Thứ 6, 22/11/2024, 17:35[GMT+7]

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công cầu Đại Ngãi

Chủ nhật, 15/10/2023 | 13:16:19
2,151 lượt xem
Sáng 15/10, tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Trà Vinh, tại xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng do Bộ Giao thông vận tải phối hợp Ủy ban nhân dân hai tỉnh tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu bấm nút khởi công Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1703/QĐ-BGTVT ngày 23/12/2022. Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt với tổng mức đầu tư của dự án là 7.962,148 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước do Ban Quản lý dự án 85 - Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư Dự án.

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 15,14km, điểm đầu giao với Quốc lộ 54, thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu, thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Dự án gồm 2 công trình cầu chính (cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2) được đầu tư hoàn chỉnh với 4 làn xe, phần tuyến đầu tư phân kỳ với giai đoạn 1 gồm 2 làn xe với bề rộng mặt cắt ngang là 12m, vận tốc thiết kế 80km/giờ, mặt đường cấp cao A1.

Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 có chiều dài 2.560m, mặt cắt ngang cầu rộng cầu là 19,0m, phần cầu chính dạng kết cấu cầu dây văng có chiều dài nhịp chính L=450m lớn thứ 2 Việt Nam sau khi hoàn thành (sau cầu Cần Thơ L=550m và bằng cầu Vàm Cống), khổ thông thuyền: tổng bề rộng B=300m, trong đó luồng chính BxH=160x45m và 2 luồng hai bên BxH=70x37,5m. Cầu Đại Ngãi 2 dài 862m, mặt cắt ngang cầu rộng cầu là 17,5m, cầu chính dạng kết cấu cầu đúc hẫng với tổng chiều dài 330m, khổ thông thuyền BxH = 120x11m.

Phần tuyến thiết kế theo quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h; (2) Quy mô mặt cắt ngang: Phần đường: Giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe với Bnền = 20,5m. Giai đoạn phân kỳ quy mô 2 làn xe với Bnền = 12m; cầu trên tuyến: giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe, gồm 2 đơn nguyên cầu với Bc=10,5m. Giai đoạn phân kỳ đầu tư 1 đơn nguyên với quy mô 2 làn xe với Bc=10,5m; bố trí 7 nút giao, trong đó 5 nút dạng giao bằng và 2 nút giao bố trí nhánh tách nhập làn để kết nối với đường chui dưới cầu Đại Ngãi 1. Công tác giải phóng mặt bằng được tách thành tiểu dự án riêng do Ủy ban nhân dân 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng tổ chức thực hiện với tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 446,065 tỷ đồng.

Việc đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có ý nghĩa hết sức quan trọng; Dự án sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía nam với nhau và với Thành phố Hồ Chí Minh, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và bỏ thế độc đạo của Quốc lộ 1A, rút ngắn khoảng 80km so tuyến Quốc lộ 1A khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về Thành phố Hồ Chí Minh, giúp phát triển kinh tế-xã hội của 2 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và khu vực Tây Nam bộ, bảo đảm quốc phòng-an ninh của khu vực ven biển phía nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. 

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn dành nguồn lực lớn cho phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta đã bố trí nguồn lực thực hiện và phối hợp Trung ương và địa phương để làm việc này, đây là cách làm mới và đang chứng minh hiệu quả nhờ huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhân dân, doanh nghiệp với trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt thực hiện; thường xuyên tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; kiểm tra, giám sát, kiểm toán chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chiến lược về kinh tế, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, trù phú, giàu tiềm năng, phong phú bản sắc văn hóa nhưng yếu nhất của khu vực là hạ tầng giao thông nội vùng và kết nối vùng. Điểm yếu này phải giải quyết có trọng tâm, trọng điểm thì đồng bằng sông Cửu Long mới phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính


Thủ tướng nêu rõ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chiến lược về kinh tế, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, trù phú, giàu tiềm năng, phong phú bản sắc văn hóa nhưng yếu nhất của khu vực là hạ tầng giao thông nội vùng và kết nối vùng. Điểm yếu này phải giải quyết có trọng tâm, trọng điểm thì đồng bằng sông Cửu Long mới phát triển nhanh và bền vững.

Do đó chúng ta phải phát triển các loại hình giao thông vận tải, trong đó phát triển hệ thống đường giao thông, là trục dọc từ Trung Lương đến Mỹ Thuận, đi đến Cà Mau, Bạc Liêu; tuyến trục ngang đông-tây; hoàn thành các tuyến đường vành đai kết nối bằng các cầu, tỉnh lộ, phát huy tối đa hiệu quả hai trục cao tốc lớn mà được Chính phủ, các bộ, ngành quyết liệt kiểm tra với quyết tâm bảo đảm tiến độ, chất lượng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đồng thời, bảo đảm thi công an toàn, vệ sinh môi trường, kỹ mỹ thuật.

Thủ tướng đánh giá cao các địa phương đã ý thức trách nhiệm trong công tác này; đồng thời, nêu rõ, chúng ta cần phát triển hệ thống đường thủy nội địa, đường biển vì không phải đầu tư lớn làm hạ tầng, giải phóng mặt bằng không nhiều, phát huy lợi thế sông nước.

Theo Thủ tướng, những dự án thuộc công việc phát triển địa phương thì tỉnh phải làm. Bộ Giao thông vận tải phải rà soát lại việc này, tập trung phát triển cảng biển trong khu vực, các địa phương phải phát triển các cảng thủy nội địa trong khu vực.

Liên quan vấn đề phát triển hạ tầng hàng không, Thủ tướng cho biết, đang chỉ đạo nâng cấp, mở rộng các sân bay; việc này giao Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để nâng cấp, thí dụ như sân bay Cà Mau; nghiên cứu nâng cấp một số sân bay Rạch Giá, khôi phục một số sân bay có từ trước. Có như vậy, chúng ta mới phát triển đồng bộ được.

Thủ tướng nhấn mạnh, đã gọi là trọng tâm, trọng điểm thì chúng ta phải ưu tiên nguồn lực cho phát triển. Đối với hệ thống giao thông đường sắt, phải triển khai, trước hết là từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, việc này Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu triển khai. Chúng ta phải bắt đầu nghiên cứu và tính toán, bố trí nguồn lực để báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, chúng ta cần đồng bộ triển khai 5 phương thức vận tải để tạo phát triển đột phá đồng bằng sông Cửu Long nhiệm kỳ này và các nhiệm kỳ sau, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long; quyết liệt thực hiện để đạt mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã giao phó. Như vậy, chúng ta phải phát triển nhanh hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, nghiên cứu phát triển hệ thống đường sắt.

Đây là nhiệm vụ nặng nề, rất khó khăn nhưng buộc phải làm để đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, tạo sinh kế cho người dân.

Về vấn đề huy động nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu phải tự lực, tự cường, biến không thành có, biến không thể thành có thể; các bộ, ngành, địa phương phải tự lực, tự cường, đi lên từ nội lực; đó là con người phải luôn đổi mới tư duy, đổi mới sáng tạo, đổi mới cách nghĩ cách làm, có tầm nhìn chiến lược thì mới tạo ra nguồn lực; đổi mới các tổ chức thực hiện để tạo động lực mới. Nguồn lực bắt nguồn từ nhân dân, phải lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải coi trọng nguồn đầu tư của Nhà nước, tiếp đó là huy động cả nguồn lực của xã hội.

Các thiết bị, máy móc thi công tại lễ khởi công. 

Thủ tướng đề nghị, Bộ Tài chính phải nỗ lực hơn nữa, cắt giảm các thủ tục để tranh thủ nguồn vốn vay nước ngoài, xác định trọng tâm, trọng điểm để làm nhanh, kịp thời, hiệu quả. Chúng ta phải kết hợp các sức mạnh này trong huy động nguồn lực này.

Thủ tướng nêu rõ, cầu Đại Ngãi nằm trên Quốc lộ 60 có vị trí chiến lược; vai trò hết sức quan trọng; biểu dương và đánh giá cao các bộ, ngành đã tập trung triển khai các thủ tục đầu tư, rút ngắn tiến độ; biểu dương hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng đã tổ chức tốt công tác giải phóng mặt bằng; cảm ơn nhân dân trong vùng dự án đã đồng tình chủ trương của Đảng, Nhà nước để di dời đến nơi khác để nhường đất cho xây dựng công trình.

Thủ tướng cho biết, từ hôm nay đến lúc hoàn thành công trình cũng còn rất nhiều việc gian nan, chúng ta phải “vượt nắng, thắng mưa”, khắc phục mọi khó khăn đột xuất, bất ngờ; phải rút ngắn thời gian thi công bằng các công nghệ mới; đề nghị kết thúc dự án này chậm nhất là đến tháng 12/2025; Bộ Giao thông vận tải phải bảo đảm hoàn thành việc này; biểu dương hai nhà thầu xây lắp và tư vấn giám sát đã cam kết bảo đảm tiến độ đề ra.

Thủ tướng yêu cầu, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa; xác định trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; nêu cao tinh thần trách nhiệm rất cao để hoàn thành nhiệm vụ; rút ngắn tiến độ nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

Bộ Giao thông vận tải phải quán triệt tinh thần này, tính toán lại biện pháp thi công, bố trí nguồn lực; càng hoàn thành sớm công trình thì càng mang lại hiệu quả cao, càng tiết kiệm vốn.

Kinh nghiệm cho thấy, tại những công trình trọng điểm như sân bay Long Thành, hoặc các đường cao tốc vừa được triển khai thi công, nếu chúng ta quyết tâm lớn, có giải pháp phù hợp, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng thì sẽ khắc phục được các khó khăn, vướng mắc và triển khai thuận lợi.

Thủ tướng nêu rõ, phần công tác giải phóng mặt bằng còn lại thì hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng phải nỗ lực lớn, phấn đấu hết năm 2023 này bàn giao toàn bộ mặt bằng cho thi công. Nhà thầu thi công đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải ra sản phẩm, tập trung tối đa nhân lực, máy móc thi công; Bộ Giao thông vận tải phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng chống tiêu cực; đơn vị tư vấn giám sát phải sát sao công việc, liên tục tăng cường giám sát thi công, chống mọi biểu hiện tiêu cực, không được lơ là chức trách.

Cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông vận tải có thêm nhiệm vụ mới so quyết định phê duyệt dự án, do đó Bộ phải tổ chức lại công việc bởi hệ thống giao thông đang được triển khai suốt từ bắc chí nam, đông sang tây; phải bảo đảm yêu cầu tiến độ, chất lượng, tăng cường giám sát, kiểm tra, bảo đảm an toàn trong thi công, vệ sinh môi trường, yêu cầu về kiến trúc, kỹ mỹ thuật;

Công trình cầu ở khu vực này phải thể hiện bản sắc văn hóa địa phương. Cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông vận tải phải bảo đảm yêu cầu tiến độ, chất lượng, tăng cường giám sát, kiểm tra, bảo đảm an toàn trong thi công, vệ sinh môi trường, yêu cầu về kiến trúc, kỹ mỹ thuật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính


Thủ tướng lưu ý công trình cầu ở khu vực này phải thể hiện bản sắc văn hóa địa phương; các bộ, ngành liên quan phải bám sát công việc, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có trách nhiệm phối hợp hai tỉnh xử lý việc bảo đảm nguyên vật liệu đắp nền; các bộ ngành liên quan phải tập trung bảo đảm vốn cho công trình bởi phần vốn của Trung ương giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hạ tầng giao thông.

Bộ Xây dựng phải tính toán lại đơn giá xây dựng phù hợp; đề ra các tiêu chuẩn kiến trúc; bảo đảm nguyên vật liệu xây dựng, không để Thủ tướng nhắc nhở mới làm mà phải chủ động làm; vấn đề quan trọng là không được để xảy ra tiêu cực trong việc cấp các mỏ đất, đá… Chúng ta đã có cơ chế giao trực tiếp các mỏ cho nhà thầu thì phải làm nghiêm, không được để các đầu nậu tư nhân thao túng, găm hàng, đẩy giá.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải trực tiếp kiểm tra, giám sát việc này. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có trách nhiệm bảo đảm nguyên vật liệu cho các công trình giao thông.

Các bộ, ngành phải vào cuộc, lắng nghe ý kiến của nhân dân; hai tỉnh phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu bởi đây là công trình trọng điểm quốc gia, tất cả phải có trách nhiệm làm tốt; phải ổn định đời sống, sinh kế cho nhân dân với nguyên tắc người dân di dời đến nơi ở mới ít nhất có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; nhân dân đồng tình với chủ trương của Đảng, Nhà nước, tăng cường giám sát, tránh việc khiếu kiện đông người; nơi nào chưa làm đúng thì phải làm đúng, chưa hiệu quả thì phải làm cho hiệu quả với tinh thần không được cản trở công việc chung, bảo đảm nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân; kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình lợi dụng, kích động để chống phá.

Đối với các nhà thầu, Thủ tướng yêu cầu thực hiện với tinh thần tất cả vì lợi ích của đất nước, nhân dân, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; tất cả đều phải có trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước, tạo ra sức mạnh tổng hợp từ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thủ tướng tin tưởng rằng, với vào sự tổ chức công việc của các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của nhân dân, nỗ lực của các doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ hoàn thành công trình này vào tháng 12/2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Nhựt, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. 

* Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Nhựt (sinh năm 1933) tại ấp Từ Ô, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, có chồng và 1 con trai là liệt sĩ.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày