Thứ 5, 28/11/2024, 01:43[GMT+7]

Triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024

Thứ 6, 17/11/2023 | 17:14:39
2,163 lượt xem
Sáng ngày 17/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023, triển khai chương trình giám sát năm 2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận hội nghị.

Các đồng chí: Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Thu Hà , Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh; Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện một số sở, ngành của tỉnh.

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu các sở, ngành, đơn vị liên quan dự hội nghị.

Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023 khẳng định: Với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội không ngừng được cải tiến, đổi mới, bảo đảm tiến độ, ngày càng đi vào thực chất. Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được tăng cường; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới. Năm 2023, Quốc hội đã chọn giám sát tối cao 2 chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật. Hoạt động “giám sát lại” được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa; tổ chức chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV, khóa XV thực chất, hiệu quả. Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên…

Tại hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã tham gia phát biểu thảo luận làm rõ kết quả hoạt động năm 2023, nhất là những đổi mới, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm, mục tiêu, nhóm giải pháp triển khai hiệu quả hoạt động giám sát năm 2024, công tác lãnh đạo, điều hòa tổ chức giám sát, giải quyết kết luận sau giám sát…

Phát biểu kết luận, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bên cạnh những hoạt động giám sát theo quy định, năm 2024 cũng là năm Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lựa chọn các chuyên đề giám sát, trong đó có nội dung đã được tổ chức sơ kết và có Kết luận của Bộ Chính trị. Đây cũng là năm tiến hành tổng kết, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Để các cơ quan nâng cao tính chủ động, tập trung hơn nữa triển khai có hiệu quả chương trình giám sát năm 2024, đồng chí đề nghị các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần chủ động trong hoạt động giám sát; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Các đoàn giám sát cần tận dụng tối đa tài liệu, hồ sơ sẵn có về sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách thức tiến hành chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó cần thẩm tra kỹ các báo cáo, tờ trình trình kỳ họp; quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Các đại biểu Quốc hội cần chủ động đổi mới hoạt động giám sát của mình theo hướng tăng cường tính độc lập, hạn chế phụ thuộc vào chương trình giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ở trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát. Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày