Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 - 01/01/2024) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tấm gương người cộng sản kiên trung
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại cho các thế hệ sau một tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên trung mẫu mực hết mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với Ðảng, tận hiếu với Nhân dân là bản chất cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của Nhân dân dưới ách áp bức thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, đồng chí Nguyễn Chí Thanh sớm nung nấu lòng yêu nước, tinh thần cách mạng. Năm 17 tuổi, người thanh niên Nguyễn Vịnh bắt đầu tham gia các cuộc đình công đòi giới chủ trả tiền công cho người lao động.
Ðược các đồng chí đi trước dìu dắt và tôi luyện trong thực tiễn hoạt động đấu tranh cách mạng, Ðồng chí nhanh chóng trưởng thành. Tháng 7/1937, Ðồng chí vinh dự được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương (nay là Ðảng Cộng sản Việt Nam); đến cuối năm 1937, được cử làm Bí thư Chi bộ Niêm Phò, tổ chức đảng đầu tiên của huyện Quảng Ðiền và được giới thiệu tham gia Tỉnh ủy lâm thời. Năm 1938, khi mới 24 tuổi, Ðồng chí được Ðảng tin cậy giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Dưới sự chỉ đạo của người Bí thư Tỉnh ủy trẻ tuổi, đầy bản lĩnh, tài năng, phong trào đấu tranh chống ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến của nhân dân Thừa Thiên phát triển mạnh mẽ.
Với những hoạt động cách mạng tích cực của mình, trong hai năm 1938-1939, đồng chí Nguyễn Vịnh bị địch bắt hai lần, giam ở các nhà lao Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Thời gian bị địch giam cầm, Ðồng chí luôn phát huy vai trò người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tham gia đấu tranh chống chế độ quản phạm độc ác, tra tấn tù nhân dã man để bảo vệ cán bộ, gây tiếng vang lớn.
Năm 1941, Ðồng chí cùng một số bạn tù vượt ngục thành công, trở về tiếp tục hoạt động cách mạng và được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên. Tháng 7/1943, Ðồng chí lại bị địch bắt giam ở Buôn Ma Thuột; đến tháng 3/1945, Ðồng chí được trả tự do, tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng, góp phần xây dựng và phát triển mạnh mẽ hệ thống cơ sở cách mạng, các đoàn thể Việt Minh, lực lượng tự vệ của địa phương.
Những năm 1947-1948, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, kiêm Bí thư Phân Khu ủy Bình-Trị-Thiên. Thời điểm này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Mặt trận Bình-Trị-Thiên gặp nhiều khó khăn do địch tập trung lực lượng đánh phá ác liệt, lực lượng của ta bị tổn thất nghiêm trọng, nhiều cơ quan, tổ chức Ðảng bị thiệt hại nặng nề, cơ sở cách mạng nhiều nơi bị tan rã.
Một số cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân tỏ ra bi quan. Trong bối cảnh đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã thể hiện rõ bản lĩnh của người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài ba, cùng tập thể Tỉnh ủy Thừa Thiên, Phân Khu ủy Bình-Trị-Thiên lãnh đạo nhân dân khôi phục và phát triển cơ sở chính trị, đẩy mạnh chiến tranh du kích, xoay chuyển tình thế cách mạng, xứng đáng với niềm tin của Trung ương Ðảng.
Trên cơ sở thấm nhuần sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh của Ðảng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định: “Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài.
Chúng ta phải trở về với dân, chúng ta nhất định thắng!”(1). Quan điểm của đồng chí đã có sức mạnh động viên to lớn, củng cố ý chí quyết chiến, quyết thắng, được cán bộ, đảng viên và các lực lượng vũ trang Bình-Trị-Thiên quán triệt, kiên trì bám đất, bám dân, dựa vào dân tổ chức chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Nhờ đó, phong trào cách mạng ở Mặt trận Bình-Trị-Thiên phục hồi và phát triển mạnh mẽ, liên tiếp giành chiến thắng, góp phần cùng Nhân dân cả nước từng bước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thứ hai, Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh-tấm gương nhà lãnh đạo tài năng suốt đời cống hiến, hy sinh cho cách mạng Việt Nam. Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Ðảng tại Tân Trào, đồng chí Nguyễn Vịnh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ và vinh dự được Lãnh tụ Hồ Chí Minh đặt cho tên mới: Nguyễn Chí Thanh. Sau Hội nghị, Ðồng chí cùng Xứ ủy Trung Kỳ lãnh đạo Nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, thành lập chính quyền cách mạng ở các địa phương, trong đó có thành phố Huế-Trung tâm đầu não của chính quyền phong kiến, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Khi được Ðảng giao trách nhiệm làm Bí thư Liên Khu ủy Liên khu 4 (1948), Ðồng chí đi sâu nghiên cứu, phân tích và khái quát tình hình thực tiễn, cùng với tập thể Liên khu ủy quán triệt đường lối kháng chiến của Ðảng, lãnh đạo quân và dân Liên khu 4 tiến hành chiến tranh cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển kinh tế và văn hóa. Ðồng chí Nguyễn Chí Thanh đã chủ trì các hội nghị Liên khu ủy, hội nghị cán bộ đề ra chủ trương: Toàn Ðảng bộ bám sát dân, gây phong trào đấu tranh sôi nổi, liên tiếp từ trong lòng địch, chống tư tưởng cầu an trong cán bộ, đảng viên và đồng bào, lấy việc phá tề, trừ gian, cải thiện dân sinh làm công tác chính; phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng các đơn vị Vệ quốc đoàn, thực hiện phương châm “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, đồng thời củng cố và phát triển dân quân, du kích xã, gây dựng và phát triển phong trào “tay không cướp súng giặc”(2).
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh và tập thể Liên khu ủy, quân và dân Liên khu 4 đã vượt qua khó khăn thử thách, anh dũng và kiên cường đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, làm thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trường, từng bước làm thất bại âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của địch.
Lực lượng vũ trang ba thứ quân trên địa bàn Liên khu ngày càng lớn mạnh, làm nòng cốt trong xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng hậu phương ngày càng trưởng thành trên cả hai phương diện kháng chiến và kiến quốc, trở thành vùng tự do, hậu phương chiến lược của Liên khu và cả nước. Với những cống hiến đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng danh hiệu “Vị tướng du kích”.
Ðến năm 1950, trước yêu cầu đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách Phó Bí thư Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam (nay là Quân đội nhân dân Việt Nam). Tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Ðảng, Ðồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương Ðảng cử vào Bộ Chính trị. Ðồng chí đã mang hết tâm trí của mình, cùng với tập thể Tổng Quân ủy lãnh đạo và chỉ đạo nhiều vấn đề lớn, như: Quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc Ðảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, qua đó khẳng định sự lãnh đạo của Ðảng là sinh mệnh, là nguồn gốc sức mạnh và chiến thắng của Quân đội; xác định tiến hành công tác đảng, công tác chính trị là một chế độ, một nguyên tắc cơ bản của công cuộc xây dựng Quân đội; tiến hành công tác tư tưởng phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy xây là chủ yếu; chăm lo giáo dục rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng ngày càng cao; chỉ đạo các lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện thắng lợi quyết tâm chiến lược của Ðảng.
Những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ghi nhận: “Ðồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có công lớn trong việc củng cố sự lãnh đạo của Ðảng đối với quân đội, xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của quân đội ta, xây dựng nền nếp công tác chính trị, nâng cao nhanh chóng sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân”(3).
Năm 1961, được giao nhiệm vụ Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương, Ðồng chí đã góp phần công sức vào việc củng cố đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa và phát triển sản xuất nông nghiệp. Ðảm nhiệm cương vị lãnh đạo cao nhất của một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã “bám ruộng, lội đồng” nắm bắt tình hình, khiêm tốn lắng nghe, tham khảo ý kiến các nhà khoa học, xác định phương hướng mở rộng sản xuất. Những khẩu hiệu thi đua diễn ra sôi nổi trong cả nước, như: “Phá xiềng ba sào”, “Ðuổi kịp mức sống trung nông”… và các phong trào “Làm thủy lợi hai năm”, “Gió Ðại Phong”… đã thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển mới.
Tấm gương người chiến sĩ cộng sản với tác phong làm việc sâu sát, khoa học, dân chủ, gắn bó, gần gũi, quan tâm hết mực đến đời sống, trăn trở với những khó khăn của Nhân dân, yêu thương người nông dân hết mực của đồng chí Nguyễn Chí Thanh - “Ðại tướng nông dân” để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ.
Trước tình hình cuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ phát động và hoạt động của chính quyền, quân đội tay sai Sài Gòn ngày càng gia tăng, trong hai ngày 25 và 26/9/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị. Thực hiện quyết nghị của Hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vinh dự được Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị lựa chọn, điều động vào chiến trường, đảm nhiệm cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, các đơn vị chủ lực được tiếp tục xây dựng, phát triển, trở thành những “quả đấm thép” thực hiện thắng lợi nhiều chiến dịch, như: Bình Giã, Ba Gia, Ðồng Xoài và nhiều trận chiến đấu khác, góp phần và hỗ trợ đắc lực đập tan quốc sách “ấp chiến lược” của địch, làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ xâm lược.
Từ thực tế chiến trường, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết thành phương châm, nghệ thuật tác chiến đặc sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời là khẩu hiệu cách mạng nổi tiếng “Bám thắt lưng địch mà đánh”; thực hiện thành công chủ trương xây dựng các “Vành đai diệt Mỹ”, được lan tỏa, nhân rộng thành cao trào cách mạng trên khắp chiến trường miền Nam. Ðồng thời, Ðồng chí hết sức chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát huy nguồn sức mạnh của quần chúng nhân dân, của ba thứ quân, phát triển chiến tranh nhân dân, đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Thứ ba, Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh-tấm gương về ý chí và phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời. Cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương người cộng sản mẫu mực về sự cống hiến hết mình cho cách mạng, cho Nhân dân, về phẩm chất đạo đức “sáng trong như ngọc”. Ðồng chí Nguyễn Chí Thanh được Ðảng tin tưởng giao những trọng trách vào những thời điểm khó khăn, mà lần sau thường mới mẻ và nặng nề hơn lần trước. Trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn về vật chất của cuộc kháng chiến lúc bấy giờ, người cộng sản không có vũ khí nào khác hơn là phải biết phát huy sức mạnh tinh thần, đó là sức mạnh của tư tưởng, của ý chí và đạo đức cách mạng.
Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nêu một tấm gương sáng trong học tập, nghiên cứu, thực hành tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ðồng chí tiêu biểu cho nếp sống trong sáng, luôn đặt lợi ích của Ðảng, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, ghét phô trương hình thức, sống chân thành, nghĩa tình, giản dị, gần gũi với cán bộ, chiến sĩ, đồng cam cộng khổ với đồng bào. Ðồng chí là một nhà lãnh đạo luôn cầu thị, lắng nghe những ý kiến đóng góp khác nhau, đấu tranh tự phê bình và phê bình rất thỏa đáng, nghiêm túc, không “bé xé ra to”, không “dĩ hòa vi quý”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đặt vấn đề phê phán triệt để chủ nghĩa cá nhân, coi đó là tư tưởng mẹ, từ đó sinh ra các tư tưởng sai lệch khác như công thần, địa vị, kèn cựa, kiêu ngạo, quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, tham ô, lãng phí… Người gọi chủ nghĩa cá nhân là giặc-giặc nội xâm, một thứ giặc nguy hiểm hơn cả giặc xâm lược, vì nó luôn ẩn náu ở trong mỗi chúng ta, phải luôn cảnh giác và kiên quyết chống lại nó. Theo Người, “chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa xã hội nhất định thắng, chủ nghĩa cá nhân nhất định phải tiêu diệt”(4).
Nguyễn Chí Thanh là một trong những người học trò đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một loạt bài về chống chủ nghĩa cá nhân. Ðồng chí vạch rõ, chủ nghĩa cá nhân là con đẻ của chế độ tư hữu, muốn nhận dạng nó phải xuất phát từ “Cách xem xét và giải quyết vấn đề quan hệ giữa cá nhân và tổ chức, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cách mạng theo lập trường, quan điểm và tư tưởng nào?”(5), để từ đó thấy rõ bản chất và sự biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Những bài viết về chống chủ nghĩa cá nhân của đồng chí Nguyễn Chí Thanh ngay từ khi ra đời cách đây hơn 40 năm đã có tiếng vang rộng rãi, góp phần đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
Ðồng chí Nguyễn Chí Thanh sở dĩ có thể công khai, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, có thể nói nhiều về đạo đức cao quý của người cộng sản là bởi Ðồng chí chẳng những là một vị tướng có tài, có những cống hiến nổi bật trên các lĩnh vực công tác mà chính Ðồng chí còn là một cán bộ lãnh đạo gương mẫu, luôn nêu cao đạo đức cách mạng: Trung với Ðảng, hiếu với dân, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, cương trực, chân thành, thương yêu đồng chí, đồng đội, có tác phong giản dị, khiêm tốn, gần gũi với mọi người, đi sát thực tiễn. Ðồng chí đã “để lại mãi mãi trong lòng các đồng chí, đồng đội và nhân dân tấm gương trong sáng của một người cộng sản chân chính, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân và lý tưởng cộng sản vĩ đại”(6).
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914-1/1/2024) là dịp để toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân tưởng nhớ, tôn vinh đóng góp to lớn của Ðồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc. Cuộc đời Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh mãi là tấm gương sáng góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhất là thế hệ trẻ, bồi đắp tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; ra sức học tập, lao động sáng tạo, đoàn kết thống nhất, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa”(7), thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
(1) Dẫn theo: Báo Ðiện tử Ðảng Cộng sản Việt Nam, Tấm gương sáng trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc. Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tam-guong-sang-tron-doi-cong-hien-cho-su-nghiep-cach-mang-cua-dang-va-dan-toc-224873.html.
(2) Dẫn theo: Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh-Người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng. Sđd, tr.219-220.
(3) “Ðiếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam”. In trong: Tổng tập Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 3, Nxb Thời đại, Hà Nội 2013, tr.641.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, T.11, tr.600.
(5) Nguyễn Chí Thanh: Chống chủ nghĩa cá nhân, Nxb. Sự thật, Hà Nội 1978, tr.11.
(6) “Ðiếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam”. In trong: Tổng tập Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 3, Sđd, tr.643.
(7) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.156.
THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ÐẢNG, TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
Xem tin theo ngày
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật