Thứ 7, 02/11/2024, 22:25[GMT+7]

Dấu ấn Việt Nam trong năm đầu tiên đảm nhiệm cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025

Thứ 5, 29/02/2024 | 08:52:18
2,035 lượt xem
Nhân dịp 1 năm Việt Nam đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đồng chí Đỗ Hùng Việt, Thứ trưởng Ngoại giao, đã có bài viết "Dấu ấn Việt Nam trong năm đầu tiên đảm nhiệm cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025". Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt. Ảnh: MOFA.

Công tác đảm nhận vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 đã được đẩy mạnh triển khai từ những ngày đầu, những hoạt động đầu tiên của Hội đồng Nhân quyền trong năm 2023, với sự tham gia, phối hợp tích cực của các cơ quan trong Tổ công tác liên ngành, các cơ quan báo chí và để lại dấu ấn, có hiệu ứng lan tỏa không chỉ trong công tác Hội đồng Nhân quyền mà còn trong cả nhiều mảng công tác khác.

1. Năm 2023, tình hình thế giới, khu vực có nhiều thay đổi sâu sắc. Hòa bình, hợp tác, phát triển dù vẫn là xu thế lớn nhưng bị thách thức mạnh mẽ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nhất là khi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt và toàn diện.

Trong năm 2023, Hội đồng Nhân quyền đã tích cực phát huy vai trò là cơ quan quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc, triển khai hiệu quả chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, bám sát các quan tâm chung mang tính thời sự của cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng thể hiện nhiều cọ xát, thậm chí mâu thuẫn, đối đầu trực diện giữa các nước, nhóm nước. 


Các điểm nóng, xung đột vũ trang nổ ra ở nhiều khu vực trên thế giới, gia tăng cả về số lượng, mức độ thiệt hại và ngày càng có tính chất đa chiều với các hình thái đa dạng. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, không đồng đều và thiếu chắc chắn, với nhiều rủi ro vĩ mô. Tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, các bất bình đẳng và các “mặt trái” của chuyển đổi số… có tác động trực tiếp, hàng ngày đến sinh kế, chất lượng cuộc sống và khả năng thụ hưởng quyền của người dân trên thế giới. Những nhân tố này đan xen, chuyển hóa lẫn nhau, một mặt đặt ra nhiều thách thức, gia tăng chính trị hóa, hạn chế không gian hợp tác trong nhiều vấn đề quyền con người; mặt khác cũng làm nổi rõ hơn yêu cầu đối thoại, hợp tác để giải quyết các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, trong đó có thông qua hoạt động của Hội đồng Nhân quyền.

Năm 2023 cũng là kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna về quyền con người (VDPA), là dịp quan trọng để cộng đồng quốc tế cùng nhau nhìn lại các thành tựu đã đạt được và các thách thức trong thời gian tới trong việc bảo đảm những giá trị chung, phổ quát, những cam kết mạnh mẽ về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được thể hiện trong các văn kiện này.

Với bối cảnh cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế như vậy, trong năm 2023, Hội đồng Nhân quyền đã tích cực phát huy vai trò là cơ quan quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc, triển khai hiệu quả chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, bám sát các quan tâm chung mang tính thời sự của cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng thể hiện nhiều cọ xát, thậm chí mâu thuẫn, đối đầu trực diện giữa các nước, nhóm nước.

Trong năm 2023, Hội đồng Nhân quyền đã hoạt động với cường độ cao, hoàn thành khối lượng công việc nhiều nhất kể từ khi thành lập năm 2006, với 180 cuộc họp chính thức toàn thể trong khuôn khổ 3 Khóa họp thường kỳ và 1 Phiên họp đặc biệt, xem xét 231 báo cáo, thông qua 110 Nghị quyết (khoảng 2/3 trong số này được thông qua bằng đồng thuận), 41 Quyết định và 1 Tuyên bố Chủ tịch, cùng nhiều phiên họp của các Nhóm làm việc, Nhóm chuyên gia, trong đó Nhóm làm việc về Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) đã xem xét, thông qua báo cáo của 42 quốc gia.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy các ưu tiên của mình và đóng góp cho hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, trong năm 2023 đã có khoảng 450 sự kiện bên lề các Khóa họp thường kỳ được các nước tổ chức với nhiều chủ đề phong phú.

2. Ngày 11/10/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam cùng 13 quốc gia khác vào vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Tiếp nối thành công của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021), đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, minh chứng cho vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam, đồng thời thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người.

Việt Nam cũng đảm nhận cương vị này khi đang nỗ lực hết sức để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều thách thức.

Vì vậy, việc Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 được cộng đồng quốc tế rất chú ý. Một mặt, những thành tựu, nỗ lực, cam kết và nhu cầu hợp tác của ta trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người đã được ghi nhận rộng rãi.

Mặt khác, một số cá nhân, tổ chức và chính giới quốc tế vẫn nhận định chưa khách quan về tình hình ở Việt Nam cũng như về năng lực thực hiện vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền của ta.

Năm 2023 cũng là kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna về quyền con người (VDPA), là dịp quan trọng để cộng đồng quốc tế cùng nhau nhìn lại các thành tựu đã đạt được và các thách thức trong thời gian tới trong việc bảo đảm những giá trị chung, phổ quát, những cam kết mạnh mẽ về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được thể hiện trong các văn kiện này. 


3. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tích cực tham gia, để lại những dấu ấn ngay từ những hoạt động đầu tiên của Hội đồng Nhân quyền với nhiều sáng kiến phù hợp với ưu tiên của Việt Nam và quan tâm chung của thế giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tại Khóa 52 mở đầu nhiệm kỳ Hội đồng Nhân quyền (tháng 3-4/2023), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tham dự Phiên họp cấp cao và giới thiệu sáng kiến về Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA).

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã chủ trì, dẫn dắt Nhóm nòng cốt gồm 14 nước[1] liên khu vực và đa dạng về trình độ phát triển xây dựng dự thảo, tổ chức tham vấn để Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết 52/19 về vấn đề này với sự đồng bảo trợ của 121 nước - một “kỷ lục” của Hội đồng Nhân quyền trong những năm gần đây.

Nghị quyết đã nhấn mạnh vai trò hàng đầu của các quốc gia trong bảo đảm quyền con người, ghi nhận sự tham gia của phụ nữ, vai trò của hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng sự đa dạng, bao trùm trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Sáng kiến này của Việt Nam đã góp phần quan trọng truyền tải các thông điệp lớn, nâng cao nhận thức, quyết tâm hành động của các nước và cộng đồng quốc tế trong thực hiện các mục tiêu, tôn chỉ về quyền con người được đề ra trong hai văn kiện nhân quyền nền tảng này, đồng thời đồng thời đề cao vị thế, vai trò của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc.

Tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt trong xây dựng chuỗi nghị quyết về bảo đảm quyền con người trong biến đổi khí hậu, tại Khóa 53 Hội đồng Nhân quyền (tháng 6-7/2023), Việt Nam cùng với Bangladesh và Philippines đã xây dựng dự thảo nghị quyết về thúc đẩy sinh kế trong bối cảnh biến đối khí hậu và đã được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận với 80 nước tham gia đồng bảo trợ (Nghị quyết 53/6).

Tại các Khóa 53 và Khóa 54 (tháng 9-10/2023), Việt Nam tiếp tục cùng các nước và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI)… thúc đẩy các sáng kiến về “tiêm chủng và quyền con người”, “chống phân biệt đối xử, bạo lực, quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc” dưới hình thức các toạ đàm quốc tế bên lề các khóa họp và xây dựng phát biểu chung tại Hội đồng Nhân quyền. Phù hợp với các quan tâm lớn trên thế giới về quyền con người hiện nay, các sáng kiến của Việt Nam được các nước hưởng ứng, tham gia đóng góp tích cực.

Thí dụ, phát biểu chung về chủ đề tiêm chủng và quyền con người do Việt Nam chủ trì soạn thảo tại Khóa 54 Hội đồng Nhân quyền đã thu hút hơn 60 nước tham gia, ủng hộ. Chủ đề của phát biểu chung này mang tính thời sự trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn nhiều ảnh hưởng lâu dài, nhiều quốc gia đang phát triển và nhiều nhóm dân cư chưa được tiếp cận đầy đủ vaccine phòng ngừa Covid-19 cũng như nhiều loại vaccine tiêm chủng mở rộng cơ bản.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 vào tháng 10/2022. (Ảnh: MOFA).

4. Việt Nam cũng tham gia sâu hơn vào công việc chung, thúc đẩy đối thoại và hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền trên tinh thần “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền. Cho tất cả mọi người”.

Việt Nam đã có hơn 80 phát biểu quốc gia trong những cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền về bảo đảm quyền con người trên những khía cạnh được cộng đồng quốc tế quan tâm như phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm các quyền nhà ở, quyền lương thực, quyền văn hoá, quyền phát triển, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và tham gia 50 phát biểu chung về các chủ đề đa dạng của ASEAN, Phong trào Không liên kết, Nhóm Đồng quan điểm[2], Nhóm Pháp ngữ và một số nhóm liên khu vực khác. Ta đã thực hiện rất trách nhiệm nghĩa vụ và quyền lợi chính của quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền trong quá trình thương lượng, bỏ phiếu thông qua các dự thảo nghị quyết.

Việt Nam đã có cách tiếp cận xây dựng trong những vấn đề nhân quyền còn nhiều khác biệt, bị chính trị hóa, có nhiều cọ xát tại Hội đồng Nhân quyền như tình hình các nước cụ thể (Ukraine, Nga, Palestine, Sudan…), quan hệ giữa phát triển và nhân quyền, sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính, quyền của người người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), khoan dung tôn giáo...

Một mặt, Việt Nam đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của các nước đang phát triển bảo vệ nguyên tắc không chính trị hóa, không sử dụng các vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.

Việt Nam cũng tham gia sâu hơn vào công việc chung, thúc đẩy đối thoại và hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền trên tinh thần “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền. Cho tất cả mọi người.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt


Mặt khác, Việt Nam đã lắng nghe, tôn trọng các nhu cầu hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của các nước, thúc đẩy hợp tác, đối thoại để Hội đồng Nhân quyền có thể hành động đáp ứng nhu cầu chính đáng của các nước trong lĩnh vực này.

5. Những dấu ấn từ năm đầu đảm nhiệm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 cũng có những tác động lan toả tích cực đến các mảng công tác đối ngoại về nhân quyền khác.

Đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền đã góp phần giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về nỗ lực, cam kết của ta trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác của ta với các nước, các tổ chức quốc tế.

Có thể tóm gọn trong đánh giá của Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam là qua việc thể hiện vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm tại Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy các sáng kiến, nhất là Nghị quyết 52/19, cùng với việc triển khai thực hiện nghiêm túc các cam kết UPR, đón thành công Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển (tháng 11/2023), “Việt Nam đã thể hiện vai trò tiên phong trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”[3].

Cũng trong năm 2023, các nội dung về hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền đã được các nước, trong đó có các đối tác lớn quan tâm thúc đẩy trong trao đổi với Việt Nam, kể cả trong những hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao của ta. Các nước bạn bè, đối tác, Đồng quan điểm, ASEAN… cũng đã đẩy mạnh các cơ chế trao đổi sẵn có hoặc tổ chức các hoạt động mới để trao đổi chuyên sâu với Việt Nam về hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền. Vị thế thành viên Hội đồng Nhân quyền cũng góp phần giúp ta vận động được các nước ủng hộ ta đấu tranh với những hoạt động xuyên tạc tình hình ở Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn Liên hợp quốc.

6. Dù phần dài hơn của chặng đường còn ở phía trước, với nhiều khó khăn thách thức nhưng vào thời điểm này, có thể nhận định năm đầu tiên đảm nhiệm thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025 là thành công của Việt Nam với nhiều dấu ấn. Những dấu ấn đó có động lực quan trọng từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo cấp cao của ta vào hoạt động của Hội đồng Nhân quyền cũng như sự tham gia, đóng góp hiệu quả, nhịp nhàng của các bộ, ban, ngành thành viên Tổ công tác liên ngành về Hội đồng Nhân quyền, hỗ trợ đắc lực cho công tác điều phối của Bộ Ngoại giao và vai trò “tuyến đầu” của Phái đoàn ta bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ).

Các cơ quan của ta đã tích cực, chủ động phối hợp nghiên cứu, dự báo và tham mưu cho cấp có thẩm quyền về hướng tham gia và xử lý của ta tại Hội đồng Nhân quyền, nhất là đã đóng góp nhiều ý tưởng thiết thực để xây dựng các sáng kiến mà Việt Nam thúc đẩy tại Hội đồng Nhân quyền, không chỉ đáp ứng lợi ích, ưu tiên của ta mà còn phù hợp với quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Nhờ vậy, các sáng kiến của ta tại Hội đồng Nhân quyền trong thời gian qua đều nhận được sự ủng hộ rất rộng rãi.

Đồng thời, các cơ quan thành viên Tổ công tác liên ngành cũng đã thể hiện vai trò rất tích cực trong công tác thông tin, tuyên truyền, kết nối hiệu quả với các cơ chế, mạng lưới báo chí tuyên truyền do các cơ quan này chủ trì. So với nhiệm kỳ Hội đồng Nhân quyền lần trước (2014-2016), các thông tin, hoạt động của ta tại Hội đồng Nhân quyền được phản ánh rộng rãi, phong phú và hấp dẫn hơn trên báo chí trong và ngoài nước.

Năm 2024 là năm bản lề của nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025, với nhiều hoạt động trọng tâm như trình bày và đối thoại về Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR chu kỳ IV, tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến, ưu tiên, nhất là sáng kiến về biến đổi khí hậu và quyền con người, kết hợp với công tác vận động các nước tiếp tục ủng hộ Việt Nam lần đầu tiên tái ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028. Với quyết tâm mạnh mẽ, sức mạnh từ sự đoàn kết và phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng tại Hội đồng Nhân quyền, ghi dấu ấn trong năm 2024 và xa hơn, góp phần xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam vững mạnh, toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư.

-------------

[1] Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Romania, Nam Phi và Tây Ban Nha.

[2] Nhóm Đồng quan điểm có thành phần đa dạng, gồm khoảng 134 quốc gia đang phát triển, đại diện cho 80% dân số thế giới và 70% số thành viên Liên hợp quốc, với mục đích chính là điều phối, thúc đẩy các lợi ích, ưu tiên chung của các nước đang phát triển tại Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Nhân quyền nói riêng.

[3] Phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR chu kỳ IV của Việt Nam, ngày 24/11/2023 của bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày