Thứ 6, 22/11/2024, 19:25[GMT+7]

Dứt khoát không được để nền kinh tế thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào

Chủ nhật, 14/01/2024 | 09:10:24
1,474 lượt xem
Ngày 13/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình bảo đảm cung ứng điện năm 2024. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trần Hải).

Theo EVN, việc cung ứng điện năm 2023 gặp nhiều khó khăn, trong đó đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung cuối tháng 5, đầu tháng 6 và phải thực hiện tiết giảm phụ tải miền Bắc. Sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, 6 tháng cuối năm, EVN đã bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Theo đó, điện sản xuất toàn hệ thống đạt 280,63 tỷ kW giờ, tăng 4,56% so với năm 2022; công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống (Pmax) năm 2023 là 46.348MW; điện thương phẩm năm 2023 là 251,25 tỷ kWh, tăng trưởng 3,52%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Trần Hải).

Đến nay, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống là 80.555MW, đứng đầu khu vực ASEAN; trong đó nguồn của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (GENCO) là 29.900MW, chiếm 37,1%. Về cơ cấu loại hình nguồn: nhiệt điện than là 26.757MW, chiếm tỷ trọng 33,2%; thủy điện là 22.872 MW (chiếm 28,4%); nhiệt điện khí 7.152MW (8,9%); nguồn điện năng lượng tái tạo là 21.664MW (27%); nhập khẩu 820MW (~1%)...

Giá trị khối lượng đầu tư toàn Tập đoàn năm 2023 đạt 90.997 tỷ đồng, bằng 95,9% kế hoạch, thuộc hàng cao nhất trong các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước. Về đầu tư nguồn điện, EVN và các đơn vị đang tập trung thực hiện 8 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.643MW.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm phòng truyền thống của Tập đoàn EVN. (Ảnh: Trần Hải).

Về đầu tư phát triển lưới điện: Trong năm 2023, toàn Tập đoàn đã khởi công 146 dự án và hoàn thành 163 dự án lưới điện 110-500kV. Đối với đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch-Phố Nối: với sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ ngành, các địa phương, đến nay cả 4 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Hiện nay EVN và Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã triển khai thi công dự án Đường dây 500kV Nam Định-Thanh Hóa và đang khẩn trương lựa chọn nhà thầu và triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thi công đồng loạt các dự án còn lại trong tháng 1/2024. Trong đó triển khai đồng loạt 262 gói thầu chính, gồm: 93 gói xây lắp; 107 gói cung cấp cột thép, dây dẫn; và 26 gói cung cấp vật tư thiết bị và phụ kiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu bút vào sổ vàng của phòng truyền thống. (Ảnh: Trần Hải).

Tính đến cuối năm 2023, EVN đã đảm nhận cấp điện cho 11/12 huyện đảo (trừ huyện đảo Hoàng Sa), bao gồm: Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh); Bạch Long Vĩ, Cát Hải (Hải Phòng); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Trường Sa (Khánh Hòa); Phú Quý (Bình Thuận); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); Kiên Hải, Phú Quốc (Kiên Giang). Số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,74%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,6%. Tổn thất điện năng toàn EVN đạt 6,15% giảm 0,1% so với năm 2022, thuộc TOP 4 trong khối ASEAN.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty phát biểu đóng góp ý kiến để tăng cường phối hợp với EVN, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc nhằm tăng cường công tác bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định và liên tục cho nền kinh tế.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn EVN Đặng Hoàng An phát biểu. (Ảnh: Trần Hải).

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong phát triển đất nước, chúng ta không thể thiếu điện; điện khí hoá toàn quốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng, sản xuất, kinh doanh thì không thể thiếu điện. Do đó ngành điện tác động, ảnh hưởng đến tất cả các ngành, các cấp, có tính toàn dân, bao trùm trong bối cảnh mọi việc. Từ đó ngành Điện cần nhận thức rõ, có chuẩn bị tốt hơn.

Trong lúc thuận lợi không được chủ quan, trong lúc khó khăn không được bi quan, bình tĩnh, kiên định vượt qua với truyền thống 70 năm lịch sử ngành điện. Càng khó khăn thì càng phải đoàn kết. Theo Thủ tướng, ngành điện cần nghiên cứu và tổ chức vận hành hợp lý, khoa học để khai thác được các khâu trong vận hành, phù hợp xu thế, quy luật, điều kiện hoàn cảnh đất nước, truyền thống lịch sử của ngành, phù hợp tiêu dùng của đất nước đang phát triển, khả năng chịu đựng của người dân. Chúng ta phải nghiên cứu, phối hợp giữa các khâu rất khoa học, vừa có tính trước mắt lẫn tính lâu dài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trần Hải).

Thủ tướng ấn tượng và đánh giá cao việc ngành Điện đã được tặng thưởng các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước; cho rằng truyền thống này rất đáng tự hào vì được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, do đó chúng ta không thể có gì hoang mang, lo sợ vì những khó khăn, thách thức. Thủ tướng nhắc lại ấn tượng về công trình 500kV mạch 1 được hoàn thành trong một thời gian ngắn kỷ lục với nhiều khó khăn, thách thức mấy chục năm trước đây.

Thủ tướng nhấn mạnh, rất tự tin về sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và sự vận hành của bộ máy ngành điện hiện nay. “Chính phủ tự tin vào các đồng chí và chắc chắn các đồng chí sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức có tính thời vụ, trước mắt”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong thành tích chung của đất nước năm qua có sự đóng góp tích cực của ngành điện. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn, biểu dương, đánh giá cao và ghi nhận thành tích này của ngành Điện.

Nêu rõ một số kết quả nổi bật của EVN năm qua trên các mặt công tác, Thủ tướng yêu cầu tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "3 ca, 4 kíp", ăn tranh thủ ngủ khẩn trương, chỉ bàn làm, không bàn lùi trong thực hiện thi công Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành tham dự hội nghị. (Ảnh: Trần Hải).

Thủ tướng nêu rõ, mặc dù có nhiều nỗ lực cố gắng tuy nhiên Tập đoàn vẫn còn những tồn tại hạn chế cần tập trung khắc phục: công tác điều hành cung ứng điện năm 2023 để xảy ra tình trạng thiếu điện và phải thực hiện tiết giảm điện khu vực miền bắc trong các ngày đầu tháng 6/2023; công tác đầu tư xây dựng chưa đạt mục tiêu kế hoạch, một số dự án nguồn điện và lưới điện tiến độ triển khai chậm, mất cân đối giữa nguồn và tải ở một số khu vực; năm 2023 là năm thứ 2 liên tiếp bị lỗ sản xuất kinh doanh điện; một số đảng viên, cán bộ, nhân viên của các đơn vị trong Tập đoàn bị kỷ luật, xử lý hình sự.

Về nguyên nhân của những cái được, Thủ tướng nêu rõ là do sự nỗ lực của EVN; thực hiện nghiêm đường lối của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành; có sự giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương, sự phối hợp của PVN, TKV…

Về nguyên nhân những cái chưa được, Thủ tướng nhấn mạnh, đó là việc nắm, dự báo tình hình cung cầu điện của cả nước, nhất là lúc cao điểm nắng nóng chưa sát, chưa phù hợp, việc dự trữ than không tốt, trữ nước không hợp lý; vận hành theo cơ chế thị trường còn chậm, nhất là quy luật cung cầu, cạnh tranh; tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, công chức, viên chức, một số cơ quan đơn vị có lúc có nơi chưa cao.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Trần Hải).

Thủ tướng yêu cầu ngành điện phải phát huy truyền thống, có tính chiến đấu cao hơn; bình tĩnh, tự tin, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt qua thách thức.

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải luôn đặt ngành Điện trong sự vận động phát triển, phát hiện sớm mâu thuẫn, giải quyết bằng được và phải có bản lĩnh quốc gia; đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược, vừa giải quyết vấn đề trước mắt và vấn đề lâu dài; phải đoàn kết, thống nhất, đoàn kết trong Đảng, trong hệ thống chính trị, đoàn kết trong nhân dân; phát triển ngành điện độc lập và chủ nghĩa xã hội, hội nhập quốc tế; sức mạnh là ở nhân dân; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sự lãnh đạo của Đảng mang yếu tố quyết định trong sự nghiệp cách mạng.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đoàn kết, dân chủ, phát huy vai trò của cán bộ, công chức, viên chức ngành điện; nêu cao trách nhiệm cá nhân, dám nghĩ, dám làm; có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành; luôn luôn đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng khoa học, hợp lý, lựa chọn bước đi phù hợp vì đây là xu thế, đòi hỏi khách quan; tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Trần Hải).

Về nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng yêu cầu EVN dứt khoát không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh nào; vận hành hoạt động và giá cả theo quy luật thị trường, quy luật cung cầu, nhưng phải có chính sách cho đối tượng thuộc diện chính sách an sinh xã hội. Tái cấu trúc tập đoàn theo quy luật thị trường và cân đối được tài chính, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục được những hạn chế, yếu kém; có tính dự báo cao hơn; ứng dụng khoa học công nghệ; đồng thời đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Thủ tướng đề nghị toàn Tập đoàn tập trung thực hiện có hiệu quả một số công việc: về đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc các qui định về vận hành hệ thống điện, thị trường điện; chủ động trong công tác dự báo nhu cầu điện, khai thác hiệu quả các nguồn điện bảo đảm cung ứng điện, tối ưu, đúng quy định, trong đó có việc huy động các dự án điện tái tạo.

Bảo đảm nhiên liệu cho sản xuất điện, không được để lúc cao điểm nắng nóng lại xảy ra sự cố nhiều nhất; chủ động, tự lực, tự cường; chủ động cân đối điện nhập khẩu. Về điều hành, phải rút kinh nghiệm sự cố năm 2023, phải nắm chắc tình hình; khẩn trương sắp xếp lại tổ chức Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia; phấn đấu hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh với các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Trần Hải).

Trên cơ sở các Chiến lược về năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, EVN phải tập trung hoàn thiện xây dựng và thực hiện tốt chiến lược trung và dài hạn về phát triển về năng lượng, chiến lược, kế hoạch phát triển điện lực phù hợp với xu thế mới, đồng thời xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ; tận dụng nguồn điện sẵn có, không để lãng phí nguồn năng lượng mặt trời và gió. EVN phải bảo đảm vận hành hệ thống phù hợp, bảo đảm lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ; bảo đảm cân bằng hệ thống; bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế nhưng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng tăng năng suất lao động, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, không để lãng phí nguồn nhân lực.

Thủ tướng yêu cầu quản trị phải thông minh, tăng cường chuyển đổi số, vừa chống tiêu cực, giảm quy mô bộ máy; trong quản trị phải tiếp tục làm mới các động lực cũ, bổ sung các động lực mới cho sự phát triển như một số vấn đề liên quan chuyển đổi năng lượng sạch; những gì là xu thế thế giới hiện nay thì phải thực hiện; bảo đảm vận hành của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thật tốt, tránh phụ thuộc vào một đầu mối, tăng cường giám sát, kiểm tra, tăng tính chủ động, tích cực.

Về tài chính đầu tư, Thủ tướng yêu cầu EVN cơ cấu lại để cân bằng tài chính, không thể để lỗ được; chống tham nhũng, tiêu cực; cơ cấu lại nguồn lực tài chính, tài sản, nguồn nhân lực… trong điều kiện kinh tế thị trường; phải tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội. Tập đoàn phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vì nguồn lực có, nhân lực có… Về nhóm giải pháp phối hợp với các ngành liên quan chặt chẽ.

Thủ tướng tin tưởng với truyền thống đoàn kết của 70 năm ngành điện Việt Nam - tiếp tục “Thắp sáng niềm tin”, ngành điện sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đạt thành tích năm 2024 cao hơn năm 2023; ngành Điện sẽ có khí thế mới, động lực mới, thắng lợi mới.

* Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm phòng truyền thống của EVN; thăm và tặng quà động viên cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (NLDC).

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại NLDC, Thủ tướng đánh giá Trung tâm được coi là “bộ não” của ngành Điện, do đó yêu cầu lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Trung tâm phải tập trung trí tuệ, vận hành điều độ hệ thống điện bảo đảm an toàn, ổn định, không để xảy ra các sự cố bất thường, tình trạng thiếu điện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia. (Ảnh: Trần Hải).

Thủ tướng lưu ý với tính chất quan trọng của công tác điều độ hệ thống điện, lãnh đạo EVN phải tập trung đầu tư nguồn lực cho phát triển NLDC, đặc biệt là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; quan tâm có chế độ chính sách thoả đáng cho những người làm công tác điều độ, vận hành hệ thống điện… bảo đảm trung tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được lãnh đạo Tập đoàn giao phó. 

Theo: nhandan.vn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày