Thứ 3, 05/11/2024, 21:22[GMT+7]

Quyết tâm, nỗ lực cao nhất hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch tháng 12 và cả năm 2023

Thứ 5, 07/12/2023 | 08:53:02
1,420 lượt xem
Ngày 6/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chỉ còn ít ngày nữa là chúng ta kết thúc năm 2023, và chỉ còn đúng 1 tháng nữa là tiến hành Hội nghị tổng kết năm 2023; phiên họp này đánh giá tình hình tháng 11, nhìn lại 11 tháng qua, dự báo và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho tháng 12.

Thủ tướng nêu rõ, nhìn lại tháng 11 và 11 tháng qua, chúng ta cần đánh giá những việc gì đã làm tốt, việc gì làm chưa tốt ? Nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan ? Tình hình có gì khác so tháng 10/2023 và so cả năm 2022? Những cái làm được là do tự nhiên đến hay do lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế?

Đánh giá về những vấn đề chưa được, thí dụ như vấn đề bất động sản, hay tiếp cận vốn ngân hàng, là những vấn đề được phản ánh nhiều; hay như thị trường trái phiếu doanh nghiệp được phát hiện kịp thời, ban hành Nghị định điều chỉnh, là việc cần nhìn thẳng vào thực tiễn với tinh thần cầu thị, rút ra bài học kinh nghiệm, vì lợi ích đất nước, nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. 

Thủ tướng nêu rõ, nhìn lại tháng 11, các mục tiêu đề ra được thực hiện cơ bản là tốt: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định trong điều kiện kinh tế thế giới bấp bênh; kiểm soát lạm phát; tăng trưởng ba khu vực như nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp phục hồi nhất là chế biến, chế tạo; đời sống nhân dân được nâng lên; chính trị ổn định, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đối ngoại tiếp tục là điểm sáng của năm; sự đoàn kết giữa Trung ương và địa phương ngày càng được củng cố; niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước càng được nâng lên; phản ứng chính sách của chúng ta ngày càng kịp thời, thí dụ trước tình hình thay đổi lãi suất của FED.

Tuy nhiên, chúng ta phải đặt vấn đề tại sao tiếp cận tín dụng lại vẫn khó khăn; hay như chính sách tài khóa thì giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện tốt, đó là do điều hành hay tự dưng đến, phải phân tích kỹ; hay như vấn đề thu ngân sách nhà nước, lúc đầu dự báo khó khăn, nhưng nhờ thực hiện số hóa, chỉ đạo quyết liệt, “thu đúng, thu đủ, thu kịp thời”, đến nay chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đạt 95% dự toán; giảm thuế kịp thời, thị trường chứng khoán cũng được tác động kịp thời, nhờ đó thanh khoản tốt, “tăng dần đều”, trở nên lành mạnh hơn; tuy nhiên vẫn còn vấn đề phải điều chỉnh, như liên quan vấn đề tiếp cận vay vốn gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội cần phải thúc đẩy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. 

Thủ tướng nhấn mạnh, tháng 12 này, phải rà soát 5 chỉ tiêu khó đạt, phải phấn đấu cao nhất có thể, ưu tiên cho tăng trưởng, chấp nhận phần nào đó của chỉ số lạm phát, vì chỉ tiêu lạm phát vẫn còn dư địa, trong khi kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, do đó phải đẩy tín dụng ra, vừa phải bảo đảm kiểm soát lạm phát mục tiêu; vừa phải tăng thu, tiết kiệm chi, đẩy mạnh các công cụ khác để bảo đảm ổn định, phát triển. 


Đối với tình hình tháng 12, Thủ tướng cho rằng đến nay chưa có gì biến động lớn so 11 tháng qua, tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, như chiến tranh ở dải Gaza tác động giá dầu trên thế giới, do đó chúng ta phải sẵn sàng ứng phó những cú sốc bên ngoài, do vậy kinh tế vĩ mô phải ổn định, đời sống nhân dân phải được bảo đảm cả về vật chất lẫn tinh thần, phải được phát huy dân chủ, sự sáng tạo, được hỗ trợ khi cần thiết; phải duy trì xuất khẩu tốt nhưng phải có dự trữ, như trong vấn đề xuất khẩu gạo, như bảo đảm an ninh lương thực trong nước cũng như góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới; đây cũng là kinh nghiệm để xử lý những vấn đề sau này. 

Các đồng chí Phó Thủ tướng và lãnh đạo bộ tham dự phiên họp. 

Tháng 12 này hết sức quan trọng, quyết định đến thực hiện các chỉ tiêu cả năm như tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tỷ trọng trong công nghiệp chế biến, chế tạo. Thủ tướng đề nghị các địa biểu phân tích kỹ tình hình, đưa ra giải pháp phù hợp. Các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi thì phải cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì phải quyết tâm hơn nữa để đạt kết quả năm 2023 cao hơn năm 2022 như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn.

* Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tính tăng 3% so tháng trước và tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, IIP ước tăng 1% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%); trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,7%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 2,8%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11 ước đạt 70,3 nghìn tỷ đồng, tăng 19,9% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 549,1 nghìn tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm và tăng 22,1% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 74,9% và tăng 20,9%).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu. 

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2023 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2023 ước đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so cùng kỳ năm trước.

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 11/2023 ước đạt 126,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2023 ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán năm và giảm 7,1% so cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 552,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước và tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,0% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).

Trong tháng 11, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,88 tỷ USD, giảm 1,4% so tháng trước và tăng 5,9% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 31,08 tỷ USD, giảm 3,6% so tháng trước và tăng 6,7% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,50 tỷ USD, giảm 5,9% so cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 29,8 tỷ USD, tăng 1% so tháng trước và tăng 5,1% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 296,67 tỷ USD, giảm 10,7% so cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 11 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 278,18 tỷ USD, chiếm 93,8%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 ước tính xuất siêu 1,28 tỷ USD; tính chung 11 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD)…

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác chỉ đạo, điều hành và tình hình kinh tế-xã hội:

Về chỉ đạo, điều hành: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, xử lý các vấn đề vướng mắc, phối hợp tốt với Quốc hội, ban hành nhiều Nghị quyết; Chuẩn bị tốt nhất các nội dung cho Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, bảo đảm tiến độ, chất lượng, góp phần vào thành công của Kỳ họp; Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật: Tổ chức Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 3 đề nghị xây dựng luật.

Chính phủ ban hành 7 văn bản quy phạm (5 Nghị định và 2 Quyết định quy phạm của Thủ tướng); 29 Nghị quyết; Thủ tướng ban hành 8 công điện đôn đốc triển khai các nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực. Tính chung 11 tháng, Chính phủ ban hành 78 Nghị định, 236 Nghị quyết; Thủ tướng ban hành 29 Quyết định quy phạm pháp luật, 1.575 Quyết định cá biệt, 28 Chỉ thị.

Chính phủ đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh: bằng thể chế, hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng để giảm chi phí đầu vào, logistics, tăng cạnh tranh cho sản phẩm. Thể chế là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý.

Trong 11 tháng, Chính phủ đã miễn, giảm, gia hạn trên 172 nghìn tỷ đồng thuế, phí, tiền sử dụng đất (trong đó miễn, giảm khoảng 65 nghìn tỷ đồng). Đề án đầu tư 1 triệu căn nhà ở xã hội, các gói tín dụng 120 nghìn tỷ cho vay nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ cho vay lâm sản, thủy sản được đẩy nhanh.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chuyển biến tích cực, tổng khối lượng phát hành 11 tháng đạt 214,3 nghìn tỷ; sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từng bước phát huy hiệu quả, tổng giá trị giao dịch đạt trên 107,44 nghìn tỷ đồng.

Thường trực Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến, chỉ đạo, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; 26 Tổ công tác đi xuống các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc…

"Chúng ta phải bám sát thực tế, tôn trọng thực tế, xuất phát từ thực tế. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì, dự các Hội nghị quan trọng, chỉ đạo giải quyết những vấn đề cấp bách, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; lắng nghe để phản ứng kịp thời; chú ý lắng nghe, phản ứng chính sách kịp thời mà người dân, doanh nghiệp phản ánh. Triển khai tích cực, hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; sau các thoả thuận cấp cao, chúng ta đã xây dựng đề án, chương trình để thực hiện những thoả thuận trong chuyến thăm", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Chúng ta có nhiều điểm sáng trong bối cảnh thế giới khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính


Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng, Thủ tướng đánh giá, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thị trường lao động cân đối được; kiểm soát bội chi ngân sách, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài; chúng ta có dư địa để thúc đẩy tăng trưởng bằng các chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, thương mại; thặng dư lớn trong xuất nhập khẩu.

Thủ tướng yêu cầu cần phân tích kỹ để có giải pháp trong chỉ đạo, điều hành cho tốt; Bảo đảm làm chủ an ninh lương thực, tiếp tục xuất khẩu lương thực, thu về ngoại tệ hơn 4 tỷ USD, từ đó khuyến khích nông dân, các tỉnh tăng cường sản xuất nông nghiệp.

Công nghiệp tăng trưởng, dịch vụ tăng cao; đầu tư phát triển tạo kết quả tích cực, tiếp tục tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công để đóng góp vào tăng trưởng; phát triển doanh nghiệp tích cực hơn; công tác quy hoạch được đẩy mạnh. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Chúng ta có nhiều điểm sáng trong bối cảnh thế giới khó khăn.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương; nêu cao tinh thần trách nhiệm; đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Người đứng đầu các bộ, cơ quan liên quan trực tiếp chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để rà soát, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các Nghị quyết trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường sắp tới.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung vào các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư; bảo đảm xử lý các vướng mắc, tồn tại; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách Nhà nước; tăng thu và giảm chi thường xuyên; dứt khoát trong tháng 12 này, việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém phải có đầu ra. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư tư nhân, FDI. Tăng cường thúc đẩy, củng cố các thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, mở rộng thị trường sang Trung Đông, Mỹ Latinh; đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, các giải pháp thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, trong đó: thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ. 


Tập trung phát triển kinh tế tại các đô thị lớn để tiếp thêm động lực cho tăng trưởng; tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chíp bán dẫn, linh kiện… thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới Hydrogen; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Tổ chức tốt sự kiện Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 và các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước, bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Tăng cường kết nối nội vùng; phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ ngành mới nổi nhất là sản xuất chip, hydrogen, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng xanh; củng cố các thị trường truyền thống.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch; hoàn thành phân bổ chi tiết toàn bộ số vốn đầu tư công kế hoạch 2023 còn lại trước ngày 10/12/2023. Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng… để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, cao tốc, liên vùng, đường ven biển. Phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023.

Khẩn trương hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch; đặc biệt chú trọng bảo đảm chất lượng, đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch; triển khai nhanh, hiệu quả các quy hoạch đã ban hành. Thực hiện các thủ tục chuyển 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công hằng năm cho Bộ Giao thông vận tải và 08 địa phương để triển khai thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia. 


Khẩn trương trình Chính phủ Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc này). Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực: tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư... đã ban hành.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, chồng chéo (xác định rõ nội dung, quy định pháp luật cụ thể, thẩm quyền xử lý) để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Hoàn thành việc sửa đổi các Nghị định, Thông tư để tháo gỡ khó khăn về đất đai, nhất là công tác định giá đất, ban hành ngay trong đầu tháng 12/2023 để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án bất động sản tạo đà cho phục hồi thị trường bất động sản.

Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; nâng cao chất lượng dịch vụ công, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát huy hơn nữa vai trò của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan tập trung triển khai thực hiện Đề án 06 theo tinh thần bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trên cơ sở Báo cáo của Tổ công tác; Bộ Công an đề xuất cụ thể về việc khen thưởng, kỷ luật ngay trong tháng 12/2023 (trước khi tổ chức Hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện Đề án 06). 


Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Về công nghiệp: thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo. Trong đó: tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu.

Triển khai quyết liệt, bảo đảm tiến độ, chất lượng các đề án, nhiệm vụ, công việc được giao hoàn thành trong năm 2023, bảo đảm chất lượng. Hoàn thành 3 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 70km (cầu Mỹ Thuận 2, Mỹ Thuận-Cần Thơ, Tuyên Quang-Phú Thọ) trong tháng 12; hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia…; khánh thành sân bay Điện Biên Phủ chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Về nông nghiệp: phải đầu tư lãnh đạo, chỉ đạo, khoa học công nghệ, kinh phí để nông nghiệp thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế. Về dịch vụ, du lịch: cần mở rộng diện miễn visa rộng hơn, vấn đề là kiểm soát tốt độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị trong nước. Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội; làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội, nhất là dịp cuối năm; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác thông tin truyền thông; không để xảy ra khiếu kiện đông người. Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị và tổng kết năm 2023. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đề cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm kết quả năm sau cao hơn năm trước, quý sau cao hơn quý trước, tháng sau cao hơn tháng trước, xử lý các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phát huy bài học kinh nghiệm, cách làm hay.

Theo: nhandan.vn



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày