Thứ 7, 02/11/2024, 18:27[GMT+7]

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập thành phố Bến Cát (Bình Dương) và thành phố Gò Công (Tiền Giang)

Thứ 4, 20/03/2024 | 08:19:24
1,637 lượt xem
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua hai dự thảo nghị quyết: thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua 2 dự thảo nghị quyết về việc sắp xếp một số đơn vị hành chính của 2 tỉnh Bình Dương và Tiền Giang tại phiên họp chiều 19/3. (Ảnh: DUY LINH).

Ngày 19/3, tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Việc thành lập, sắp xếp bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tỉnh Bình Dương đề nghị thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 xã An Điền và An Tây. Đồng thời, đề nghị thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Bến Cát.

Bộ trưởng khẳng định sự cần thiết thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, nhấn mạnh trong những năm qua, xã An Điền và xã An Tây có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ; thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước; thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân chung của cả nước. Đến nay, xã An Điền và xã An Tây đã đạt tiêu chuẩn về hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị để thành lập phường theo quy định.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Về sự cần thiết thành lập thành phố Bến Cát, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, thị xã Bến Cát là một trong 5 đô thị quan trọng của tỉnh Bình Dương, là đô thị động lực phía bắc của vùng TP Hồ Chí Minh; vùng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ.

Định hướng phát triển đô thị Bến Cát đến năm 2040 là trung tâm đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông. Theo đó, tỉnh Bình Dương và thị xã Bến Cát đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị.

Về phương án thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, tỉnh Tiền Giang đề nghị: thành lập 4 phường Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã cùng tên; sắp xếp 4 phường thành 2 phường (nhập phường 4 vào phường 1, nhập phường 3 vào phường 2); thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công.

Bộ trưởng cho rằng, từ vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa của 4 xã và 4 phường nói trên cũng như thị xã Gò Công thì việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công là cần thiết.

"Việc thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công đã bảo đảm đủ 5 điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.

Thực hiện tốt phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ nhân sự sau khi sắp xếp

Báo cáo thẩm tra 2 đề án về sắp xếp các đơn vị hành chính của tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban tán thành với sự cần thiết thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang với các lý do như đã thể hiện tại các Tờ trình và Đề án của Chính phủ.

Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về các nội dung trên, đồng thời đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang quan tâm một số vấn đề cụ thể.

Thứ nhất, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của các địa phương để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm tiến độ theo đúng quy định. Đề nghị Chính phủ khi xem xét đề án sắp xếp đơn vị hành chính của các địa phương cần rà soát kỹ lưỡng các trường hợp không sắp xếp đơn vị hành chính vì yếu tố đặc thù (nếu có), bảo đảm đúng yêu cầu, quy định của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Thứ hai, quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư để bảo đảm chất lượng đô thị đối với các xã dự kiến thành lập phường và thị xã dự kiến thành lập thành phố thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là các tiêu chuẩn thành phần còn đạt ở mức thấp so với quy định.

Thứ ba, có phương án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên địa bàn đã có mức độ đô thị hóa cao; thực hiện tốt phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.

Thứ tư, rà soát lại các nội dung công việc và thời hạn hoàn thành trong dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm rõ việc, rõ chủ thể chịu trách nhiệm và tiến độ hoàn thành.

Trong đó, cần có phương án chủ động cập nhật, điều chỉnh thông tin liên quan về địa chỉ nơi cư trú của người dân, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thay đổi các loại giấy tờ có liên quan khi người dân, doanh nghiệp có yêu cầu; rà soát, xem xét lại thủ tục thu hồi và sử dụng con dấu bảo đảm phù hợp với quy định của Chính phủ.

Thứ năm, về thời điểm có hiệu lực của 2 nghị quyết trong trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định ngày có hiệu lực thi hành của các nghị quyết là ngày 1/5/2024 để các cơ quan, tổ chức và địa phương có đủ thời gian kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập (hiện trong dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình chưa xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết).

Phát biểu điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua xem xét, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với tờ trình và dự thảo nghị quyết của Chính phủ trình.

Đại diện lãnh đạo các địa phương cũng đã phát biểu tiếp thu giải trình, Bộ trưởng Nội vụ thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng cũng đã phát biểu tiếp thu.

Tiếp đó, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua hai dự thảo nghị quyết: thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày