Thứ 6, 22/11/2024, 05:39[GMT+7]

Bế mạc Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024

Thứ 7, 16/03/2024 | 21:49:29
2,559 lượt xem
Chiều 16/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau gần 2 ngày làm việc với 10 phiên thảo luận chuyên sâu, Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 đã chính thức bế mạc.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu bế mạc.

Dự phiên bế mạc có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, các ban, ngành, doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương. 

Các đại biểu dự phiên bế mạc. 

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định: Sau 10 phiên thảo luận chuyên sâu, Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã thành công tốt đẹp. Diễn đàn đã đón nhận rất nhiều tham luận, ý kiến đánh giá, thảo luận tâm huyết từ các nhà báo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu.

Tóm lược những nội dung nổi bật cũng như kết luận cụ thể với từng phiên thảo luận, đồng chí cho biết, trong phiên thứ nhất "Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí", các ý kiến đã thống nhất cao ở những vấn đề mấu chốt cơ bản: Đó là vai trò quan trọng của báo chí cách mạng trong tuyên truyền phố biến định hướng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước; cầu nối gắn bó mật thiết với nhân dân; lực lượng tiên phong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần chống lại cái xấu cái tiêu cực, bảo vệ tôn vinh cái đẹp, giá trị nhân văn.

Các ý kiến đều khẳng định, tính Đảng, tính định hướng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hoạt động báo chí cách mạng, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những thách thức to lớn, như cạnh tranh thông tin trong kỷ nguyên số, khi tâm lý, thị hiếu công chúng thay đổi, phương tiện thay đổi; những hạn chế, điểm yếu, dư địa đổi mới nằm ngay trong bản thân cơ chế hoạt động của các cơ quan báo chí của Đảng.

Bên cạnh đó là sự trì trệ xơ cứng ở một bộ phận người làm báo; sự chậm đổi mới trong phương thức quản trị tòa soạn, chỉ đạo thông tin, đầu tư cho đội ngũ và cơ sở vật chất làm báo; tính bất xứng trong kỳ vọng về trách nhiệm dẫn dắt chủ đạo thông tin với cơ chế đã bộc lộ khiếm khuyết, đầu tư không đúng tầm và đội ngũ không theo kịp cả về năng lực trình độ và bản lĩnh.

Trong phiên thứ 2 "Xây dựng môi trường văn hóa báo chí", các diễn giả nhấn mạnh môi trường văn hóa báo chí là bệ đỡ để báo chí Việt Nam phát triển đúng định hướng, chuyên nghiệp. Do đó, cần đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần tốt đẹp cho xã hội.

Đồng thời, phải xây dựng được một cái lõi văn hóa, từ việc nghiêm chỉnh thực hiện 6 tiêu chí trong xây dựng cơ quan báo chí văn hóa; 6 tiêu chí của người làm báo văn hóa. Các cơ quan báo chí phải thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đối với câu chuyện kinh tế có làm “phai nhạt” yếu tố văn hóa trong hoạt động báo chí, các diễn giả cho rằng, các cơ quan quản lý báo chí phải sáng tạo, năng động để tìm ra được nguồn kinh tế bảo đảm, để từ đó người làm báo mới có thể sống được với nghề báo của mình. Những người làm báo phải tìm đến những giá trị đích thực và vốn có của nghề báo: đó là tính nhân văn, sự trung thực, là chiến đấu vì công lý.

Phiên thứ 3 "Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội", kết quả thảo luận cho thấy, các cơ quan báo chí cho chiến lược nội dung vượt trội hiệu quả đều phải phát triển báo chí dữ liệu. Nguồn dữ liệu mở, dữ liệu liên kết, dữ liệu tự thân của các cơ quan báo chí, đặc biệt là dữ liệu cho việc phân tích xu hướng báo chí sẽ là cơ sở cho việc lọc và làm giàu dữ liệu, phân tích đánh giá, trực quan hoá dữ liệu là những thao tác cơ bản để ứng dụng báo chí dữ liệu trong kể chuyện đa phương tiện, tạo tính đặc sắc và vượt trội của nội dung báo chí.

Để phát triển báo chí dữ liệu, cần hiểu rõ bản chất, vai trò, điều kiện thực thi nó, có giải pháp tổng thể trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn năng lực, nguồn lực, xu hướng thế giới, đặc thù công chúng của từng cơ quan báo chí. Chỉ có nội dung vượt trội khi cơ quan báo chí đổi mới sáng tạo cả 4 lĩnh vực: chiến lược sản phẩm dịch vụ, lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, lĩnh vực công chúng - khách hàng và kinh tế báo chí truyền thông.

Các ý kiến cũng khẳng định, báo chí dữ liệu là hướng đi không thể tách rời dòng chảy báo chí Việt Nam. Để có một sự phát triển bền vững, ngoài tự thân các cơ quan báo chí chủ động nghiên cứu, tìm kiếm cho riêng mình mô hình báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội thì cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới báo chí số. Thông qua hệ sinh thái này, các cơ quan báo chí có khả năng sẵn sàng chia sẻ, kết nối dữ liệu.

Để thực hiện điều này, vai trò của các cơ quan có tính định hướng, quản lý, dẫn dắt như Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội nhà báo Việt Nam rất quan trọng. Theo đó, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tham mưu, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; Hội Nhà báo có vai trò dẫn dắt, tư vấn xây dựng các mô hình quản lý và mô hình nghiệp vụ của các cơ quan báo chí trong xây dựng hệ sinh thái này.

Phiên thứ 4 "Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn", các diễn giả nhận định, báo chí trong kỷ nguyên số sẽ không thể tách rời công nghệ, thậm chí công nghệ đang dẫn dắt báo chí và đa phần các tòa soạn lớn sẽ phát triển theo xu hướng trở thành các tập đoàn công nghệ-truyền thông. Nhưng muốn thực hiện tham vọng đó, các tòa soạn cần phải đa dạng hóa nguồn thu, phát triển những mô hình kinh doanh kỹ thuật số. Như vậy, việc đầu tư cho công nghệ cũng chính là hướng đến phương thức tạo nguồn thu mới, thay thế cho các nguồn thu truyền thống.

Nhà báo Thi Uyên (Báo Nhân Dân) trình bày tham luận trong phiên thảo luận về đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, trí tuệ Nhân tạo (AI) đang trở thành nhân tố có thể làm thay đổi cuộc chơi, không chỉ với báo chí mà còn trên bình diện rộng hơn. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí Việt Nam lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc thiếu hành lang pháp lý cho đến công nghệ lõi để bước vào sân chơi này.

Từ các vấn đề trên, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp phù hợp để các tòa soạn vừa và nhỏ cũng có thể lựa chọn và tìm ra cho mình những hướng đi đúng đắn, nhằm bắt kịp với xu hướng của báo chí thế giới.

Phiên thứ 5 "Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí", các ý kiến có chung nhận định, nguồn thu báo chí đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí hiện nay. Nếu chỉ trông chờ, phụ thuộc nhiều vào quảng cáo, các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, trong bối cảnh nhiều cách tìm khách hàng không còn phải đi qua các cơ quan báo chí. Các doanh nghiệp đã và đang tìm những phương thức quảng bá sản phẩm, bán hàng có hiệu quả khác. Thêm nữa, việc các trang tin, trang mạng xã hội lấy lại nội dung có chọn lọc một cách chủ đích từ các cơ quan báo chí cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến miếng bánh kinh tế cho các cơ quan báo chí ngày một nhỏ đi.

Các tòa soạn đang nỗ lực đa dạng hóa tiếp cận độc giả bằng cách tiếp cận các nền tảng mạng xã hội nhiều hơn. Trong đó, nỗ lực đa dạng các kênh tiếp cận độc giả, bởi có độc giả mới có nguồn thu. Cũng theo các diễn giả, các cơ quan báo chí đã có những bước chuyển mới khi phần lớn nguồn thu hiện nay chuyển sang nền tảng số. Sự chuyển đổi này đến từ việc đầu tư nhiều vào công nghệ, thay đổi tư duy, thói quen làm báo của các nhóm phóng viên, biên tập viên.

Phiên thứ 6 "Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích", các diễn giả đã đưa ra 4 giải pháp và kiến nghị để phát triển báo chí điều tra.

Một là, tiếp tục có chương trình, giáo trình, có đội ngũ nhân sự để đào tạo các phóng viên điều tra ngay từ khi các em còn học đại học

Hai là, tại các cơ quan báo chí nhất là các cơ quan báo chí lớn, tùy điều kiện khôi phục lại nhóm/ tổ/ phòng ban chuyên về thể loại điều tra. Trên các số báo; giao diện; chương trình của các cơ quan báo chí nên duy trì những chuyên mục, chương trình với tên gọi gắn với thể loại nhằm “giữ lửa” cho thể loại và giữ chân độc giả yêu thích thể loại này đồng thời lôi kéo phát triển các nhóm độc giả mới.

Ba là, cần có cơ chế chính sách phù hợp về điều kiện làm việc, thu nhập, nhằm khuyến khích những cây viết lĩnh vực này yên tâm công tác, có thu nhập khá, có sự đảm bảo khi gặp rủi ro, sự cố. Cần thiết có thể thành lập “Quỹ phòng ngừa rủi ro”. Cơ quan báo chí ưu tiên đầu tư về công nghệ phương tiện để hỗ trợ các tác phẩm báo chí không chỉ có chất lượng cao mà còn có hình thức hấp dẫn, tiếp cận nhanh nhất đến độc giả.

Bốn là, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu cơ chế, chính sách; đưa ra các kiến nghị để coi người làm báo chí điều tra là những người thi hành công vụ.

Phiên thứ 7 "Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI", với 4 bản trình bày, phiên thảo luận và những video trình chiếu, hội thảo đã đi tới những nhận định: Công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh có tính cách mạng trong việc tạo ra những hình ảnh và nội dung sinh động. Đồng thời, đây cũng là một công cụ để hiểu và phục vụ được công chúng một cách tốt nhất.

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh sẽ tạo ra sự giải phóng sức lao động, cũng như nâng cao năng suất lao động một cách vượt bậc trong sản xuất sản phẩm truyền hình. Điều đó giúp cho ngành truyền hình phát huy được thế mạnh của mình.

Bên cạnh đó, những rủi ro mà trí tuệ nhân tạo tạo sinh mang lại cũng là những thách thức rất lớn trong quá trình sản xuất chương trình truyền hình. Trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra những nội dung tương tự như những nội dung có bản quyền. Điều này dẫn tới sự vi phạm sở hữu trí tuệ.

Khi thông tin ban đầu là không chính xác, dễ gây hiểu lầm; hoặc dữ liệu không đầy đủ, sai lệch; thậm chí là thông tin giả, các mô hình AI sáng tạo khó có thể kiểm chứng một cách minh bạch về các sự thật khách quan.

Sự bất bình đẳng, thiên vị, phản ánh những thông tin thiếu tính nhân văn… cũng có thể là những rủi ro mà trí tuệ nhân tạo tạo sinh có thể mang lại cho truyền hình nếu chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ này.

Không thể phủ nhận, trí tuệ nhân tạo tạo sinh đang và sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực trong quá trình sản xuất chương trình truyền hình. Tuy nhiên vai trò của trí tuệ con người đối với những sản phẩm mà trí tuệ nhân tạo tạo ra càng cần phải được phát huy và tập trung cao độ.

Song song với đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI, chúng ta cần tiếp tục tạo ra và chia sẻ những thông tin mang tính xác thực và có giá trị nhân văn. Đó là những dữ liệu đóng góp vào kho dữ liệu lớn của Việt Nam. Từ đó, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển rất lớn, giá trị năng lực cạnh tranh của truyền hình cũng ngày càng tăng lên. Trí tuệ nhân tạo sẽ chắp cánh sáng tạo cho những người làm truyền hình.

Phiên thứ 8 "Phát thanh năng động trong môi trường số", ý kiến tham luận và khán giả đều thống nhất: chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc, không thể cưỡng lại đối với tất cả cơ quan báo chí. Các Đài Phát thanh - Truyền hình cần nhận thức rõ những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội phát triển trong kỷ nguyên số, để có những chiến lược đầu tư phát triển phù hợp.

Cùng với đó, để thích ứng với môi trường số, việc thay đổi nhận thức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đặc biệt là cán bộ làm công tác quản lý phát thanh là yếu tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó, yếu tố con người là vấn đề trung tâm trong phát triển nội dung số, từ những phóng viên, biên tập viên, đến thính giả.

Ngoài ra, cần quan tâm đầu tư nguồn lực, cả nhân lực, vật lực và tài chính để phát thanh phát triển, cạnh tranh lành mạnh với các loại hình báo chí trong môi trường số.

Các ý kiến cho rằng, để các Đài Phát thanh - Truyền hình, các kênh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam có thể tồn tại, phát triển, rất cần xây dựng chiến lược để phát triển các nội dung phát thanh trên nền tảng số. Chiến lược này đòi hỏi những giải pháp cụ thể, và cả những đề xuất, kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền để phát thanh Việt Nam phát triển, cạnh tranh lành mạnh với các loại hình báo chí khác trên nền tảng số.

Phiên thứ 9 "Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo", các diễn giả nhất trí cho rằng, không chỉ giới hạn ở các mô hình hợp tác quảng cáo, truyền thông thương hiệu, báo chí và doanh nghiệp hoàn toàn có thể hợp tác trong các hoạt động giáo dục công chúng, tuyên truyền, định hướng khuynh hướng tiêu dùng phù hợp với lối sống xanh, có trách nhiệm, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Điều này cũng trực tiếp mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp đang phát triển theo mô hình ESG – môi trường, xã hội, quản trị bền vững.

Sự hợp tác xây dựng hình ảnh minh bạch, khách quan cho doanh nghiệp trên các nền tảng báo chí xác tín, tin cậy, chính là cơ sở để xây dựng niềm tin đối với doanh nghiệp. Xu hướng marketing bằng nội dung chính là phương thức hợp lý và hiệu quả, mở đường cho giải pháp hợp tác gọi là branded content - nội dung báo chí mang tính truyền thông cho thương hiệu, dưới nhiều hình thức khác nhau, trên mặt báo hoặc bên ngoài mặt báo, phù hợp cho mô hình đa nền tảng của báo chí hiện đại.

Theo các diễn giả, doanh nghiệp phải nhận thức lợi ích riêng của mình nằm trong tổng thể lợi ích chung của ngành, của khu vực, của quốc gia và toàn bộ nền kinh tế-xã hội. Việc tham gia cùng báo chí trong các dự án, chương trình truyền thông, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, văn hoá… chính là sự hợp tác sâu rộng và bền vững. Về phía báo chí, cũng cần quan tâm xây dựng những chương trình phù hợp với từng doanh nghiệp, thật sự quan trọng đến đời sống xã hội, và có khả năng hỗ trợ quảng bá hình ảnh doanh nghiệp một cách tích cực và hiệu quả.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tặng hoa cho các diễn giả tham gia các phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024. 

Phiên thứ 10 "Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số", cuộc thảo luận đặt ra một số vấn đề: hệ thống văn bản pháp luật về tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan là cơ sở để cảnh báo, ngăn ngừa, phát hiện và xử phạt vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập và phân tán. Và ở góc độ chủ thể và người sáng tạo nội dung, các nhà báo và cơ quan báo chí cũng còn lúng túng và chưa thật sự quyết liệt trong bảo vệ quyền lợi của mình.

Các diễn giả đã cùng thảo luận về giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí trong môi trường số; nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí; đóng góp kinh nghiệm xử lý bảo vệ bản quyền báo chí. Đồng thời, đóng góp vào quá trình sửa đổi Luật báo chí nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền báo chí và thúc đẩy hoạt động kinh tế báo chí phát triển.

Đánh giá cao chất lượng của tất cả 10 phiên làm việc, đồng chí Lê Quốc Minh kỳ vọng những kết quả thảo luận của Diễn đàn báo chí toàn quốc năm nay sẽ được hiện thực hóa và mang lại những thay đổi tích cực trong báo chí cách mạng Việt Nam.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày