Thứ 7, 02/11/2024, 16:17[GMT+7]

Cấm ghi âm, ghi hình tại phiên tòa nhằm bảo đảm sự tập trung cao nhất cho quá trình xét xử

Thứ 3, 26/03/2024 | 18:32:17
832 lượt xem
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện khi chủ tọa phiên tòa cho phép nhằm bảo đảm cho các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao nhất cho quá trình xét xử, chứ không phải để làm hình ảnh trước truyền thông.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu ý kiến giải trình trong phiên thảo luận về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH).

Chiều 26/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, quy định về việc tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).

Tại khoản 3, Điều 141 dự thảo Luật quy định: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp”.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra) thấy rằng, tại phiên tòa, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh nhằm bảo đảm hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật; nhưng đồng thời, phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH).

Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “yêu cầu nghiên cứu, rà soát nội dung này, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi cho các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình”, Thường trực Ủy ban Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao thống nhất đề xuất chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh… trong thời gian tuyên án, công bố quyết định; trường hợp cần thiết thì Tòa án ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp…

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), quy định chặt chẽ việc đưa tin, thông tin tại các phiên tòa là vô cùng cần thiết vì nếu thông tin không đầy đủ, không chính xác, chỉ thông tin các nội dung, tình tiết nhằm định hướng dư luận là vô cùng nguy hiểm, có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xét xử, công tác tuyên truyền pháp luật và làm giảm niềm tin của nhân dân vào chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, đối với nội dung này, đại biểu cũng lưu ý cần rà soát và quy định cẩn trọng, không làm trái nguyên tắc xét xử công khai của tòa án đã được quy định trong Hiến pháp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH).

Tham gia giải trình tại phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, khi tổ chức phiên toà, Hội đồng xét xử phải bảo đảm ba yêu cầu, gồm: đúng luật, chất lượng và nghiêm túc. Vậy nên Hội đồng xét xử phải quy định việc đưa tin, truyền thông về phiên toà.

“Nếu tổ chức phiên toà mà vi phạm quyền con người là toà vi phạm. Ví dụ phiên toà ly hôn, vợ nói thế này, chồng nói thế kia, toàn bộ vụ việc được ghi âm, ghi hình rồi đưa lên mạng là rất phức tạp, vi phạm quyền con người. Người ta cũng không muốn cho xã hội biết vợ chồng họ có bao nhiêu tài sản, lý do tại sao mà phải ly hôn... Rất nhạy cảm chung quanh câu chuyện này”, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nói.

Bên cạnh đó, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, luật sư khi bước vào phòng xét xử sẽ toàn tâm, toàn ý, tập trung suy nghĩ cao nhất cho vụ án, nếu cứ chĩa máy quay vào sẽ khiến họ bị phân tán.

“Lúc đưa ra quyết định sáng suốt nhất thì người ta bị phân tán. Bản thân Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, luật sư cũng không muốn hình ảnh đưa lên truyền thông không đẹp, nhưng trong quá trình xét xử họ phải nhăn mặt, nhíu mày, đăm chiêu suy nghĩ chứ không phải lúc nào cũng nở nụ cười”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện khi chủ tọa phiên tòa cho phép nhằm bảo đảm cho các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao nhất cho quá trình xét xử.

“Chúng tôi không điều chỉnh việc truyền thông của các cơ quan báo chí về vụ án, chúng tôi chỉ điều chỉnh truyền thông trong phòng xét xử. Ra ngoài hành lang phỏng vấn ai, đưa tin như thế nào thì đó là việc của cơ quan báo chí, truyền thông, chúng tôi không điều chỉnh, không ngăn cản. Cả thế giới đều quy định như thế”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Không cần thiết đổi tên gọi tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện

Bên cạnh quy định về việc tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, một trong những vấn đề lớn hiện còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật liên quan đến việc đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử.

Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh thành tòa án nhân dân phúc thẩm, tòa án nhân dân cấp huyện thành tòa án nhân dân sơ thẩm nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án này không thay đổi. Các Tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh. Tòa án nhân dân phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án.

Quy định như dự thảo Luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 27; không thống nhất với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương. Mặt khác, phải sửa đổi nhiều đạo luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; phát sinh chi phí tuân thủ như: sửa con dấu, biển hiệu, các loại mẫu giấy tờ...

Vì vậy, tiếp thu Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện”, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện.

Về nội dung này, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội (tòa án nhân dân sơ thẩm, tòa án nhân dân phúc thẩm). Do đó, khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật được xây dựng 2 phương án để trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến.

Tham gia thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu vẫn nghiêng về phương án 1: giữ như luật hiện hành về tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH).

Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh), việc đổi tên gọi chỉ là vấn đề hình thức mà không thay đổi về nội dung và phương thức. Bên cạnh đó, việc đổi tên cũng dẫn tới không tương thích với tổ chức các cơ quan tư pháp ở địa phương như cơ quan điều tra, viện kiểm sát… dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan; phát sinh chi phí tuân thủ như con dấu, các biển hiệu…

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu rõ, hiện nay, mặc dù tên gọi của tòa án cấp tỉnh, cấp huyện gắn với đơn vị hành chính địa phương nhưng hoạt động của tòa án vẫn độc lập với bộ máy chính quyền địa phương; về cơ cấu tổ chức vẫn thuộc sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, công tác điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được thực hiện theo ngành dọc mà không chịu sự chi phối của chính quyền địa phương.

“Hệ thống tòa án hiện nay hoạt động ổn định, hiệu quả và có sự thống nhất giữa các văn bản có liên quan trong hệ thống pháp luật. Để tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”, hạn chế phát sinh các chi phí do thay đổi tên gọi, thống nhất với một số cơ quan khác có liên quan thì quy định như phương án 2 là không cần thiết, việc đổi mới không tạo những chuyển biến khác biệt trong công tác xét xử”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày