Thứ 6, 22/11/2024, 11:13[GMT+7]

Quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Bangladesh là hằng số bất biến

Thứ 6, 22/09/2023 | 17:40:41
1,779 lượt xem
Chiều tối 21/9 theo giờ địa phương, Chủ tịch Quốc hội, Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Học viện Ngoại giao Bangladesh, trong đó thông điệp đặc biệt nhấn mạnh: “Giữa biến đổi của thời cuộc và thăng trầm của lịch sử, sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Bangladesh là hằng số bất biến”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chính sách tại Học viện Ngoại giao Bangladesh. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Với chủ đề “Quan hệ Hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Bangladesh: Cùng nhau phấn đấu vì tương lai tươi sáng và thịnh vượng của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới”, bên cạnh nội dung trình bày quan trọng của Chủ tịch Quốc hội nước ta, còn có sự tham trình bày phát biểu của các thành viên Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam; Quốc vụ khanh Bangladesh Md. Shahriar Alam; Giám đốc Học viện Ngoại giao Bangladesh, Đại sứ Mashfee Binte Shams; quyền Thứ trưởng Ngoại giao Bangladesh Md.Khurshed Alam; các nghị sĩ Bangladesh và đông đảo giảng viên, chuyên gia, học giả, nghiên cứu sinh Bangladesh và nước ngoài, cùng các cơ quan truyền thông hai nước.

Chia sẻ những giá trị vững bền nhân văn

Trước các diễn giả, nhà khoa học, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Bangladesh và Việt Nam chia sẻ nhiều nét lịch sử tương đồng.

Cả hai nước đều trải qua nhiều thập kỷ đấu tranh giải phóng dân tộc, cùng chia sẻ những tư tưởng lớn về độc lập dân tộc, tự do, bình đẳng, bác ái, tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam dẫn lại lời vị Cha già Dân tộc Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahma đã đề ra khẩu hiệu “Muốn làm bạn với tất cả các quốc gia, dân tộc và không kết thù chuốc oán với ai” (Friendship to all, malice towards none).

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam dẫn lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam, cũng nhiều lần tuyên bố, Việt Nam “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”; “Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Những tư tưởng lớn gần nhau, tầm nhìn vượt thời gian của hai vị lãnh tụ tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước coi là nền tảng của chính sách đối ngoại cho đến ngày nay.

Bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, Chủ tịch Quốc hội nhận định, trước tình hình thế giới thay đổi hết sức nhanh chóng và khó lường, với nhiều chuyển biến sâu sắc, chưa từng có tiền lệ, tạo ra một bức tranh đan xen nhiều mảng sáng-tối; trong đó, “hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn, là nguyện vọng thiết tha của mọi người dân tiến bộ trên toàn thế giới”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chính sách tại Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng: không ở nơi đâu trên thế giới, những thay đổi sâu sắc của tình hình quốc tế lại rõ như ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

“Đây là nơi hội tụ hầu hết những động lực của sự thay đổi cũng như chịu nhiều tác động đang diễn ra trên thế giới, đồng thời đây cũng là không gian an ninh và phát triển mà Việt Nam và Bangladesh đang cùng nhau chia sẻ”.

Chia sẻ câu chuyện Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội cũng đã chia sẻ về câu chuyện của Việt Nam, cũng có thể được xem là một câu chuyện điển hình về đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực vươn lên trước những tác động, thay đổi sâu sắc của thế giới và khu vực.

Theo đó, Việt Nam đã luôn kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và nỗ lực vượt bậc của toàn dân tộc, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện.

Theo Chủ tịch Quốc hội: Từ một quốc gia bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế với nhiều nỗ lực, dấu ấn nổi bật với 15 Hiệp định FTA mở ra quan hệ thị trường tiêu chuẩn cao với 60 quốc gia, đối tác.

“Những chiến sĩ mũ nồi xanh của Việt Nam đang sát cánh bên các đồng nghiệp quốc tế tại Phái bộ Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, Abyei; sát cánh cùng bạn bè quốc tế trong các công cuộc cứu hộ cứu nạn (như tại trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua)”.

“Việt Nam đã và đang phấn đấu thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030, và nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào 2050...”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Việt Nam luôn xác định người dân là trung tâm, là chủ thể và động lực chính của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bởi vì những thành tựu kinh tế-xã hội dù to lớn đến mấy, chỉ thực sự có ý nghĩa trọn vẹn khi mang đến cho người dân lợi ích thiết thực. Hòa bình và phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi người dân có cuộc sống an toàn, hạnh phúc và ấm no…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam luôn nỗ lực cao nhất để phát huy vai trò trong tổng thể công tác lập pháp, tạo dựng môi trường pháp luật thật sự xuất phát từ nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp hướng tới bảo đảm cao nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, coi đó là những ưu tiên hàng đầu.

Đón bắt những cơ hội lớn

Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ với các đại biểu Bangladesh, tại Hội nghị Nghị sĩ Toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam vừa đăng cai tổ chức vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định: trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay thì tương lai không đơn thuần chỉ là đường kéo dài của quá khứ. Điều đó chính là cơ hội cho những nước đang phát triển như Việt Nam và Bangladesh.

Đề cập Việt Nam và Bangladesh cùng cả cộng đồng quốc tế đều là những bộ phận gắn liền với thế giới và dòng chảy của thế kỷ 21, đòi cần có tư duy và hành động mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ tin tưởng, sự tham gia ngày càng tích cực của các nước vừa và nhỏ, sự đồng lòng phối hợp của các nước phương Nam, là không thể thiếu, nhất là trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

“Tất cả các nước dù lớn hay nhỏ đều nên thật sự trở thành là những đối tác có trách nhiệm, cùng nhau thúc đẩy đối thoại thay vì đối đầu; ủng hộ chủ nghĩa đa phương thay vì hành xử đơn phương; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác hiệu quả với các nước, nhất là các nước bạn bè truyền thống như Bangladesh, trong đó, đối ngoại Quốc hội Việt Nam có vai trò và vị trí ngày càng quan trọng, phát huy thế mạnh đặc thù, vừa là một kênh đối ngoại mang tính Nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc, góp phần đưa các mối quan hệ song phương và đa phương của Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất; thúc đẩy liên kết khu vực và hợp tác quốc tế, vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết với nhân dân các nước trên toàn thế giới.

Cho đến nay, hai bên đã thiết lập và duy trì đều đặn các cơ chế hợp tác quan trọng, trong đó có Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật.

Trong đà phát triển chung của quan hệ hợp tác giữa hai nước, quan hệ nghị viện giữa hai nước cũng đã có nhiều bước tiến vượt bậc.

Quốc hội hai nước đã và đang hợp tác chặt chẽ cùng nhau thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.

Hai bên cũng thường xuyên trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động nghị viện, nhất là trong xây dựng thể chế và hệ thống pháp luật, quản lý hành chính, giáo dục, du lịch và biến đổi khí hậu…

Xung lực mới

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Có thể nói, sau 5 thập kỷ hình thành và phát triển, quan hệ Việt Nam-Bangladesh đang phát triển bền chặt hơn bao giờ hết.

Để đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, viết lên một trang mới tươi sáng, tốt đẹp hơn trong nửa thế kỷ sau, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu 5 đề xuất quan trọng.

Đó là làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị, gia tăng tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa Lãnh đạo và các cấp, các ngành hai nước.

Theo đó, hai nước cần đẩy mạnh việc trao đổi đoàn và tiếp xúc ở tất cả các cấp, các kênh, trong đó có kênh Quốc hội. Việt Nam hoan nghênh và chào đón Lãnh đạo cấp cao Bangladesh sang thăm chính thức.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, hai nước cần phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN và Tầm nhìn của Bangladesh về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, góp phần bảo đảm các lợi ích an ninh và phát triển của mỗi bên; phát huy vai trò của các nước phương Nam đóng góp vào việc hình thành cấu trúc khu vực mở, bao trùm, cân bằng và duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Các đại biểu dự cuộc phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Bên cạnh chú trọng triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đồng thời, mở ra những kênh hợp tác mới, đáp ứng quan tâm và lợi ích của mỗi bên; theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, “hai nước tăng cường gắn kết kinh tế, coi đây là trọng tâm và động lực phát triển của quan hệ hai nước”.

Nội dung quan trọng cần được hướng tới, đó là hai nước cần tiếp tục khai phá các tiềm năng hợp tác mới về thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng, hải quan; tăng cường chia sẻ các kinh nghiệm, chính sách phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh, trong đó có việc triển khai mô hình “nhà máy xanh” trong lĩnh vực dệt may…

Hai bên cần thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ xanh; tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước kinh doanh và đầu tư tại thị trường của mỗi nước. Việt Nam đề cao và mong được tham khảo các mô hình kinh tế xanh, sản xuất xanh của Bangladesh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ


Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và có hiệu quả, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác hiệu quả với các nước, nhất là các nước bạn bè truyền thống như Bangladesh.

Trong đó, đối ngoại Quốc hội Việt Nam có vai trò và vị trí ngày càng quan trọng, phát huy thế mạnh đặc thù, vừa là một kênh đối ngoại mang tính Nhà nước, vừa mang tính Nhân dân sâu sắc, góp phần đưa các mối quan hệ song phương và đa phương của Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm sâu sắc hơn nữa hợp tác quốc phòng và an ninh; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước; tăng cường hợp tác trên cả kênh song phương và đa phương nhằm ứng phó với các thách thức biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, an ninh nguồn nước...

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu vấn đề cần kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nước phát triển tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và dành nguồn lực hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và Bangladesh.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng hai nước đang đứng trước những cơ hội to lớn để đưa quan hệ Việt Nam-Bangladesh phát triển mạnh mẽ.

“Hai bên hãy vững niềm tin, cùng hành động và phấn đấu, tương lai nhất định sẽ tốt đẹp hơn quá khứ, mà cách tốt nhất để dự báo tương lai là chúng ta hãy cùng nhau hành động để kiến tạo”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tại diễn đàn này, nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, Giám đốc Học viện Ngoại giao của Bangladesh, Đại sứ Mashfee Binte Shams; Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Bangladesh Shahriar Alam; quyền Thứ trưởng Ngoại giao Bangladesh Md.Khurshed Alam chia sẻ những nỗ lực của đất nước Bangladesh hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2041.

Điểm lại sự ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai đất nước trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc đến nay; thể hiện sự ngưỡng mộ sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của Việt Nam, các nhà lãnh đạo Bangladesh đã đánh giá hai nước có thể hướng tới hợp tác trong lĩnh vực kinh tế biển xanh, năng lượng xanh, ngư nghiệp, nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, sản xuất chế tạo, mang lại lợi ích cho hai bên và thịnh vượng chung...

Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh “Bangladesh và Việt Nam có dấu mốc son trong mối quan hệ ngoại giao”, bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng tương lai còn rất nhiều hứa hẹn tốt đẹp hơn nữa cho mối quan hệ hai nước phát triển ngày càng vững mạnh, vươn tới những tầm cao mới”.

Bà cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ ngoại giao với Việt Nam.

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Bangladesh Shahriar Alam phát biểu về những điểm tương đồng giữa hai đất nước, đó là những hy sinh gian khổ trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc...

Nhấn mạnh cùng với quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, theo ông Shahriar Alam, hai nước cần mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, giảm, xóa bỏ các hàng rào thuế quan hướng tới việc sớm đạt mục tiêu 2 tỷ USD kim ngạch thương mại.

Cùng với đó hai nước thiết lập đường bay thẳng để tăng cường giao lưu nhân dân, du lịch; đẩy mạnh hệ sinh thái doanh nghiệp, đẩy mạnh hơn hợp tác về thể chế trong ASEAN.

Các đại biểu mong Việt Nam hỗ trợ Bangladesh đẩy nhanh quá trình giúp Bangladesh trở thành đối tác đối thoại theo ngành, theo lĩnh vực của ASEAN...

Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư trở thành điểm sáng, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên. Thương mại song phương tăng gấp 4 lần trong vòng một thập kỷ qua và đang tiến gần tới mục tiêu 2 tỷ USD do Lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra.

Tại các cuộc làm việc chính thức hôm qua và qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và các nhà lãnh đạo Bangladesh tin tưởng rằng: với thị trường tiềm năng 170 triệu dân của và 100 triệu dân của Việt Nam, hai nước chúng ta còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại trong thời gian tới.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày