Thứ 5, 09/01/2025, 23:22[GMT+7]

Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững

Thứ 4, 15/11/2023 | 15:05:29
8,408 lượt xem
Sáng ngày 15/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Video: 151123_-_Truc_tuyen_Du_lich.mp4?_t=1700043721

 

Dự hội nghị có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương. Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực của toàn ngành du lịch, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa. Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm. Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng tại lễ trao giải thưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2023 của giải thưởng World Travel Awards, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Theo đánh giá, du lịch là điểm sáng trong phục hồi của nền kinh tế đất nước.

Các đại biểu dự hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, bàn các giải pháp để phát triển du lịch nhanh, bền vững. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 đón mỗi năm 18 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trực tiếp từ 6 - 8% trong GDP. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa mỗi năm, đóng góp trực tiếp từ 10 - 13% trong GDP.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số quan điểm phát triển du lịch trong thời gian tới. Theo đó, phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch để phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững, hiệu quả cao. Xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư…

Về một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: định hướng phát triển xuyên suốt của du lịch Việt Nam đã được xác định trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 là "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện". Thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 82 của Chính phủ với phương châm "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện", trong đó tập trung: Thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn, hình thành các liên kết vùng tạo động lực tăng trưởng du lịch. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập. Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, đặc biệt chú trọng đến vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… Đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.

Thủ tướng tin rằng, với sự nỗ lực, cố gắng của ngành du lịch, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các bộ, ngành, sự liên kết và hợp tác đồng bộ, chặt chẽ từ trung ương đến địa phương và sự hưởng ứng tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và "cất cánh".

Tú Anh – Thu Trang

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày