Thứ 5, 26/12/2024, 14:08[GMT+7]

Đề xuất cấp hơn 2.500 tỷ đồng cho EVN để kéo lưới điện ra Côn Đảo

Thứ 3, 16/01/2024 | 14:28:03
2,432 lượt xem
Chính phủ đề xuất với Quốc hội có cơ chế cho phép phân bổ 2.526 tỷ đồng trong tổng số vốn 37.303,015 tỷ đồng chưa phân bổ trong dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thực hiện Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại phiên họp sáng 16/1. (Ảnh: DUY LINH).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16/1, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

5 phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngay từ đầu kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội và Quốc hội đã quyết nghị bố trí vốn cho EVN để thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án chậm do quá trình lựa chọn phương án cấp điện cần nhiều thời gian, phải đo đạc, khảo sát, tính toán lựa chọn phương án tối ưu nhất. Đến tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, do đó toàn bộ số vốn 2.526,16 tỷ đồng dự kiến giao cho EVN đã chuyển về dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại Nghị quyết số 93/2003/QH15.

Theo báo cáo của Chính phủ, tại Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 16/6/2023 về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương là cơ quan quyết định đầu tư dự án, EVN là chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư của Dự án là 4.950,156 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của EVN khoảng 2.423,996 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương là 2.526,16 tỷ đồng. Việc đầu tư cho Dự án với mục tiêu cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện trên đảo, đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia là cần thiết.

Cơ sở để lựa chọn phương án cấp điện cho Dự án đã được Bộ Công thương, EVN và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tính toán, đề xuất 5 phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo, gồm: Đầu tư nhà máy điện dùng diesel nổi + điện mặt trời (hiện hữu) + diesel (hiện hữu); Đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi; Đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi + điện mặt trời (hiện hữu)+ diesel (hiện hữu); Đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi + điện mặt trời + diesel (hiện hữu) + BESS đáp ứng 10% Pmax; Cấp điện từ lưới điện quốc gia.

Đồng thời, đưa ra 6 tiêu chí để đánh giá từng phương án, trong đó phương án cấp lưới điện quốc gia được lựa chọn do đáp ứng đủ 6 tiêu chí với giá thành điện năng thấp nhất.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Bộ Công thương kiểm tra, giám sát không để xảy ra trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí

Về cơ chế giao vốn, báo cáo nêu ra một số khó khăn, vướng mắc về quy định hiện hành. Theo quy định tại Điều 44 Luật Ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán thu, chi ngân sách năm sau cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tại Nghị định số 26/2018/NĐ-CP ngày 28/2/2018 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN, EVN là công ty mẹ trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

“Với quy định này, EVN không phải là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp dự toán ngân sách nhà nước hằng năm”, báo cáo của Chính phủ nêu. Đồng thời, theo quy định tại Điều 82 Luật Đầu tư công thì Bộ Công Thương sẽ là cơ quan tổ chức lập kế hoạch đầu tư công, đăng ký và giao kế hoạch đầu tư công đối với Dự án.

Căn cứ quy định nêu trên, đúng trình tự pháp luật vốn ngân sách trung ương bố trí để thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ được giao cho Bộ Công Thương triển khai. Bộ Công Thương giao cho đơn vị trực thuộc, tổ chức đấu thầu theo quy định (với hình thức này, dự án sử dụng 100% vốn ngân sách trung ương).

Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là dự án có tính chất đặc thù, vừa sử dụng vốn ngân sách trung ương, vừa sử dụng vốn tự có của EVN. Vì vậy, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, cần xem xét, báo cáo Quốc hội để cho cơ chế giao kế hoạch vốn ngân sách của Dự án cho EVN. 


Tuy nhiên, tại báo cáo Chính phủ nêu rõ: Nếu theo phương án giao Bộ Công Thương thì số vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư là 2.423,996 tỷ đồng chưa có nguồn để cân đối cho Dự án. Bên cạnh đó, EVN không phải là đơn vị trực thuộc Bộ Công thương nên Bộ Công thương không thể phân bổ, giao vốn cho EVN. Như vậy, dự án sẽ không triển khai được ngay trong giai đoạn này.

Chính phủ cho biết, Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là dự án có tính chất đặc thù, vừa sử dụng vốn ngân sách trung ương, vừa sử dụng vốn tự có của EVN. Vì vậy, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, cần xem xét, báo cáo Quốc hội để cho cơ chế giao kế hoạch vốn ngân sách của Dự án cho EVN.

Trong khi đó, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành, có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí. Việc bàn giao tài sản sau khi dự án hoàn thành được thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý tài sản công và các quy định pháp luật có liên quan.

Tại báo cáo, Chính phủ đề xuất với Quốc hội có cơ chế cho phép phân bổ 2.526 tỷ đồng trong tổng số vốn 37.303,015 tỷ đồng cho EVN để thực hiện dự án nói trên. Đồng thời, giao Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho EVN để thực hiện dự án. Bộ Công Thương chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, về phân bổ vốn thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đa số ý kiến trong Ủy ban thống nhất báo cáo Quốc hội xem xét việc giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương của Dự án cho EVN, đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, giao cho EVN là cơ quan quyết định đầu tư dự án.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày