Thứ 3, 05/11/2024, 17:22[GMT+7]

Sẽ sửa Luật Thuế giá trị gia tăng trong năm 2024

Thứ 2, 18/12/2023 | 18:30:54
1,769 lượt xem
Với tỷ lệ biểu quyết tán thành 100%, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó có dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, với tỷ lệ tán thành 100%. (Ảnh: DUY LINH).

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 28, sáng 18/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Bốn dự án Chính phủ đề xuất gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Trình bày tờ trình về nội dung này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ xem xét, thông qua tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 28/7/2023 với 5 nhóm chính sách: (1) Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; (2) Hoàn thiện các quy định về giá tính thuế giá trị gia tăng; (3) Hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng; (4) Hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; (5) Hoàn thiện các quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Đối với dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua năm 2011, có hiệu lực thi hành năm 2021. Bên cạnh kết quả đạt được quá trình triển khai luật bộc lộ một số khó khăn, bất cập yêu cầu phải sửa đổi luật hiện hành.

Theo đó, Hồ sơ đề nghị xây dựng luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8, với 3 nhóm chính sách: (1) Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; (2) Quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; (3) Hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi 4 luật nêu trên để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thi hành các luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Về từng đề nghị xây dựng luật cụ thể, với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), ông Tùng cho hay, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đề nghị bổ sung làm rõ một số nội dung.

Cụ thể là làm rõ hơn căn cứ điều chỉnh các đối tượng từ không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%; rà soát các nhóm sản phẩm chịu thuế để bảo đảm bao quát đối tượng chịu thuế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra đề nghị của Chính phủ. (Ảnh: DUY LINH).

Cùng với đó, nghiên cứu, rà soát luật hóa các quy định dưới luật liên quan đến giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo các hình thức chuyển nhượng đang được thực hiện ổn định, không phát sinh vướng mắc để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, minh bạch, thuận tiện trong áp dụng pháp luật.

Các cơ quan của Quốc hội cũng đề nghị làm rõ hơn lý do bổ sung quy định thuế suất đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành sản phẩm khác. Làm rõ thêm về cơ sở thực tiễn, tác động của việc sửa đổi, bổ sung điều kiện khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Đồng thời, cần xem xét lại việc bổ sung quy định trong trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai, sót thì thực hiện kê khai, khấu trừ bổ sung theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Đối với Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 như đề nghị của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), ông Tùng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (lùi một kỳ so với đề nghị của Chính phủ) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, đánh giá tác động, bảo đảm chất lượng dự án Luật.

Với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đa số ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp để sớm ban hành Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Một số ý kiến đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 hoặc trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội, vì theo Chương trình đã được Quốc hội quyết định, tại Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã được giao chủ trì 5 dự án luật.

Tại phiên họp, với 100% biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày