Thứ 3, 05/11/2024, 07:16[GMT+7]

Sửa đổi Luật Tài nguyên nước: Cần bổ sung quy định về bảo vệ nước mặt

Thứ 2, 14/08/2023 | 15:36:01
1,646 lượt xem
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nước mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về quan trắc và bảo vệ nước mặt trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH).

Sáng 14/8, tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Dự thảo Luật đã được Quốc hội đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua; có 98 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ với 439 ý kiến góp ý, 23 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường với 112 ý kiến góp ý, và 3 ý kiến góp ý bằng văn bản.

Đa số ý kiến đều tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của nước mặt, và cho rằng vấn đề quản lý, bảo vệ nguồn nước này chưa được quan tâm đúng mức.

Từ bài học của thành phố Hà Nội, sử dụng 100% nước sạch được sản xuất từ nước mặt, trong khi không có hệ thống quan trắc để giám sát an toàn nguồn nước, nên khi gặp sự cố ô nhiễm nguồn nước mặt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, an toàn nguồn nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét bổ sung một điều mang tính nguyên tắc về bảo vệ nước mặt trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH).

Nhấn mạnh việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm tuần hoàn nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có những trường hợp để bảo đảm theo yêu cầu tuần hoàn nước thì lại không bảo đảm hiệu quả của nhà đầu tư, nhưng vẫn phải làm để bảo đảm tổng thể hiệu quả về kinh tế-xã hội.

“Nếu chỉ nói tiết kiệm và hiệu quả không thôi thì doanh nghiệp sẽ không làm”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói và đưa ra ví dụ về dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội) không tuần hoàn nước sau xử lý nên giá thành xây dựng nhà máy tăng cao.

Bên cạnh đó, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng quản lý tài nguyên nước hiện nay chủ yếu qua giấy phép (tiền kiểm), do đó đề nghị bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, hậu kiểm để người dân có thể tham gia vào công tác quản lý tài nguyên nước.

Bổ sung quy định về tuần hoàn và tái sử dụng nước thải ở 3 mức độ

Báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Luật này chỉ nên điều chỉnh về tài nguyên nước, không điều chỉnh về khai thác, sử dụng nước vì việc khai thác thuộc phạm vi của các luật kỹ thuật chuyên ngành.

Theo ông Huy, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước với 4 nhóm chính sách lớn, gồm: bảo đảm an ninh tài nguyên nước; xã hội hóa ngành nước; bảo vệ nguồn nước khỏi bị ô nhiễm, cạn kiệt; và phòng, chống tác hại do nước gây ra nhằm quản lý toàn diện các vấn đề liên quan đến nước.

Hơn nữa, dự thảo Luật đã kế thừa Luật Tài nguyên nước hiện hành, quy định những vấn đề chung nhất đối với hoạt động khai thác, sử dụng nước ở giác độ bảo đảm nguồn nước. Còn quy định chi tiết về khai thác, sử dụng nước trong từng lĩnh vực, phạm vi cụ thể sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị giữ nội dung khai thác, sử dụng nước trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. (Ảnh: DUY LINH).

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung nước khoáng và nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của Luật. Về vấn đề này, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật còn có 2 loại ý kiến khác nhau.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng tình với loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao; hiện loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản. Do đó, không bổ sung 2 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.

Có ý kiến đề nghị bổ sung một điều về tuần hoàn, tái sử dụng nước, trong đó quy định đối tượng bắt buộc áp dụng, sử dụng nước thải sau khi xử lý cho mục đích nào; khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn và chính sách ưu đãi đối với việc sử dụng nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và các mục đích khác.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 58 quy định về tuần hoàn và tái sử dụng nước thải ở 3 mức độ: khuyến khích áp dụng; có lộ trình áp dụng và bắt buộc áp dụng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ.

Đồng thời, bổ sung chính sách ưu đãi, khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước tại; ưu đãi với dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thực hiện giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 58.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày