Thứ 7, 04/01/2025, 09:57[GMT+7]

Xây dựng các cơ chế đặc thù vượt trội, phù hợp để phát triển Thủ đô

Thứ 5, 14/03/2024 | 17:22:44
1,806 lượt xem
Phát biểu ý kiến tại Phiên họp thứ 31 sáng nay 14/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này cơ bản bám sát đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn trong xây dựng và phát triển Thủ đô, thể chế được các chủ trương lớn của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Phiên họp Ủy ban Thường vụ thảo luận dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH).

Theo Chủ tịch Quốc hội, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản đạt được sự thống nhất và thông suốt cả về quan điểm, tư duy và tầm nhìn giữa các cơ quan.

Giải quyết những vấn đề nổi cộm

Nếu Luật Thủ đô hiện hành chủ yếu mang tính chất khung, dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đi vào những nội hàm rất cụ thể liên quan phân cấp, phân quyền.

Liên quan nội dung xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, về nguyên tắc áp dụng pháp luật, dự thảo Luật được chỉnh sửa thêm một bước; và cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, biên tập và thể hiện chặt chẽ hơn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh DUY LINH).

Nhấn mạnh ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, vấn đề tắc nghẽn giao thông, vấn đề xử lý rác thải, ngập úng… là những vấn đề nổi cộm của Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự thảo Luật lần này cần phải nghiên cứu, rà soát thêm để có những quy định phù hợp trong phân cấp, phân quyền, thẩm quyền khai thác các nguồn lực,… để Thủ đô giải quyết được những vấn đề này.

Ngoài ra, về các biện pháp, giải pháp thu hút, huy động nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải rà soát, làm rõ, bảo đảm thể chế hóa Nghị quyết số 19 của Trung ương.

Đối với nội dung về liên kết vùng hiện dự thảo Luật đã bỏ khái niệm “vùng Thủ đô”, theo Chủ tịch Quốc hội, quy định như vậy là rất mới, các quy định liên quan Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng, đề nghị cơ quan soạn thảo cần lý giải đầy đủ, thuyết phục trước Quốc hội.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã cơ bản hoàn chỉnh, thể hiện được cơ chế đặc thù vượt trội để phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Góp ý vào nội dung cụ thể về việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quy định cho phù hợp nhằm chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này được chuẩn bị chu đáo, bám sát cơ sở chính trị pháp lý thực tiễn, thể chế hóa nội dung các nghị quyết của Đảng; trọng tâm là Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Chính phủ và tiếp thu giải trình cơ bản đầy đủ, cụ thể, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, bám sát 9 chính sách định hướng lớn trong xây dựng luật…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định


Xác định rõ giới hạn sử dụng không gian ngầm

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Về việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, cần quy định ngay trong Luật người sử dụng đất được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến 15m vào lòng đất; ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch nhưng phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải trả tiền theo quy định của Chính phủ.

Việc xác định giới hạn độ sâu 15m là căn cứ vào phạm vi phân vùng chức năng được xác định tại Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Chủ nhiệm Lê Quang Huy, phương án này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho thành phố Hà Nội trong việc chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, xác định rõ giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất và triển khai xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Về việc phân quyền cho Ban quản lý khu công nghệ cao trong việc giao lại đất, cho thuê đất trong phạm vi khu công nghệ cao, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc dự thảo Luật quy định Ban quản lý khu công nghệ cao có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất trong phạm vi khu công nghệ cao là cần thiết, phù hợp với năng lực quản lý của Ban với tư cách là cơ quan hành chính thuộc UBND thành phố Hà Nội, bảo đảm thống nhất về quản lý nhà nước trên địa bàn, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc phát huy, sử dụng có hiệu quả quỹ đất tại các khu công nghệ cao của thành phố Hà Nội mang lại giá trị và hiệu quả thiết thực.

Chung quanh nội dung quy định về cơ sở giáo dục chất lượng cao trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu vấn đề, nếu ở địa bàn chỉ có cơ sở giáo dục chất lượng cao sẽ không có sự công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Theo đó, trong cùng địa bàn vẫn có nhu cầu của phụ huynh, học sinh được học các trường công lập, với mức học phí vừa phải, phù hợp thu nhập; vì vậy, khi quyết định quy hoạch về hệ thống giáo dục, Hội đồng nhân dân thành phố nên cân nhắc đến điều này để tất cả học sinh đều có cơ hội tiếp cận với giáo dục...

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trân trọng cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội phối hợp Hà Nội, Bộ Tư pháp trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật; các đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung cơ bản trong dự thảo luật.

Về nội dung phân cấp, phân quyền cho thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, rà soát kỹ và đầy đủ những vấn đề về định mức, đơn giá, quy chuẩn, tiêu chuẩn trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, quy chuẩn tiêu chuẩn về vấn đề môi trường còn rất thiếu, quy định về định mức, đơn giá còn vướng mắc, dẫn đến khó khăn trong triển khai các công trình đặc biệt của Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, cần đồng bộ, nhất quán trong phân cấp phân quyền, giao thêm thẩm quyền hợp lý cho thành phố hoặc cho Chính phủ trong vấn đề liên quan giới hạn sử dụng không gian ngầm, bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn...

Trong sáng nay, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này có rất nhiều điểm mới, tiến bộ, đưa ra những cơ chế vượt trội để Hà Nội có thể phát triển, là đầu tàu của cả nước. Cần chú trọng sự đồng bộ, thống nhất trong quy định của pháp luật; giải quyết các vấn đề vướng mắc, mâu thuẫn, bất cập trong cách thức thực hiện tại luật này, tránh trường hợp có nhiều cách hiểu về quy định pháp luật gây khó khăn trong quá trình triển khai…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang


Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày