Thứ 3, 26/11/2024, 16:48[GMT+7]

Bảo vệ và phát huy giá trị đặc biệt của Bảo vật quốc gia "Nhật ký trong tù"

Thứ 7, 19/08/2023 | 08:00:40
2,178 lượt xem
Hội thảo 80 năm "Nhật ký trong tù" - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng nhận được 29 tham luận của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài. Số lượng và chất lượng các tham luận cho thấy tình cảm, tâm huyết, tinh thần làm việc rất nghiêm túc, rất đáng trân trọng của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình với chủ đề về tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Bác Hồ.

Toàn cảnh Hội thảo.

Ngày 18/8, Hội thảo khoa học với chủ đề: 80 năm "Nhật ký trong tù" - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức.

Hội thảo được tổ chức nhằm thiết thực kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9; kỷ niệm tròn 80 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm bất hủ "Nhật ký trong tù".

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội thảo.

Hội thảo đón nhận lẵng hoa của đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, Nghệ thuật Trung ương; PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, Nghệ thuật Trung ương chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ đã khẳng định những giá trị to lớn và sức lan tỏa sâu rộng trong nước cũng như trên thế giới của tập thơ "Nhật ký trong tù". Với những giá trị to lớn và bền vững, tập thơ "Nhật ký trong tù" đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận và tôn vinh là Bảo vật quốc gia; đến nay đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới. Sức lan tỏa của "Nhật ký trong tù" suốt 80 năm qua đã trở thành chân lý sáng tạo và được nhân loại đón nhận nồng nhiệt.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo. 

Hội thảo mong muốn các đại biểu, các nhà khoa học làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề như: Quá trình chuyển ngữ "Ngục trung nhật ký" từ Hán ngữ sang Việt ngữ và từ Việt ngữ sang các ngôn ngữ các dân tộc khác trên thế giới; những giá trị tư tưởng, văn hóa, tầm cao trí tuệ, nghị lực phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua "Nhật ký trong tù"; giá trị nhân văn cao cả, vẻ đẹp tâm hồn, niềm lạc quan cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh lao tù khổ ải; những giá trị nghệ thuật to lớn của tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh;

Việc dạy và học tác phẩm "Nhật ký trong tù" trong nhà trường hiện nay; hành trình lan tỏa sâu rộng của "Nhật ký trong tù" đối với giới nghiên cứu cũng như bạn đọc trong nước và thế giới; phát huy những giá trị của "Nhật ký trong tù", tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ cũng nhấn mạnh, kết quả của Hội thảo là cơ sở xây dựng những luận cứ khoa học để Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, Nghệ thuật Trung ương tư vấn giúp Đảng và Nhà nước có những chủ trương, chính sách, biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị đặc biệt của Bảo vật quốc gia "Nhật ký trong tù".

Theo GS Phong Lê, với "Nhật ký trong tù", ta may mắn có được bức chân dung tự họa của con người Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở bất cứ phương diện nào cũng là nói đến một tầm vóc lớn, một chân dung lớn, với khát vọng cao đẹp nhất là độc lập cho dân tộc và tự do cho con người. Hai khát vọng được biểu trưng một cách đột xuất trong "Ngục trung nhật ký" và "Tuyên ngôn độc lập", cả hai gắn nối với nhau để cùng xuất hiện trong một thời điểm trọng đại của lịch sử dân tộc Việt.

GS Phong Lê trình bày tham luận tại Hội thảo. 

Khẳng định giá trị của "Nhật ký trong tù", GS, TS Trần Đăng Suyền cho rằng, đây là một tập thơ có bút pháp đa dạng và linh hoạt, kết tinh giá trị tư tưởng và nghệ thuật thơ ca của Hồ Chí Minh. Ở tập thơ này, nhà thơ - nhà nghệ sĩ Hồ Chí Minh đồng thời cũng là nhà tư tưởng, nhà chiến lược, nhà cách mạng vĩ đại. Nỗi đau bị giam cầm, khát vọng tự do cháy bỏng trong "Nhật ký trong tù" là một biểu hiện cụ thể và sinh động, đồng thời cũng hòa hợp, thống nhất cao độ với tư tưởng được thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động của Người: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đó là một tư tưởng lớn, trở thành chân lý vĩnh cửu.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tổng kết và chỉ đạo Hội thảo. Cụ thể, đồng chí nêu rõ tập thơ "Nhật ký trong tù" là tác phẩm văn học có giá trị đặc biệt, lớn lao; là bảo vật quốc gia, có sức cuốn hút, lan tỏa sâu rộng trong lòng công chúng nhiều thế hệ trong nước và trên thế giới.

Tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tràn đầy tình cảm nhân ái mà còn sáng ngời vẻ đẹp trí tuệ. Những triết lý về đời sống, về quy luật nhân sinh được Bác truyền tải trong những hình tượng nghệ thuật sinh động.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng bày tỏ sự phấn khởi khi được nghe những ý kiến tham luận đầy tâm huyết, trí tuệ, sâu sắc của các nhà khoa học, nhà quản lý và các văn nghệ sĩ.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng đây là dịp chúng ta tìm hiểu sâu sắc hơn tầm cao tư tưởng, vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mong các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ tiếp tục nghiên cứu, giới thiệu những giá trị to lớn, đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật của tập thơ để lan tỏa sâu rộng hơn nữa đến đồng bào ta ở trong và ngoài nước, cùng bạn bè quốc tế. 


Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị các cấp, ngành quan tâm, lĩnh hội đầy đủ giá trị đặc biệt của tác phẩm để tiếp tục trau dồi, bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh và đạo đức cách mạng... 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tổng kết và chỉ đạo Hội thảo.

Hội thảo đã nhận được 29 tham luận của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài. Số lượng và chất lượng các tham luận cho thấy tình cảm, tâm huyết, tinh thần làm việc rất nghiêm túc, rất đáng trân trọng của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình với chủ đề về tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Bác Hồ.

Theo: nhandan.vn 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày