinh tế trong khu vực. Đây cũng là lý do Đoàn đại biểu cấp cao của Thụy Sĩ chọn Việt Nam trong chuyến công du châu Á lần này.

Thụy Sĩ mong muốn tăng cường đầu tư, hợp tác thương mại, hợp tác kinh tế hiệu quả, góp phần để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas


Ngài Martin Candinas cho biết, Thụy Sĩ hoan nghênh cam kết của Việt Nam trong Hội nghị COP26, đồng thời, cho biết, cả hai nước đều có mục tiêu chung phát triển bền vững. Do đó, Thụy Sĩ luôn quan tâm và sẵn sàng hợp tác để hai bên cùng đạt được mục tiêu này. 

Quang cảnh hội đàm. 

Trong chính sách đối ngoại của mình, Thụy Sĩ quan tâm, luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược hợp tác kinh tế trong khu vực. Đây cũng là lý do Đoàn đại biểu cấp cao của Thụy Sĩ chọn Việt Nam trong chuyến công du châu Á lần này.

Đánh giá Việt Nam có nền kinh tế phát triển năng động, thành công, thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo trong thời gian qua, ngài Martin Candinas cho biết, thông qua nói chuyện, đại diện doanh nghiệp Thụy Sĩ mong muốn tiếp tục đầu tư, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác và phát triển kinh tế giữa hai quốc gia.

Thụy Sĩ mong muốn tăng cường đầu tư, hợp tác thương mại, hợp tác kinh tế hiệu quả, góp phần để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp Thụy Sĩ tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho khoảng 120.000 người lao động. Không chỉ doanh nghiệp Thụy Sĩ, chuyến thăm này Đoàn quan tâm đến hợp tác với các công ty địa phương của Việt Nam - nhà cung cấp của doanh nghiệp Thụy Sĩ. Bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, ngài Martin Candinas nhấn mạnh, với nhiều chương trình, dự án ở Việt Nam hơn 30 năm qua, Thụy Sĩ sẽ tiếp tục tăng cường sự hợp tác này trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch Hạ viện, Thụy Sĩ chú trọng việc nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Đoàn thăm công ty may mặc để tìm hiểu về năng suất cũng như điều kiện làm việc của người lao động. Với thỏa thuận về nâng cao điều kiện lao động đã được hai nước ký kết, ngài Martin Candinas bày tỏ tin tưởng các chương trình, hợp tác của Thụy Sĩ sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Tại hội đàm, trao đổi về một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Martin Candinas khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không; mọi tranh chấp được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Tại hội đàm, Chủ tịch Hạ viện Martin Candinas trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sớm thăm chính thức Thụy Sĩ. Chủ tịch Quốc hội đã vui vẻ nhận lời.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày