Thứ 6, 22/11/2024, 12:12[GMT+7]

Lai Châu chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp khai khoáng bền vững và nông nghiệp sinh thái

Chủ nhật, 19/11/2023 | 15:53:58
2,141 lượt xem
Sáng 19/11, tiếp tục chương trình công tác tại Lai Châu, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trên địa bàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lai Châu. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Lai Châu: tăng trưởng được thúc đẩy, GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 47,2 triệu đồng, tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2023 giảm bình quân 3,4%/năm, riêng huyện nghèo giảm bình quân 4,7%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ Tỉnh đề ra (lần lượt là 3% và 4%).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 38,03%; dịch vụ chiếm 40,14%; nông nghiệp chiếm 15,16%). Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao, cây trồng có lợi thế và giá trị gia tăng cao.

Toàn tỉnh có 171 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Dịch vụ, du lịch phát triển khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng 12,9%, trung bình giai đoạn 2021-2023 tăng khá cao (tăng bình quân 10,8%/năm); du lịch được quan tâm phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khách du lịch tăng bình quân 33,2%/năm (vượt mục tiêu của nhiệm kỳ là tăng bình quân 20%/năm).

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư. Hiện có 99% xã có đường xe máy hoặc ô-tô đi lại thuận lợi; 99,7% trường học được xây dựng kiên cố, 94,2% trạm y tế được xây dựng kiên cố; các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tích cực. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh.

Năm 2022, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 27 cả nước, tăng 28 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 24, tăng 14 bậc; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 35, tăng 1 bậc.

Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lai Châu.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2023 giảm bình quân 3,5%/năm, riêng huyện nghèo giảm bình quân 4,9%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ Tỉnh đề ra (lần lượt là 3% và 4%).

Quốc phòng-an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới, ngày càng thiết thực, hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên…

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khoẻ, sự mong đợi, tin tưởng, kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu; Tổng Bí thư tin tưởng Lai Châu sẽ hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra năm 2023 cao hơn năm 2022.

Thủ tướng nêu rõ, Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế-xã hội, nhất là về nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, khai khoáng và thương mại, xuất nhập khẩu. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lai Châu, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như quy mô kinh tế còn nhỏ, hạ tầng giao thông chưa giải quyết được, còn nhiều nút thắt; vấn đề cải cách thủ tục hành chính… Do đó Thủ tướng hy vọng thời gian tới, Lai Châu sẽ nỗ lực khắc phục được những vấn đề này.

Thủ tướng đề nghị Lai Châu chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, tập trung vào lợi thế cây dược liệu, cây công nghiệp, sản xuất các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng chế biến chế tạo các địa sản phẩm có thế mạnh, lợi thế để phát triển nhanh bền vững, nhất là công nghiệp điện năng, khai khoáng, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phải tạo đột phá về dịch vụ, đó là du lịch sinh thái, khai thác bản sắc văn hóa các dân tộc, thế mạnh tự nhiên địa hình ở độ cao; phát triển dịch vụ thương mại điện tử, thương mại biên giới. 


Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải thực hiện 3 đột phá chiến lược theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông, kết nối giao thông vì tỉnh đất rộng người thưa, phải tính kỹ vấn đề này. Lai Châu chỉ có một trong 5 phương thức giao thông là đường bộ. Đây là yêu cầu cấp bách, vừa là lâu dài của tỉnh. Phải ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển nhanh, bền vững, tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Huy động nguồn lực phải tổng thể, đa dạng, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hoá và hợp tác công tư; giữ được đường biên giới hoà bình, hợp tác và phát triển; tăng cường xây dựng Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức, đảng viên.

Thủ tướng nêu rõ, Lai Châu có tiềm năng, lợi thế, nếu biết cách, có tư tưởng chỉ đạo, tổ chức thực hiện đúng thì tỉnh sẽ phát triển đi lên. Do đó, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV…

Bám sát thực tiễn, điều chỉnh nhiệm vụ phù hợp tình hình và khả năng của tỉnh, phải thay đổi tư duy, phương pháp luận; tập trung cải cách thủ tục hành chính triệt để, nhất là những thủ tục rườm rà, làm tăng chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; phải phát triển tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa khẩu; không trông chờ, ỷ lại; đầu tư công không được dàn trải và kéo dài. Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.

Phát triển các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thực hiện vốn đầu tư công ở các địa phương; nghiêm cấm các biểu hiện tiêu cực, “cài cắm” lợi ích; xây dựng hệ thống hành chính trong sạch, vững mạnh, xây dựng vị trí việc làm để thực hiện Nghị quyết 18, xây dựng bộ máy tinh gọn, tinh giảm biên chế nhưng bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao năng lực quản lý; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng. Phát triển nông nghiệp sinh thái, dược liệu. Phát triển công nghiệp điện, khai khoáng bền vững; phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát, đánh giá trữ lượng đất hiếm, quy hoạch phát triển cao nguyên Sìn Hồ gắn với phát triển du lịch gắn với bản sắc các dân tộc; phát triển hiệu quả vùng kinh tế động lực; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, ít phát thải carbon, methane; phát triển tín chỉ rừng, phát triển điện sinh khối. Xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng cao, gắn với nét đẹp thiên nhiên hùng vĩ, tăng cường quảng bá du lịch, liên kết du lịch với các địa phương lân cận. Gìn giữ những giá trị văn hoá đặc sắc của Lai Châu.

Tuyên truyền các mô hình kinh tế hay; nâng cao chất lượng các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho đồng bào vùng sâu, vùng xa; phát triển các trường dân tộc nội trú; xoá điểm lõm về sóng và điện; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở khu vực biên giới, phát triển và xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc, góp phần chống các loại tội phạm xuyên biên giới; giải quyết tốt các vấn đề dân tộc, tôn giáo; coi trọng công tác xây dựng Đảng; giáo dục rèn luyện đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nói không với tiêu cực.

Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên, ở đâu có bệnh nhân, ở đó phải có bác sĩ nhưng phải hợp lý. Giảm bớt cán bộ công chức ở tỉnh, tăng cường cán bộ về cấp huyện; ở huyện phải tăng cường về xã với tinh thần tăng cường cho cơ sở; phát huy vai trò giám sát phản biện của nhân dân; phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, đoàn kết quốc tế.

Tại buổi làm việc, về các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải cùng với tỉnh nghiên cứu làm đường cao tốc nối tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai sang Lai Châu, nối với Cửa khẩu Ma Lù Thàng; làm hầm đường bộ xuyên đèo Khau Co nối Lai Châu với Lào Cai trên tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; về việc xây dựng sân bay, Lai Châu cần nghiên cứu cân nhắc tổng thể, nếu hiệu quả hơn các phương thức vận tải khác thì triển khai dưới hình thức hợp tác công tư. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần đánh giá, cân đối lại, khai thác tối đa công suất các nhà máy thuỷ điện hiện có, rút kinh nghiệm vừa qua, tích nước hợp lý bảo đảm phục vụ cho cả mùa khô; tỉnh cũng cần đánh giá lại trữ lượng mỏ đất hiếm để quy hoạch lại…

Thủ tướng dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.

Thủ tướng lưu ý Lai Châu nỗ lực thực hiện lời dạy của Bác Hồ trước đây, đó là đoàn kết, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau.

* Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày