Thứ 7, 02/11/2024, 20:17[GMT+7]

Tăng cường quan hệ hợp tác, đối ngoại Việt Nam-Nhật Bản

Chủ nhật, 02/07/2023 | 07:16:48
2,482 lượt xem
Ngày 1/7 tại thành phố Đà Nẵng diễn ra khai mạc Hội thảo khoa học “Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản: Nhìn từ lịch sử, hướng về tương lai”. Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973-2023) tại Trường đại học Đông Á Đà Nẵng năm 2023.

Các đại biểu tham dự khai mạc hội thảo .(ẢNH: ANH ĐÀO).

Hội thảo là diễn đàn học thuật và nghiên cứu khoa học, được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các “điểm cầu” tại Việt Nam và Nhật Bản. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, Vụ Đông Bắc Á - Bộ Ngoại giao, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng, Hội hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam khu vực Kansai (Nhật Bản), Hội Việt Nam học tại Nhật Bản cùng các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan,…ở Việt Nam và Nhật Bản, với hơn 100 người tham dự trực tiếp và hơn 300 lượt tham dự trực tuyến.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo này của Trường đại học Đông Á, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản đang cùng nhau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh: “Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không đơn thuần chỉ là hợp tác kinh tế, thương mại mà còn là một tình bạn chân thành được xây dựng dựa trên lòng tin, hiểu biết và sự tôn trọng. Hiện nay, Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với 4 thành phố Nhật Bản, bao gồm Kawasaki, Sakai, Yokohama và Kisarazu, ngoài ra cũng có quan hệ hợp tác cùng với 15 tỉnh/thành phố khác. Hợp tác cấp địa phương giữa Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố của Nhật Bản là điểm sáng trong bức tranh đối ngoại.”

Hợp tác cấp địa phương giữa Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố của Nhật Bản là điểm sáng trong bức tranh đối ngoại.

Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng


Các đại biểu tại phiên khai mạc hội thảo. (ẢNH: ANH ĐÀO).

Hội thảo thu hút 24 báo cáo chuyên đề đến từ hơn 30 nhà nghiên cứu trong nước và Nhật Bản. Trong đó có 12 báo cáo trình bày tại hội thảo, bao gồm 9 báo cáo trực tiếp và 3 báo cáo trực tuyến từ Nhật Bản. Xuyên suốt hội thảo là những tham luận, bài khảo cứu nghiêm túc, khoa học, phân tích và đánh giá về mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực: Lịch sử và giao lưu văn hóa, ngoại giao, an ninh-quốc phòng, kinh tế, tài trợ ODA, hợp tác giáo dục, nông nghiệp, chuyển đổi số, hợp tác vùng,…

Hội thảo được chia thành 3 phiên làm việc và một diễn đàn trao đổi. Trong đó, phiên khai mạc gồm những tham luận đánh giá chung về diễn trình của mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 50 năm qua (1973-2023); phân tích, định hướng cho mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong tương lai dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu về kinh tế, chính trị và ngoại giao; và triển vọng sự hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản trong 20 năm tới.

Phiên thứ hai gồm những tham luận bàn về mối bang giao lịch sử giữa Nhật Bản-Việt Nam từ thời cổ-trung đại đến thời cận đại; về thành tựu hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong các lĩnh vực: sử học, khảo cổ học và giao lưu văn hóa và tôn giáo trong 50 năm qua.

Phiên thứ ba gồm những tham luận bàn về sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển trong các lĩnh vực: ngoại giao, an ninh-quốc phòng, giáo dục, nông nghiệp, chuyển đổi số, hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Nhật Bản; những thành tựu đạt được và quá trình chuyển biến từ bang giao hữu nghị lúc ban đầu, phát triển thành quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng trong giai đoạn hiện nay và tương lai của mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản…

Các chuyên gia đến từ Nhật Bản tham dự hội thảo. (ẢNH: ANH ĐÀO).

Ông Lê Huy Hoàng - Trưởng phòng Nhật Bản, Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao, cho biết: “Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, đối tác thứ hai về lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân ngày càng được tăng cường, góp phần làm sâu sắc hơn sự hiểu biết và tình cảm hữu nghị giữa người dân hai nước. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản thời gian qua phát triển nhanh chóng, đạt gần 500.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Nhật Bản và là cầu nối quan trọng cho quan hệ hai nước”.

Theo Giáo sư Trần Văn Thọ - Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Nhật Bản, hiện nay Nhật là một trong ba nước đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Tính đến ngày 20/12/2022, kim ngạch FDI lũy kế của Nhật tại Việt Nam là gần 69 tỷ USD, xếp thứ ba sau Hàn Quốc (81 tỷ) và Singapore (71 tỷ). FDI của Nhật góp phần quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp Nhật có vai trò lớn trong việc phát triển ngành điện tử gia dụng, xe máy, máy in và nhiều sản phẩm cao cấp khác.

"Một điểm cần nhấn mạnh nữa là Chính phủ và doanh nghiệp Nhật luôn đồng hành với Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư qua các chương trình đối thoại được gọi là “Sáng kiến chung Việt-Nhật”, trong đó hai bên cùng tìm ra những vấn đề còn vướng mắc về chính sách, về hành lang pháp lý, về thực thi chính sách để cải thiện, sửa đổi", Giáo sư Trần Văn Thọ nhấn mạnh.

Ngày 3/7, Giáo sư Trần Văn Thọ sẽ có buổi thuyết trình tại Trường đại học Đông Á về chủ đề “Thế giới quanh ta và con đường phát triển của Việt Nam” qua hình thức trực tiếp và trực tuyến với dự kiến 200 người tham dự trực tiếp và hơn 2.000 lượt tham dự trực tuyến đến từ các cơ quan, các cấp quản lý, các trường đại học,… trên địa bàn miền trung-Tây Nguyên.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày